Hơn 30 năm sau ngày chiến tranh Việt Nam kết thúc, những hạn chế cuối cùng trong các mối quan hệ thương mại với Việt Nam đã được Hoa Kỳ tháo gỡ khi Thượng Viện Hoa Kỳ biểu quyết chấp thuận dự luật dành cho Việt Nam qui chế thương mại bình thường vĩnh viễn hôm thứ Bảy tuần trước. Trong các cuộc biểu quyết này, một số nhà lập pháp đã liên kết qui chế này với vấn đề nhân quyền tại Việt Nam, tuy nhiên những người ủng hộ nói rằng việc tháo gỡ những hạn chế về thương mại sẽ giúp Việt Nam đẩy mạnh những cải cách về kinh tế và chính trị. Chúng tôi đã tiếp xúc với giáo sư Đoàn Viết Hoạt, một nhà tích cực hoạt động cho dân chủ và nhân quyền tại Việt Nam để tìm hiểu thêm về ảnh hưởng của việc cấp qui chế này và sự kiện Việt Nam gia nhập Tổ Chức Thương Mại Thế Giới đối với công cuộc vận động cho nhân quyền và tự do tôn giáo tại Việt Nam.
Theo giáo sư Đoàn Viết Hoạt, người đã từng bị nhà cầm quyền Việt Nam giam giữ vì các hoạt động cho tự do dân chủ của ông ở trong nước thì qui chế thương mại bình thường vĩnh viễn, gọi tắc là PNTR, sẽ tạo điều kiện thuận lợi để các nhà đầu tư Hoa Kỳ và Việt Nam có thể gia tăng các hoạt động thương mại, tuy nhiên tiến trình đưa đến việc chấp thuận qui chế này không phải đã diễn ra một cách suôn sẻ:
ĐOÀN VIẾT HOẠT: Thứ nhất là việc chấp nhận qui chế PNTR, trước nhất là có lợi cho các nhà thương mại của Hoa Kỳ bởi vì hàng hóa của Hoa Kỳ sẽ được vào Việt Nam cũng như hàng hóa Việt Nam được vào Mỹ. Tôi nghĩ đó là một trong những lý do tại sao mà Quốc Hội Mỹ đã thông qua PNTR.
Tuy nhiên có một chi tiết nhỏ đáng chú ý là thực ra cái PNTR đã được đưa ra biểu quyết như là một dự luật riêng trước khi ông Bush đi Việt Nam, và nó đã bị Quốc Hội bác bỏ vì không đủ số phiếu. Sau đó trong mấy ngày vừa qua như chúng ta biết là cái phần PNTR của Việt Nam được đưa ra trong một đạo luật chung về thương mại của Hoa Kỳ với rất nhiều quốc gia, nhờ vậy mà nó đã được thông qua như là một phần của đạo luật thương mại. Đó là vì các thủ tục mà các nhà lập pháp ủng hộ PNTR đã tìm cách đưa cái điều khoản này vào. Chi tiết này rất đáng chú ý bởi vì điều đó cho thấy rằng nếu mà công khai đưa ra quốc hội như là một đạo luật riêng thì chưa chắc PNTR đã được thông qua, và khi mà không được thông qua như là một đạo luật riêng thì sang năm khi Quốc Hội mới do đảng Dân Chủ kiểm soát thì cái vấn đề này sẽ rất khó khăn.
VOA: Thưa giáo sư, mới đây trong một cuộc gặp gỡ với báo chí, đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam, ông Michael Marine nói rằng, việc Hoa Kỳ có những mối quan hệ chặt chẽ hơn về thương mại với Việt Nam không có nghĩa là Hoa Kỳ sẽ ngưng vận động cho nhân quyền và tự do tôn giáo tại Việt Nam, xin cho biết quan điểm của giáo sư về vấn đề này cũng như việc Việt Nam được đưa ra khỏi danh sách các nước cần đặc biệt quan tâm về vấn đề tự do tôn giáo?
ĐOÀN VIẾT HOẠT: Điểm này quan trọng ở chỗ là cái việc thông qua PNTR cũng như đưa Việt Nam ra khỏi danh sách các nước cần quan tâm đặc biệt về vấn đề tôn giáo thì như ông Đại Sứ Michael Marine đã nói là nó chưa phải là những gì có tính cách vĩnh viễn để cho Việt Nam có thể yên tâm mà tiếp tục vi phạm các nhân quyền căn bản , đặc biệt là quyền tự do tôn giáo và tự do phát biểu ý kiến của những người bất đồng chính kiến với chính phủ. Thì các tuyên bố vừa rồi của ông Đại sứ Mỹ với báo chí một cách công khai như vậy không phải chỉ là để làm an lòng cho những người đấu tranh cho dân chủ và nhân quyền, mà tôi nghĩ là nó có tác dụng.
VOA: Cũng theo lời giáo sư Đoàn Viết Hoạt thì nhờ sự kiện hàng hóa của 2 nước được tự do cạnh tranh trên thị trường của nhau sau khi có qui chế PNTR cho nên người tiêu thụ ở cả 2 nước đều có nhiều cơ hội để lựa chọn, dù vậy giáo sư Đoàn Viết Hoạt cũng nói rằng sự cạnh tranh đó cũng có thể mang đến một số rủi ro cho các nhà sản xuất, nhất là các nhà sản xuất hàng may mặc của Hoa Kỳ:
ĐOÀN VIẾT HOẠT: Thứ nhất, đương nhiên là có sự cạnh tranh giữa hàng hóa Việt Nam và hàng hóa của Mỹ về hàng may mặc vì công nhân Việt Nam rẻ cho nên hàng sẽ rẻ hơn, và điều này sẽ gây nguy cơ cho hàng hóa của Hoa Kỳ vì hàng hóa sản xuất tại Hoa Kỳ thì giá sẽ đắt hơn và những người phản đối đã có lý do của họ. Tuy nhiên trong một thế giới mà thương mại tự do như hiện nay thì Hoa Kỳ cũng không thể nào cấm cản hàng hóa của những nước khác sang Mỹ được, cũng như Việt Nam cũng không thể nào ngăn cản hàng hóa của Mỹ vào Việt Nam được. Vấn đề còn lại là hai bên, hàng hóa Việt Nam phải tốt hơn mà giá vẫn rẻ , và về phía Hoa Kỳ thì làm sao để giá cả có thể rẻ hơn.
VOA: Về vấn đề Việt Nam sắp chính thức gia nhập Tổ Chức Thương Mại Thế Giới, giáo sư Đoàn Viết Hoạt nói rằng song song với những thuận lợi, Việt Nam cũng sẽ đương đầu với một số thách thức sau khi trở thành hội viên của tổ chức quốc tế này:
ĐOÀN VIẾT HOẠT: Tôi nghĩ rằng điều đó tất nhiên nó phải xảy ra bởi vì khi Việt Nam hội nhập vào nền kinh tế quốc tế thì phải mở cửa để cho hàng hóa của tất cả các nước có thể vào Việt Nam với một cái giá cạnh tranh công bằng, không dành ưu tiên cho bất cứ một hãng sản xuất nào . Do đó, đây là một thách thức lớn cho nền kinh tế Việt Nam nói chung và cho khả năng sản xuất của các xí nghiệp của Việt Nam, kể cả các xí nghiệp lớn, xí nghiệp nhỏ, đặc biệt là các xí nghiệp hiện nay làm ăn rất là kém như các xí nghiệp quốc doanh chẳng hạn.
VOA: Ngoài những thách đố như vừa kể, giáo sư Đoàn Viết Hoạt cho rằng tự do kinh tế cũng là cơ hội để người dân Việt Nam có thể giao tiếp nhiều hơn với thế giới bên ngoài:
ĐOÀN VIẾT HOẠT: Thì cái này nó bắt Việt Nam phải mở cửa nhiều hơn nửa và nó làm cho chính phủ, chính quyền hiện nay càng ngày càng ở vào cái thể phải trao đổi thông tin một cách tự do và thông lưu giữa quốc gia và quốc tế. Tôi nghĩ rằng đây vừa là một thách đố nhưng cũng vừa là một cơ hội mà đồng thời cũng là cơ hội cho cả những người hoạt động muốn Việt Nam ngày càng tự do hơn, người dân càng ngày càng có tự do hơn để mà lãnh hội được những cái mới của thế giới cũng như những thông tin cập nhật nhanh chóng.
VOA: Thưa giáo sư hôm thứ Sáu tuần trước, khi Hạ Viện biểu quyết qui chế PNTR, nhiều dân biểu đã nêu lên tình hình nhân quyền tại Việt Nam, tuy nhiên các đại biểu ủng hộ dự luật này lập luận rằng việc tháo gỡ những hạn chế về thương mại sẽ giúp Hà Nội đẩy mạnh những cải cách kinh tế và chính trị, và gia tăng áp lực để nhà cầm quyền phải đáp ứng với các tiêu chuẩn quốc tế. Giáo sư có nghĩ rằng những tiến bộ kinh tế sẽ mang lại những cởi mở chính trị hay không?
ĐOÀN VIẾT HOẠT: Những tiến bộ về kinh tế sẽ không đương nhiên mang lại những cởi mở về chính trị nhưng nó tạo ra cái môi trường và điều kiện để cho sự thay đổi về chính trị sẽ xảy ra. Tuy nhiên những thay đổi chính trị xảy ra hay không còn đòi hỏi những yếu tố khác, trong đó yếu tố quan trọng nhất là sự đòi hỏi của quần chúng của người dân, đòi hỏi của những người có ý thức, có hiểu biết càng ngày càng mạnh hơn, càng ngày cạn lan rộng hơn khiến cho người cầm quyền không thể nào không thay đổi khi phải chịu một cái áp lực mà chúng tôi gọi là áp lực nội tại, tức là áp lực ở ngay trong nước, áp lực từ trong quần chúng, trong sự phát triển của xã hội và ngay từ trong cơ cấu của đảng Cộng sản. Những người cấp tiến thấy rằng không thể nào không thay đổi được. Nếu áp lực càng mạnh thì sư thay đổi càng nhanh chóng để bắt kịp được cái nhu cầu của một nước Việt Nam mới, tiến bộ và hội nhập với thế giới.
VOA: Thưa giáo sư, giáo sư có những kỳ vọng nào trước viễn ảnh Việt Nam sẽ mở rộng cửa giao tiếp với thế giới bên ngoài nhiều hơn?
ĐOÀN VIẾT HOẠT: Chúng tôi kỳ vọng, thứ nhất là người dân sẽ lợi dụng cái cơ hội này để thăng tiến cái đời sống của mình càng nhanh càng tốt về tất cả mọi mặt , đặc biệt là về mặt tinh thần , tức là về thông tin về kiến thức, và thứ hai là sự đi lại, sự di chuyển. Chúng tôi nghí rằng người dân có cơ hội, đặc biệt là các bạn trẻ . Chúng tôi cũng kỳ vọng rằng những người đang đấu tranh cho tự do dân chủ ở trong nước cũng thấy đây là một cơ hội, và thật ra thì họ cũng đã thấy rồi, thì hãy tiếp tục đẩy mạnh công cuộc vận động của chúng ta ở trong nước cũng như sự hỗ trợ ở hải ngoại để làm cho sư thay đó trở thành một điều rất tự nhiên, một nhu cầu bắt buộc của đất nước chứ không phải chỉ là một sự chống đối, hiểu theo nghĩa là chống lại người đang cầm quyền, không phải vấn đề như vậy.
Đây là trách nhiệm của tất cả những người có tinh thần và nhìn thấy vấn đề. Và chúng tôi tin rằng thế giới cũng như Hoa Kỳ rất là ủng hộ đòi hỏi thay đổi đó, và chúng ta đòi hỏi một cách rất là hòa bình nhưng mà rất là cương quyết. Thứ Ba, về phía những người cầm quyền thì tôi kỳ vọng rằng những thành phần tiến bộ cũng nhìn ra được vấn đề và càng ngày tiếp nhận mọi cơ hội cởi mở tự do hơn, đặc biệt là để cho những tiếng nói khác biệt được tụ do phát biểu như là một hình thức để mà kiểm soát chính quyền, bởi vì nếu chính quyền không bị kiểm soát thì cái xu hướng độc tài và xu hướng tham nhũng nó cứ càng ngày càng phát triển mà thôi.
VOA: Xin cám ơn giáo sư Đoàn Viết Hoạt đã dành cho Đài Tiếng Nói Hoa Kỳ cuộc phỏng vấn hôm nay.