Đường dẫn truy cập

Thế giới trông đợi kết quả từ các cuộc đàm phán 6 bên


Ngoại trưởng Hoa Kỳ, bà Condoleezza Rice, hôm thứ Ba tuyên bố bà không ấn định thời hạn cho các cuộc thảo luận nhằm chấm dứt chương trình hạt nhân của Bắc Triều Tiên, nhưng trách nhiệm về việc đem lại kết quả giờ đây thuộc về Bình Nhưỡng. Hội nghị 6 nước do Trung Quốc bảo trợ sẽ tái nhóm tại Bắc Kinh vào ngày thứ Hai tuần tới sau một năm gián đoạn.

Hội nghị 6 nước do Trung Quốc bảo trợ đã khi nhóm khi ngừng, kể từ năm 2003, với rất ít kết quả cụ thể.

Trong khi bác bỏ chuyện đặt ra hạn Kỳ để đạt được thỏa thuận, ngoại trưởng Condoleezza Rice nói rằng đây là lúc để Bắc Triều Tiên bày tỏ cam kết thực hiện được thỏa hiệp, nhất là sau khi họ cho thử nghiệm vũ khí hạt nhân hồi tháng 10 năm nay khiến LHQ Phải áp đặt các biện pháp trừng phạt.

Tôi nghĩ không ai lại yêu cầu chúng ta ấn định thời hạn chót để đạt được một thỏa hiệp để rồi nếu không đạt được kết quả thì cuộc họp sẽ chấm dứt. Nhưng tôi tin rằng cộng đồng Quốc tế trông đợi rằng các cuộc hội đàm sắp tới sẽ không chỉ là hội họp mà thôi, mà Bắc Triều Tiên phải chứng tỏ là họ thật sự muốn từ bỏ chương trình hạt nhân hóa nước họ, nhất là sau khi họ đã cho thử nghiệm vũ khí hạt nhân.

Bà Rice lên tiếng tại một buổi họp báo, sau khi kết thúc một ngày họp với các giới chức cao cấp ngoại giao,và Quốc phòng Hoa Kỳ và Australia, tập chú vào các vấn đề an ninh trong khu vực Á Châu, trong đó có chương trình hạt nhân của Bình Nhưỡng.

Bộ trưởng ngoại giao Australia, ông Alexander Downer, đồng ý với ngoại trưởng Rice là nếu chỉ hội họp để mà nói thôi thì chẳng có nghĩa lý gì, và đã đến lúc phải đạt được kết quả.

Ông Downer bày tỏ cảm kích về điều mà ông gọi là nỗ lực mạnh mẽ của Trung Quốc trong việc khởi động lại cuộc đàm phán và nói rằng Trung Quốc, vốn là nước lâu nay cung cấp viện trợ chính cho Bắc Triều Tiên, đã tỏ ra bực bội như những nước khác trước thái độ thách thức của Bình Nhưỡng:

Sự kiện Trung Quốc ủng hộ hai nghị quyết của Hội đồng bảo an LHQ, nhất là nghị quyết 1718 về việc áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với Bắc Triều Tiên là điều mà nếu quý vị hỏi tôi cách đây 3 năm rằng Trung Quốc có hành động như vậy hay không thì tôi đã nghĩ là họ không làm như thế. Vì vậy quả đã có một sự thay đổi tích cực về đường lối ngoại giao của Trung Quốc trong việc giải quyết vấn đề Bắc Triều Tiên, được thúc đẩy bởi việc Bình nhưỡng thử nghiệm phi đạn và vũ khí hạt nhân trong năm nay.

Bình Nhưỡng cho biết họ sẽ quay lại bàn hội nghị vào cuối tháng 10, chỉ vài ngày sau khi bị Liên Hiệp Quốc áp đặt các biện pháp trừng phạt trong đó có việc cấm xuất khẩu sang Bắc Triều Tiên các công nghệ về quân sự và các mặt hàng xa xỉ phẩm mà giới lãnh đạo Bắc Triều Tiên ưa chuộng.

Các cuộc hội đàm 6 nước, trong đó có Nga, Nhật Bản, Nam Triều Tiên và cả Hoa Kỳ, Bắc Triều Tiên và nước chủ trì là Trung Quốc, hồi tháng 9 năm 2005, đã đưa ra một tuyên bố về các nguyên tắc để đạt được một thỏa hiệp, nhưng chỉ hai tháng sau đó các cuộc hội đàm đã tan vỡ.

Chiếu theo thỏa hiệp vừa kể, Bắc Triều Tiên đồng ý từ bỏ chương trình hạt nhân của họ để đổi lại sẽ nhận được viện trợ và các bảo đảm về an ninh của các nước khác.

Trong nhận định đưa ra tại Washington, ngoại trưởng Rice gọi đó là một chương trình đầy khích lệ, trong đó có việc gia tăng các tiếp xúc chính trị với Bình Nhưỡng, và rồi ra có thể tiến tới việc bình thường hóa các quan hệ với nhau.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG