Quân đội Fiji đang siết chặt quyền kiểm soát đảo quốc này một ngày sau khi lật đổ chính phủ dân cử. Quân đội đã tuyên bố một tình trạng khẩn trương, chỉ định một thủ tướng lâm thời và sa thải viên cảnh sát trưởng sau khi ông này từ chối không tuân lịnh của quân đội.
Người đứng đầu quân đội Fiji và cầm đầu cuộc đảo chính, phó đề đốc Frank Bainimarama hôm nay đã tuyên bố một tình trạng khẩn trương, cho phép binh sĩ áp đặt lịnh giới nghiêm, ra lịnh cho quân nhân trừ bị phải nhập ngũ, và đặt rào cản tại nhiều nơi trong thủ đô.
Ông Bainimarama nói rằng ông sẽ thẳng tay dẹp tan bất cứ một sự chống đối nào, và sa thải viên cảnh sát trưởng sau khi ông này từ chối không tuân lệnh của quân đội.
Tuy nhiên, ông Bainimarama cũng nói rằng các lãnh tụ quân đội muốn có một sự chuyển tiếp ôn hòa sang một chính phủ lâm thời, và dần dần mở các cuộc bầu cử dân chủ.
Ông Bainimarama đã làm lễ tuyên thệ nhậm chức cho một thủ tướng để cầm đầu chính phủ lâm thời . Bác sĩ Jona Senilagakali là một bác sĩ quân y và không có kinh nghiệm chính trị . Dân chúng Fiji đang lo lắng chờ xem điều gì sẽ xẩy ra trong khi cuộc khủng hoảng hiến pháp tiếp tục.
Gíao sư Brij Lal, người giúp soạn thảo bản hiến pháp Fiji nói rằng nước ông đang đối phó với một tương lai bất định.
Một số cơ chế quan trọng nhất trong xã hội Fiji, trước đây từng ủng hộ các cuộc đảo chính năm 1987 và năm 2000, đã ra mặt chống đối cuộc đảo chánh này. Chẳng hạn như Đại hội đồng các tộc trưởng, một tổ chức của thổ dân, đã lên án cuộc đảo chính này, và giáo hội Tin Lành Methodist với 80% dân Fiji là giáo dân, cũng đã chống cuộc đảo chính này.
Quân đội đã dùng máy bay đưa thủ tướng bị lật đổ Laisenia Qarase ra khỏi Suva tới làng của ông trên một hòn đảo hẻo lánh, bắt giữ những người ủng hộ ông, và giải tán quốc hội. Tuy nhiên ông Qarase vẫn cương quyết nói rằng ông vẫn còn là lãnh đạo hợp pháp của đảo quốc này.
Cuộc đảo chính không đổ máu này tiếp tục bị quốc tế lên án. Hoa kỳ đã ngưng viện trợ cho Fiji và nói rằng chính phủ Qarase nên được phục hồi.
Australia và New Zealand cũng đã cắt quan hệ quân sự với Fiji và áp đặt lịnh cấm du hành sang nước đó.
Quân đội Fiji nói rằng họ lật đổ ông Qarase vì ông ấy tham nhũng, và có kế hoạch ân xá những người dính líu vào một cuộc nổi dậy cách đây 6 năm. Tình hình Fiji hôm nay tương đối yên tĩnh, nhưng khu vực chung quanh thủ đô Suva đang bị rào cản tiếp theo sau cuộc đảo chính lần thứ tư trong 20 năm qua.