Một đội ngũ tuy nhỏ nhưng ngày càng trở nên đông đảo hơn của các nhân vật bất đồng chính kiến ở Việt Nam đang ra sức thách thức chế độ cai trị độc đảng của chính phủ ở Hà Nội. Những nhân vật này không tạo ra một mối nguy lớn cho đảng Cộng sản Việt Nam, nhưng họ đang tìm kiếm những giới hạn của các hoạt động chính trị trong một xã hội đang có những thay đổi cực kỳ nhanh chóng này.
Ngày 12 tháng 10 vừa qua, một nhóm các nhân vật bất đồng chính kiến ở Việt Nam đã phổ biến một lá thư gởi tới các nhà lãnh đạo khối APEC để yêu cầu họ hậu thuẫn cho sự thăng tiến của dân chủ ở Việt Nam. Nhóm người thuộc một tổ chức có tên là Khối 8406, được đặt theo ngày công bố Tuyên cáo Tự do và Dân chủ Việt Nam là ngày 8 tháng 4 năm 2006. Cho đến nay, tuyên cáo này đã có hơn 2000 người ký tên ủng hộ.
Trong số các thành viên khối 8406 có ông Nguyễn Khắc Toàn, một cựu sĩ quan quân đội bị kết án làm gián điệp vào năm 2002 vì trao đổi thư từ qua lại với các tổ chức ở Pháp chống đối chính phủ Việt Nam. Ông được thả khỏi nhà tù trong đợt đặc xá hồi tháng giêng, nhưng không được phép rời khỏi khu vực mà ông đang cư trú ở Hà Nội cho đến cuối năm 2008. Tuy vậy, ông vẫn tiếp tục tiến hành các hoạt động chính trị. Trung tuần tháng 8 vừa qua, ông và một người đồng chí hướng đã tìm cách xuất bản một tạp chí cổ xúy cho dân chủ. Nhưng nỗ lực này bị công an cảnh sát ngăn chận.
Ông Toàn cho biết rằng hiện nay ông đang cùng với các nhà tranh đấu khác tìm cách thành lập một tổ chức có qui mô toàn quốc.
Ông Nguyễn Văn Đài ở Hà Nội là luật sư đại diện cho nhiều nhân vật bất đồng chính kiến và là thành viên của khối 8406. Ông cho biết Nam Triều Tiên là một gương mẫu mà Việt Nam nên theo.
Tuy có những tham vọng to lớn như thế, thành phần đối lập ở Việt Nam hiện chỉ có vài nhóm nhỏ và ít khi được nhắc tới trên các cơ quan truyền thông do nhà nước kiểm soát. Ít người ở Việt Nam biết tới sự tồn tại của những tổ chức này, ngoại trừ những người tình cờ truy cập vào trang web của họ trên internet.
Mặc dầu vậy, những hoạt động của Khối 8406 cũng phản ánh một xu hướng là ngày càng có nhiều người Việt Nam tìm được cách để thoát khỏi sự khống chế của chính phủ đối với thông tin và ý tưởng.
Những nhân vật bất đồng chính kiến thuộc thế hệ cũ ở Việt Nam gồm có ông Hoàng Minh Chính, 83 tuổi, nguyên Viện trưởng Viện Triết học của đảng Cộng sản, và Hòa Thượng Thích Quảng Độ, 77 tuổi, Viện trưởng Viện Hóa đạo của Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất bị cấm hoạt động. Hai nhân vật này đã tranh đấu chống chế độ Cộng sản từ mấy mươi năm qua.
Một thế hệ thứ hai của các nhân vật tranh đấu cho dân chủ Việt Nam đã nhận được hứng khởi từ làn sóng dân chủ hóa ở Đông Âu hồi cuối thập niên 80 và đầu thập niên 90. Ông Nguyễn Chu Lĩnh, 41 tuổi, là một sinh viên ở Parha khi cuộc Cách mạng Nhung diễn ra năm 1989 ở Tiệp Khắc. Luật sư Nguyễn Văn Đài đang làm việc tại một nhà máy ở Đông Đức khi bức tường Bá Linh sụp đổ năm 1989.
Giờ đây, một thế hệ mới ở Việt Nam đang tiếp cận với những ý tưởng mới về chính trị, thông qua internet hoặc qua thời gian học tập ở nước ngoài. Trong số này có ông Nguyễn Tiến Trung, là người đã mất niềm tin đối với chế độ Cộng sản ở Việt Nam trong khi theo học đại học ở Pháp. Tháng 3 năm nay, ông Nguyễn Tiến Trung đã được nhiều người chú ý khi ông phổ biến một lá thư chỉ trích hệ thống giáo dục Việt Nam. Giờ đây, ông điều hành một website lấy tên là Phong trào Thanh niên dân chủ Việt Nam.
Báo chí Việt Nam hiện vẫn nằm trong sự kiểm soát của đảng và nhà nước, tuy rằng vài năm gần đây các phóng viên đã được độc lập hơn trước khi tường thuật về một số vấn đề xã hội. Các giới chức chính phủ cũng tìm cách gạt những nhân vật bất đồng chính kiến ra ngoài lề bằng cách không thừa nhận sự tồn tại của họ. Phát biểu sau đây của ông Lê Dũng, người phát ngôn bộ ngoại giao Việt Nam, là một thí dụ của việc này:
Một trong các khó khăn của những nhà hoạt động dân chủ Việt Nam là phần lớn những người thuộc lớp trẻ dường như cảm thấy hài lòng với chính quyền hiện nay, nhờ vào sự phát triển khả quan của nền kinh tế trong hơn một thập niên qua.
Trước lăng Hồ Chí Minh ở Hà Nội, một nhóm trẻ em đang hát những ca khúc tán tụng ông Hồ Chí Minh, và ở gần đó, một sinh viên của Đại học Bách khoa cho biết rằng cô ủng hộ giới lãnh đạo hiện nay.
Tuy vậy, các nhà dân chủ Việt Nam vẫn tỏ ý lạc quan. Luật sư Nguyễn Văn Đài nói rằng Việt Nam đang đứng trước ngưỡng cửa của một sự thay đổi to lớn.
Mời quí vị bấm vào link ở trên để theo dõi toàn bộ bài tường trình của Matt Steinglass và phỏng vấn do Duy Ái thực hiện: