Đường dẫn truy cập

Trường hợp bà Cúc Foshee bị bắt tại VN, và ý kiến của cựu đại sứ Pete Peterson


Lời dẫn: Tin tức trong vài ngày gần đây nhắc đến tên bà Thương Nguyễn Cúc Foshee, một công dân Mỹ thứ nhì bị bắt giam tại Việt Nam trong hơn một năm nay. Tương tự như trường hợp ông Đỗ Công Thành, người vừa được thả và trục xuất ra khỏi Việt Nam, Bà Foshee bị bắt trong thời gian về thăm Việt Nam vào ngày 8 tháng 9 năm 2005. Cho tới bây giờ, bà vẫn bị giam mà không bị chính thức buộc tội. Chúng tôi có thêm một vài chi tiết về trường hợp này như sau:

Thứ Ba tuần này, đại sứ quán Hoa Kỳ tại Việt Nam xác nhận chuyện giới hữu trách Việt Nam đã giam giữ một công dân Mỹ khác trong hơn một năm qua, đó là bà Thương Nguyễn Cúc Foshee, chúng tôi xin phép được gọi là bà Cúc. Một phát ngôn viên nói sứ quán Hoa Kỳ có biết về vụ này và trong thời gian qua, đã thường xuyên tiếp xúc với bà.

Trong câu chuyện ngắn với đài VOA, bà Theresa Tuyết Lan, em gái của bà Cúc cho biết về tình trạng sức khỏe của bà và vì sao gia đình đã chờ đợi bấy lâu nay, trước khi phổ biến vụ này:

Mời quí vị bấm vào link bên trên để nghe phần phỏng vấn bà Tuyết Lan.

Trong một cuộc phỏng vấn dành cho trưởng ban Việt Ngữ đài VOA Michael Mathes, cựu đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam, ông Pete Peterson nhận định về trường hợp bà Cúc Foshee như sau:

Cựu đại sứ Pete Peterson: Người phụ nữ này lẽ ra nên được phóng thích. Tôi tin rằng bà ấy có thể là một người vô tội, đã nghe lời một số đồng nghiệp mà mang theo những tài liệu bị Việt Nam coi là tài liệu tuyên truyền. Cũng có thể bà ấy cố tình, tôi không rõ điều đó. Nhưng cái tội của bà, nếu có thể dùng từ ấy, rất hạn chế, và theo chỗ tôi biết, bà chỉ có những tài liệu tuyên truyền mà thôi, bà có thể muốn phát tán các tài liệu này ở Việt Nam.

Nhận định về tác động đối với Hà Nội của việc bắt giữ bà Cúc và một số trường hợp bắt người tương tự, cựu đại sứ Peterson nói:

Ông Peterson: Những chuyện như thế này thật không có lợi, chúng gửi đi những tín hiệu tiêu cực, thật ra tôi không hiểu vì sao Việt Nam cứ tiếp tục cầm giữ những người như thế, bởi vì Hà Nội không tạo ra được bất cứ lợi lộc gì, khác hơn là, có lẽ, bị báo chí đả kích.

Về tác động của vụ việc đối với các nhà lập pháp Mỹ, ông Pete Peterson cho rằng những vụ như trường hợp bà Cúc có thể ảnh hưởng đến lối tư duy tại Quốc Hội Mỹ. Thế nhưng, được hỏi rằng liệu các vấn đề nhân quyền có tác động gì đến vấn đề cứu xét để cấp quy chế mậu dịch bình thường vĩnh viễn (PNTR) cho Việt Nam hay không, cựu đại sứ Mỹ tại Việt Nam cho rằng đây lại là một chuyện khác. Ông nói Hoa Kỳ đã tỏ ra khôn ngoan khi vẽ một đường ranh giới giữa chính sách kinh tế và chính sách đối ngoại, ngay cả trong lĩnh vực nhân quyền. Trả lời câu hỏi liệu có nên liên kết nhân quyền và tự do tôn giáo với quan hệ thương mại hai nước hay không, ông Pete Peterson nói:

Ông Peterson:
Tôi thiên về hướng là không, không nên có sự liên kết đó. Bởi vì quan hệ thương mại trên thực tế củng cố khả năng của một nước có thể thực hiện những cải cách, và tạo điều kiện cho một tiến trình học hỏi về vấn đề này. Đây cũng là một vấn đề chống nghèo đói. Và đối với tôi, nghèo đói tự nó, cũng là một vấn đề nhân quyền.

Trở lại trường hợp bà Cúc Foshee, cựu đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam nói ông tin rằng Việt Nam sẽ cầm giữ bà trong một thời gian mà họ cảm thấy là cần thiết. Ông đã hy vọng là bà Cúc được phóng thích trong dịp Lễ Quốc Khánh tại Việt Nam, ngày 2 tháng 9 đã qua, thế nhưng bây giờ thì có lẽ, theo ông, phải chờ cho đến Tết.

Chúng tôi sẽ theo dõi vụ này và tường trình đến quý vị những diễn tiến mới, nếu có, của trường hợp này.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG