Đường dẫn truy cập

Tìm được di tích của một cây cầu thời thế kỷ thứ 17 ở thành phố cổ Hội An


Một toán khảo cứu của Nhật Bản và Việt Nam đã đào được di tích của một cây cầu thời thế kỷ thứ 17 mà người ta cho là được xây dựng bởi những người Nhật đến lập cư ở thành phố Hội An miền trung Việt Nam.

Cây cầu có gắn hình một ngôi chùa Phật giáo ở một bên được gọi là cầu Nhật Bản ở thành phố cổ Hội An. Cây cầu bằng gỗ đã được người Việt và người Hoa sinh sống ở Việt Nam sửa chữa nhiều lần từ thế kỷ thứ 18 và không còn giữ được hình dạng nguyên thủy của nó.

Các nhà khảo cứu thuộc trường nữ đại học Showa ở Tokyo và Đại học Quốc gia Hà Nội đã tìm thấy những bộ phận bằng đất sét và các thanh gỗ hóa than dường như đã được dùng làm móng cho các chân cầu.

Những di tích này được đào lên từ một lớp địa chất thế kỷ thứ 17 ở độ sâu 2,2 mét dưới một con đường ở chân cầu.

Toán chuyên gia đã thực hiện công tác đào bới ở địa điểm này cùng với giới hữu trách thành phố làm công tác đặt ống cống ở đó.

Theo một thành viên trong toán chuyên gia, thì sứ mạng sắp tới của nhóm là tìm cách bảo toàn những gì còn lại của cây cầu.

Được biết nhiều người Nhật, cùng với người Hoa, người Hà Lan và người Ấn Độ đã định cư ở Hội An, một thị trấn nhỏ ở duyên hải trung bộ Việt Nam vào các thế kỷ 16 và 17, và là một trung tâm thương mại quan trọng thời đó.

Thành phố cổ Hội An đã được liệt vào danh sách Di sản Thế giới của UNESCO vào năm 1999 như một điển hình của một thương cảng ở Đông Nam Á trong các thế kỷ từ 15 đến 19, với các kiến trúc phối hợp đặc biệt giữa mầu sắc địa phương và ảnh hưởng nước ngoài.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG