Xu thế tăng trưởng mạnh mẽ của các nền kinh tế thuộc thế giới đang phát triển ở Á Châu dự kiến sẽ tiếp tục với tốc độ gia tăng 7,7% trong năm nay, phần lớn là nhờ vào sự lớn mạnh nhanh chóng của Trung Quốc và Ấn Ðộ. Đó nhận định mà các chuyên gia của Ngân hàng Phát triển Á Châu công bố hôm thứ tư vừa qua. Phúc trình này cho biết thêm rằng tỉ lệ tăng trưởng của Việt Nam trong năm nay dự kiến đạt mức 7,8% và chỉ tiêu mà giới hữu trách Hà nội đề ra là nâng mức thu nhập bình quân đầu người lên tới 1,100 đô la vào năm 2010 là “có thể đạt được”. Mời quí thính giả theo dõi thêm chi tiết trong tiết mục Nhìn Về Á Châu do Duy Ái trình bày sau đây:
Theo các chuyên gia của Ngân hàng Phát triển Á Châu (gọi tắt là ADB), sự tăng trưởng mạnh mẽ của kinh tế Ấn Ðộ và Trung Quốc sẽ giúp cho các nước thuộc thế giới đang phát triển ở Á Châu đạt được tỉ lệ tăng trưởng bình quân 7,7% trong năm nay, cao hơn 0,5% so với tỉ lệ đã được dự báo hồi tháng tư. Sự tăng trưởng khá nhanh chóng này đang diễn ra mặc dù giá xăng dầu tiếp tục nằm ở mức cao và lãi suất đang có xu thế gia tăng ở nhiều quốc gia. Ông Ifzal Ali, kinh tế gia trưởng của ngân hàng có trụ sở chính ở Manila này cho biết như sau về những lý do khiến các nhà phân tích cảm thấy lạc quan:
Hoạt động xuất khẩu của khu vực này rất năng động, sản lượng công nghiệp cũng khá vững mạnh. Đồng thời, các khoản đầu tư vào thị trường chứng khoán cùng với những khoản đầu tư trực tiếp nước ngoài cũng đổ vào khu vực này với một số lượng đáng kể. Vì thế cho nên tuy giá dầu ở mức cao nhưng các nước trong khu vực vẫn có thể chi trả mà không gặp nhiều khó khăn.
Bản phúc trình của ADB, có tên là Cập nhật triển vọng phát triển kinh tế châu Á 2006, dự báo rằng kinh tế Trung Quốc sẽ đạt được tỉ lệ tăng trưởng 10% trong năm nay, tăng 0,5% so với dự báo trước đó. Kinh tế Ấn Ðộ cũng tăng với tỉ lệ cao hơn dự kiến là 7,8%.
Theo nhận định của các nhà kinh tế học, những nỗ lực của chính phủ Trung Quốc nhằm giảm bớt tốc độ tăng trưởng kinh tế đã không mang lại kết quả như trông đợi. Họ cảnh báo rằng nếu cơn sốt đầu tư vẫn tiếp tục như hiện nay, thì điều này có thể dẫn tới nạn lạm phát và tình trạng công suất cao hơn quá nhiều so với nhu cầu, gây phương hại cho nền kinh tế của quốc gia đông dân nhất thế giới này.
Cũng tương tự như các chuyên gia của ADB, các nhà kinh tế học thuộc Ủy ban Kinh tế Xã hội Á Châu Thái Bình Dương của Liên Hiệp Quốc (gọi tắt UN Escap) cũng công bố một bản phúc trình khá lạc quan về triển vọng kinh tế của khu vực này. Tuy nhiên, một kinh tế gia của UN Escap làm việc tại Bangkok, bà Shamika Sirimanne, cho biết rằng giá năng lượng ở mức cao đã làm gia tăng đáng kể gánh nặng tài chánh của hàng triệu người nghèo trong vùng Á Châu Thái Bình Dương. Trong cuộc phỏng vấn mới đây dành cho phái viên Ron Corben của đài VOA, bà Sirimanne cho biết như sau:
Tại nhiều nước trong vùng Á Châu Thái Bình Dương, những người nghèo sinh sống ở thành thị đã bắt đầu gánh chịu những tác động đáng kể. Sinh hoạt hàng ngày của họ lệ thuộc vào hệ thống chuyên chở công cộng, lệ thuộc vào nguồn cung ứng điện nước, lệ thuộc vào những dịch vụ công cộng xử dụng nhiều xăng dầu. Đây chính là nhóm người chịu tác động nhiều nhất.
Tuy có dự báo lạc quan về tốc độ phát triển kinh tế của vùng Á Châu Thái Bình Dương, cả ADB lẫn UN Escap đều cảnh báo rằng khu vực này đang phải đương đầu với một số những mối rủi ro, trong đó có những vấn đề liên quan tới kinh tế Hoa Kỳ. Các nhà phân tích cho rằng: số thâm hụt khổng lồ về mậu dịch và ngân sách, thường được gọi là thâm hụt đôi, của Mỹ tạo ra một nguy cơ cho nền kinh tế toàn cầu, vì một khi các nhà đầu tư mất tin tưởng vào nền kinh tế Hoa kỳ thì giá trị của đồng đô la sẽ bị giảm mạnh và tăng trưởng sẽ bị đình trệ.
Kinh tế gia trưởng của ADB, ông Ifzal Ali, cho rằng những nỗ lực của Hoa Kỳ nhằm khống chế nạn lạm phát, như tăng lãi suất, có thể gây ra những ảnh hưởng rất nghiêm trọng cho vùng Á Châu, là nơi có nhiều nước lệ thuộc vào hoạt động xuất khẩu sang thị trường Mỹ. Ông Ali nói thêm như sau:
Nếu lãi suất gia tăng quá nhanh, tăng trưởng kinh tế có thể bị khựng lại ngay. Nhưng nếu không tăng lãi suất thì những dự kiến về lạm phát sẽ càng lúc càng nhiều và điều đó có thể gây ra tình trạng bất ổn vì các thị trường tài chánh sẽ có rất nhiều những hoạt động mang tính chất suy đoán bừa bãi.
Về phần Việt Nam, các chuyên gia của ADB nhận định rằng: xu thế tăng trưởng cao của Việt Nam đã tiếp tục trong năm 2006, với sự khuếch trương mạnh mẽ trong các hoạt động công nghiệp và dịch vụ. Số lượng đầu tư trong 6 tháng đầu năm nay đã tăng mạnh nhờ vào sự cải thiện trong môi trường đầu tư và triển vọng gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới trước cuối năm nay. Tỉ lệ tăng trưởng dự báo cho năm 2006 vẫn nằm ở mức 7,8%, nhưng tỉ lệ lạm phát được điều chỉnh từ 6% lên 8,3% -- một phần là vì giới hữu trách Hà nội đã quyết định thả nổi có giới hạn giá bán lẻ xăng dầu để giảm bớt gánh nặng bù lỗ cho các nhà nhập khẩu nhiên liệu.
Dự báo cập nhật của ADB về kinh tế Việt nam cho năm 2007 cũng có những nét tương tự như năm 2006, với GDP giữ nguyên tỉ lệ gia tăng 8% nhưng tỉ lệ lạm phát được điều chỉnh từ 5% lên tới 7,8%. Theo các nhà phân tích, áp lực lạm phát sẽ tiếp tục trong năm 2007 vì những chính sách kinh tế vĩ mô chú trọng tới tốc độ tăng trưởng, nhu cầu nội địa tiếp tục ở mức cao, và tiền lương có phần chắc là sẽ tăng trong cả khu vực công lẫn khu vực tư.
Các kinh tế gia của ADB cho biết: kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2006-2010 của Việt nam đã đặt ra những chỉ tiêu mà họ cho là có nhiều tham vọng, trong đó có chỉ tiêu tăng trưởng GDP hàng năm ở mức từ 7,5% đến 8% và thu nhập bình quân đầu người tăng tới 1,100 đô la vào năm 2010. Tuy nhiên, theo nhận định của ADB, những chỉ tiêu này “dường như có thể đạt được”, xét theo đà tiến đã có sẵn, đặc biệt là trong lãnh vực đầu tư và mức bành trướng của khu vực tư nhân. Mặc dầu vậy, các kinh tế gia của Ngân hàng Phát triển Á Châu cũng đề cập tới những thách đố mà Việt nam cần phải khắc phục, trong đó có vấn đề làm thế nào để xử dụng nguồn lực có hiệu quả hơn và giảm thiểu tệ nạn tham nhũng.