Hình ảnh chiến tranh Việt Nam lại được nhắc đến khi các báo tại Hoa Kỳ loan tin về cái chết của một nữ phóng viên nhiếp ảnh từng cung cấp những tấm ảnh nổi tiếng trong thời kỳ chiến tranh Việt Nam. Sau đây là một số chi tiết về bà Catherine Leroy, người đã qua đời tại Tiểu Bang California lúc 60 tuổi, do Trần Nam lược thuật từ các báo tại Hoa Kỳ liên quan đến những gì mà bà Leroy đã thực hiện kể từ khi bà có mặt tại Saigon vào năm 1966, và nhận định của các nhà báo nước ngoài từng hành nghề tại Việt Nam về các hoạt động thông tin trong thời kỳ chiến tranh:
Theo nhà báo Valerie J. Nelson của tờ Los Angeles Times thì bà Catherine Leroy, một người gốc Pháp đã đến Saigon lúc bà 21 tuổi để làm việc với tư cách là một phóng viên nhiếp ảnh. Hành trang của bà là một chiếc máy ảnh hiệu Leica và một quyết tâm làm thế nào để thu thập được những hình ảnh của con người trong chiến tranh Việt Nam.
Bà đã theo chân các binh sĩ Hoa Kỳ đi hành quân khắp nơi, bất chấp những nguy hiểm trong một cuộc chiến tranh du kích mà đối phương có thể xuất hiện và tấn công bất cứ lúc nào.
Những hình ảnh độc đáo do bà ghi nhận, nhất là những tấm hình chụp gần cho thấy những hình ảnh đẫm máu ở chiến trường, đã giúp cho người dân Mỹ ở quê nhà biết thêm được những gì đang xảy ra một cách khốc liệt tại một nơi cách xa họ đến nửa vòng trái đất.
Những tấm ảnh do bà ghi nhận trong chiến tranh Việt Nam đã được nhiều báo đăng tải, và chỉ trong vòng một năm sau khi đặt chân đến Việt Nam, tên tuổi của bà đã được nhiều người biết đến, và những tấm ảnh đó đã mang về cho bà một số vinh dự, trong đó có giải George Polk về hình ảnh thời sự độc đáo vào năm 1967.
Theo lời ông Ken Light, Giám Đốc Trung Tâm Nhiếp Ảnh tại Trường Báo Chí của Đại Học Berkeley thì bà Leroy, một trong số rất ít nữ phóng viên nhiếp ảnh trong thời kỳ chiến tranh Việt Nam, đã có một cái nhìn bén nhạy trong chiến tranh Việt Nam cũng như sự tàn bạo của nó, khác với những đồng nghiệp thuộc thành phần nam giới lúc bấy giờ.
Những hình ảnh do bà thu được là những gì đã xảy ra trên chiến trường và đã được ghi nhận một cách tự nhiên và trung thực. Đây là sự kiện rất được nhiều người ưa chuộng trong thập niên 1960, nghĩa là tránh những hình ảnh cố định hoặc được dàn cảnh, chẳng hạn như hình ảnh dựng cờ của các binh sĩ Thủy Quân Lục Chiến Hoa Kỳ trên đảo Iwo Jima trong Thế Chiến Thứ Hai.
Năm 1968 tạp chí Look đã đăng tải một loạt những hình ảnh chiến tranh của bà Leroy với khổ lớn bằng một trang giấy, và được xem là một trong những loạt hình ảnh gây nhiều ấn tượng nhất, được phổ biến trong thời kỳ chiến tranh Việt Nam.
Một trong những tấm hình nổi tiếng nhất của phóng viên nhiếp ảnh Leroy là bức ảnh có tên là Người Y Tá Trong Nỗi Thống Khổ. Tấm hình này cho thấy một người lính trẻ Thủy Quân Lục Chiến nét mặt đầy đau khổ đang cúi xuống xác của một đồng đội trong khi khói lửa của chiến trận đang bốc lên ở phía sau.
Với thân hình nhỏ bé và nặng khoảng 40 kilô, bà Leroy là phóng viên nhiếp ảnh báo chí duy nhất được phép nhảy dù với một đơn vị không vận của Mỹ trong một cuộc hành quân tác chiến vào đầu năm 1967.
Mặc dù có sự bảo vệ của quân đội nhưng những việc làm của các phóng viên chiến trường như bà Leroy không phải là không nguy hiểm. Vào cuối năm một967, trong khi theo chân một đơn vị của Thủy Quân Lục Chiến Hoa Kỳ đi tuần tra trong khu phi quân sự tại tỉnh Quảng Trị, bà đã bị thương khá nặng vì hỏa lục súng cối của đối phương. Bà tin rằng một trong những chiếc máy ảnh mà bà đeo ở cổ đã cứu bà thoát chết. Sáu tuần lễ sau đó bà trở lại chiến trường.
Một trong những trận giao tranh đẫm máu nhất trong chiến tranh Việt Nam là cuộc tổng công kích Tết Mậu Thân của quân Bắc Việt vào đầu năm 1968 tại miền Nam, và Huế là nơi mà quân cộng sản đã hiện diện lâu nhất so với những nơi khác ở miền Nam trong trận này.
Khi nghe tin này, Bà Leroy, lúc đó đang nghỉ hè tại một bãi biển ở Miền Trung, đã vội vàng tìm đường ra Huế với một nhà báo Pháp. Sau một đêm tạm trú trong một thánh đường đang có rất nhiều người tị nạn, 2 người đã ra đi vào buổi sáng hôm sau, và sau đó họ đã bị bắt.
Hai nhà báo này đã bị đưa đến một ngôi nhà trong khu vực do quân Cộng Sản Bắc Việt chiếm giữ, tuy nhiên sau đó họ đã được phóng thích sau khi những người cầm giữ biết rằng họ là những nhà báo Pháp.
Khi chiếc máy ảnh được trả lại, bà Leroy đã xin phép thu hình và phỏng vấn những người đã bắt giữ bà.
Những bức ảnh độc đáo mà bà chụp được trong ngày hôm đó đã được đăng tải như là một đề tài chính trên tạp chí Life vào năm 1968, trong đó có một bức ảnh màu cho thấy 2 bộ đội Bắc Việt mang súng tiểu liên đang nhìn thẳng vào ống kính. Tựa đề của tấm hình này là Một Ngày Đáng Ghi Nhớ Tại Huế: Kẻ Thù Đã Cho Phép Tôi Chụp Tấm Hình Này.
Năm 2002, nữ phóng viên Leroy đã nhắc lại kỷ niệm kinh hoàng này và nói rằng đối với bà thì biến cố này là một cú sốc lớn, và đó là lần đầu tiên mà bà thấy được những con người bằng xương bằng thịt của những người mà bà gọi là phía bên kia.
Theo các nhà báo từng có mặt tại Việt Nam trong thời kỳ chiến tranh thì giới truyền thông nước ngoài lúc bấy giờ đã được phép hành nghề một cách tự do và bài vở của họ không bị kiểm duyệt.
Trong một cuộc họp mặt vào tháng trước của các thông tín viên từng làm việc cho hãng thông tấn Associated Press trong thời kỳ chiến tranh Việt Nam, nhà báo Peter Arnett, người đã làm việc tại Việt Nam cho AP từ năm 1962 đến năm 1975, nói rằng mối quan hệ giữa các thông tín viên nước ngoài với các sĩ quan và tướng lãnh trong chiến tranh Việt Nam là hoàn toàn khác với các thông tín viên đang hành nghề trong cuộc chiến Iraq hiện nay.
Còn theo lời ông Richard Pyle người từng làm Văn Phòng Trưởng cho hãng thông tấn AP tại Saigon từ năm 1970 đến năm 1973 thì các giới chức quân sự tại miền Nam trong thời kỳ chiến tranh chẳng những đã không kiểm duyệt bài vở của các nhà báo nước ngoài mà còn tìm đủ mọi cách để đáp ứng các nhu cầu của họ. Ông nói rằng chưa có nơi nào mà các nhà báo được hưởng những điều kiện thuận lợi như vậy trong thời kỳ chiến tranh.
Cuộc họp mặt nói trên là một phần của một loạt những buổi nói chuyện về quá trình hoạt động của hãng thông tấn AP, và đã được tính toán thời gian để diễn ra cùng một lúc với cuộc triển lãm các tài liệu trong văn khố của Văn phòng AP tại Saigon trước đây, được trưng bày tại trụ sở của AP. Văn khố này chứa đựng tất cả những dữ kiện mà hãng thông tấn này thu thập được trong chiến tranh Việt Nam, bao gồm hàng ngàn mẩu chuyện và hình ảnh trên chiến trường.
Trong cuộc họp mặt này, các nhà báo đã nhắc lại rằng các binh sĩ trên chiến trường Việt Nam đã hoan nghênh các nhà báo, sẵn sàng đưa họ đi khắp nơi, bất kể những nguy hiểm tại các khu vực đang có giao tranh.
Bà Lederer, hiện nay là thông tín viên của hãng thông tấn AP tại Liên Hiệp Quốc, và là một trong số vài nữ thông tín viên làm việc tại Việt Nam, nhận xét rằng kể từ sau chiến tranh Việt Nam, các giới chức quân sự Hoa Kỳ đã có những nỗ lực nhằm kiểm soát giới truyền thông. Trong cuộc chiến vùng Vịnh vào năm 1991, những bài viết của bà đều phải qua sự kiểm duyệt của quân đội Hoa Kỳ. Bà kể lại rằng khi bà phỏng vấn một Tướng lãnh thì viên sĩ quan báo chí của ông đã ngồi bên cạnh trong suốt thời gian phỏng vấn.
Theo lời bà thì điều này khác hẳn với những gì mà bà đã trải qua khi hành nghề tại Việt Nam.
Theo các nhà quan sát thì những hình ảnh và tin tức từ chiến trường đã có một tác động hết sức lớn lao về mặt tâm lý đối với người dân trong một nước đang lâm chiến.
Rút kinh nghiệm từ chiến tranh Việt Nam, nơi mà nhiều người trong cộng đồng Việt Nam ở hải ngoại cho rằng việc tự do thông tin không có giới hạn trong chiến tranh Việt Nam đã đưa đến những sự kiện rất bất lợi cho miền Nam lúc bấy giờ, các giới chức quân sự Hoa Kỳ ngày nay đã tỏ ra hết sức thận trọng trong việc loan tải những tin tức liên quan đến các hoạt động quân sự trong cuộc chiến chống khủng bố, nhất là trên chiến trường Iraq.
Đó là điều có thể giải thích rằng tại sao ngày nay các nhà báo khó có thể được hưởng những điều kiện thuận lợi trong khi hành nghề như trong thời kỳ chiến tranh Việt Nam.