Chính phủ Ấn Độ đã quyết định hoãn lại các cuộc đàm phán hòa bình với Pakistan sau khi xảy ra những vụ nổ bom gây chết người trên hệ thống xe lửa ở Mumbai. Các giới chức ở New Dehli nói rằng Islamabad đã không làm đủ để ngăn chận những vụ tấn công của các phần tử khủng bố có cơ sở ở Pakistan. Một số chi tiết về vấn đề này sẽ do Duy Ái trình bày trong tiết mục Nhìn Về Á Châu sau đây.
Hôm 11 tháng 7 vừa qua, chỉ trong vòng vài tiếng đồng hồ sau khi xảy ra 7 vụ nổ bom trên các chuyến xe lửa ở thành phố Mumbai, chính phủ Pakistan đã mạnh mẽ lên án những vụ tấn công gây tử vong cho hơn 200 người và khiến hàng trăm người khác bị thương ở thủ đô thương mại của Ấn Độ.
Khác với những lần trước, lần này chính phủ Ấn Độ không tố cáo ngay là những vụ tấn công có dính líu tới lân bang Pakistan. Tuy nhiên, những mối căng thẳng của quá khứ đã nhanh chóng xuất hiện trở lại, và trong vài sau đó nhiều giới chức ở New Dehli đã bắt đầu tuyên bố rằng vụ tẤn công lần này cũng có liên hệ với những phần tử khủng bố ở Pakistan mặc dù lai lịch của bọn khủng bố chưa được xác định rõ ràng. Giới hữu trách Islamabad đã phủ nhận cáo giác này, nhưng New Dehli vẫn quyết định hoãn lại cuộc họp cấp phó bộ trưởng ngoại giao vốn dự trù diễn ra vào ngày 21 tháng 7 để duyệt xét tiến trình hòa bình được khởi Động từ năm 2004.
Nhân vật đứng hàng thứ nhì của ngoại giao Ấn Độ, ông Shyam Saran nói rằng: chính phủ ông có quyết tâm theo đuổi tiến trình hòa bình với Pakistan, nhưng những vụ tấn công ở thành phố trước đây gọi là Bombay đã tạo ra những chướng ngại lớn cho công cuộc cải thiện quan hệ. Sau đây là phát biểu của ông Saran:
Tôi nghĩ rằng chúng ta có thể nói là những vụ tấn công khủng bố kinh hoàng này đã mang lại hậu quả là tiến trình hòa bình giờ đây khó lòng có thể được xúc tiến.
Các nhà phân tích cho rằng: bên cạnh những vụ nổ bom ở Mumbai, một loạt những vụ tấn công khủng bố trong 10 tháng qua cũng đang đè nặng trong tâm trí của giới lãnh đạo Ấn Độ. Tháng 11 năm ngoái, những quả bom đã phát nổ tại một ngôi chợ đông người ở New Dehli. Tháng 3 năm nay, thánh địa Varanasi của người Ấn Độ cũng xảy ra những vụ nổ bom bên ngoài một đền thờ. Ngày 11 tháng 7, cùng ngày của vụ tấn công ở Mumbai, các phần tử khủng bố cũng ném lựu đạn tại một địa điểm du lịch ở vùng Kashmir thuộc Ấn.
Các cuộc thăm dò dư luận Ấn Độ trong vài ngày qua cho thấy phần đông dân chúng ở quốc gia đông dân hàng thứ nhì thế giới này ủng hộ cho lập trường của chính phủ đối với Pakistan. Nhiều nhà phân tích và các chính trị gia nói rằng việc hoãn lại cuộc hòa đàm là một thông điệp mạnh mẽ gởi tới giới lãnh đạo Pakistan – những người mà họ cho là chưa làm đủ để ngăn chận những hoạt Động của mười mấy tổ chức Hồi giáo hiếu chiến đang tiến hành cuộc tranh đấu đòi ly khai ở vùng Kashmir thuộc Ấn.
Các giới chức Ấn Độ cho biết họ tin rằng nhóm Lashkar-e-Taiba, đặt cơ sở ở Pakistan để tiến hành cuộc chiến đòi ly khai ở Kashmir, chính là thủ phạm của vụ tấn công ở Mumbai. Một số người còn cho rằng vụ này có sự dính líu của cơ quan tình báo quân Đội Pakistan.
Tuần trước, thủ tướng Manmohan Singh của Ấn Độ tố cáo rằng những người mà ông gọi là “những thành phần bên kia biên giới” đã khích Động và xúi giục những tổ chức khủng bố bên trong lãnh thổ Ấn Độ. Ông cảnh cáo rằng New Dehli sẽ không thể xúc tiến tiến trình hòa bình nếu Islamabad không có hành Động để thể hiện các cam kết đã đưa ra. Nhà lãnh đạo Ấn Độ tuyên bố như sau:
Năm 2004 Pakistan đã long trọng cam kết là lãnh thổ của họ sẽ không được dùng để thúc đẩy, khuyến khích, trợ giúp hoặc tạo điều kiện thuận lợi cho những hoạt Động khủng bố chống lại Ấn Độ. Lời cam kết này cần phải được thực hiện trước khi tiến trình hòa bình hoặc những tiến trình khác có thể đạt được thành quả.
Pakistan phủ nhận cáo giác cho rằng họ ủng hộ cho các nhóm hiếu chiến. Chính phủ ở Islamabad nói rằng họ đã làm hết sức mình để trấn áp các hoạt Động của những thành phần hiếu chiến kể từ khi tham gia cuộc chiến chống khủng bố toàn cầu.
Hôm thứ hai vừa qua, phó bộ trưởng ngoại giao Pakistan ông Riaz Mohammed Khan một lần nữa bác bỏ cáo giác của nhà lãnh đạo Ấn Độ và tỏ ý hy vọng là cuộc đối thoại hòa bình sẽ được tiếp nối. Ông Khan cho biết như sau:
Pakistan không để cho lãnh thổ của mình được dùng để thực hiện những hành Động chống lại bất kỳ một quốc gia nào. Đây là chính sách và là quyết tâm của chúng tôi.
Ông Bharat Karnad, một chuyên gia an ninh, làm việc tại Trung tâm Nghiên cứu Chính sách ở New Dehli. Ông cho rằng tiến trình hòa bình giữa Ấn Độ và Pakistan không bị đổ vỡ mà chỉ bị gián đoạn trong lúc New Dehli xoát xét lại những hành Động của phía chính phủ Pakistan. Ông Karnad cho biết như sau:
Tiến trình hòa bình sẽ có một thời gian tạm ngưng. Trong thời gian này chính phủ Ấn Độ sẽ rà soát mọi việc. Họ sẽ tìm cách xác định xem chính phủ của tổng thống Pervez Musharraf có thể chu toàn những cam kết hay hứa hẹn của mình hay không. Họ cũng sẽ xác định xem Ấn Độ có thể làm được gì ngay trên lãnh thổ của mình để ngăn chận những vụ tấn công khủng bố.
Tiến trình hòa bình giữa hai quốc gia có vũ khí hạt nhân ở vùng Nam Á này đã mang những tiến bộ tuy nhỏ nhưng rất quan trọng về mặt xây dựng lòng tin. Vùng ranh giới chia đôi hai miền Kashmir đã được yên tĩnh sau khi đôi bên ký kết một thỏa thuận ngưng bắn hồi tháng 11 năm 2003. Hai nước cũng đã khôi phục nhiều tuyến giao thông, giúp cho người dân đôi bên có thể qua lại những vùng biên giới vốn khép kín trong mấy mươi năm. Những hoạt Động thương mại, du lịch và giao lưu văn hóa cũng phát triển rất khả quan.
Mặc dù có những thành quả như vậy nhưng cuộc hòa đàm đã chẳng mang lại tiến bộ nào trong vụ tranh chấp chính trị có tính chất cốt lõi liên quan tới vùng Kashmir. Từ khi thoát khỏi ách thực dân Anh để Độc lập vào năm 1947 tới nay, Ấn Độ và Pakistan đã xảy ra chiến tranh với nhau tổng cộng 3 lần, trong đó có 2 lần là vì vấn đề Kashmir. Hai nước cũng suýt xảy ra chiến tranh năm 2002 sau khi Ấn Độ tố cáo rằng các nhóm hiếu chiến ở Pakistan đã thực hiện vụ tấn công gây chết người tại trụ sở quốc hội ở New Dehli.
Mới đây, Ấn Độ đã từ khước một đề nghị của Pakistan muốn giúp đỡ trong việc điều tra vụ tẤn công ở Mumbai hồi tuần trước. Tổng thống Pakistan Pervez Musharraf đề nghị như thế hôm thứ 5 vừa qua. Ông nói rằng nhân dân Pakistan sát cánh với dân chúng ở Mumbai, những người đang truy điệu các nạn nhân của vụ tấn công khủng bố hôm 11 tháng 7. Một phát ngôn viên bộ ngoại giao Ấn Độ nói rằng: thay vì giúp Ấn Độ điều tra, Pakistan nên trấn áp những phần tử hiếu chiến đang hoạt Động trên lãnh thổ của mình. Người phát ngôn này lập lại đòi hỏi là Pakistan giao nộp Syed Salahuddin, thủ lãnh nhóm Hizbul Mujahedin đang chiến đấu để vùng Kashmir thuộc Ấn được sáp nhập vào Pakistan.