Đặc sứ Mỹ Christopher Hill đang ở Châu Á để cố gắng thiết lập một sự hợp tác nhằm ứng phó với việc thử tên lửa mới đây của Bắc Triều Tiên. Ông Hill bắt đầu chuyến viếng thăm Châu Á ở Trung Quốc.
Nơi đây ông đảm nhận trọng trách thuyết phục Bắc Kinh dùng ảnh hưởng của mình để ngăn cản đồng minh Bắc Triều Tiên trong những thử nghiệm sắp tới và lôi kéo Bắc Triều Tiên trở lại những cuộc thương thuyết với các bên. Phóng viên VOA Luis Ramirez có thêm chi tiết trong bài viết gởi về từ Bắc Kinh:
Với việc Bình Nhưỡng phóng thử ít nhất 7 tên lửa trong tuần này, dấy lên một đòi hỏi cấp bách đối với Washington và các đồng minh nhằm đưa Bắc Triều Tiên trở lại bàn đàm phán. Mỹ đã từng gây sức ép đối với Trung Quốc để nước này sử dụng ảnh hưởng của mình, như một đồng minh thân cận nhất và là nước cung cấp chủ yếu về lương thực và nhiên liệu, để buộc Bình Nhưỡng trở lại đàm phán về vấn đề hạt nhân đang bị bế tắc.
Sau một ngày dài gặp gỡ với các quan chức Trung Quốc hôm thứ sáu, Trợ lý Bộ Trưởng Ngoại Giao Mỹ Christopher Hill tuyên bố rằng ông đã thuyết phục Trung Quốc tham gia với Washington trong việc gởi một thông điệp rõ ràng tới Bình Nhưỡng để họ biết rằng việc thử tên lửa và đe dọa các nước lân cận là không thể chấp nhận được.
Chúng tôi muốn nhấn mạnh rằng Mỹ và Trung Quốc có thể cùng làm việc với nhau và đi đến thỏa thuận trong tình huống này. Những người đối thoại Trung Quốc của chúng tôi đã có quan điểm rất rõ ràng đối với việc Bắc Triều Tiên phóng tên lửa. Họ cho rằng Trung Quốc chẳng có lợi ích gì trong việc này, và cũng chẳng coi đó một hành động tích cực.
Trung Quốc không hài lòng với việc Bắc Triều Tiên thử tên lửa hạt nhân tuần này, và bất bình đối với việc Bình Nhưỡng tẩy chay vòng đàm phán do Trung Quốc chủ trì. Tuy nhiên, các nhà lãnh đạo Cộng sản Trung Quốc đã thôi không lên án Bắc Triều Tiên một cách mạnh mẽ và không ủng hộ việc chống lại Bắc Triều Tiên vì họ cho rằng làm như thế có thể sẽ làm xa cách những đồng minh về mặt tư tưởng của họ ở Bình Nhưỡng.
Hôm thứ sáu, Nhật Bản nói rằng họ đã tìm kiếm sự hợp tác của Trung Quốc trong việc lên án hành động của Bắc Triều Tiên.
Các thành viên Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc đã quyết định mở cuộc họp tại New York để thảo luận về kế hoạch đối phó trước những hành động của Bắc Triều Tiên. Nhật bản đề nghị một biện pháp cứng rắn - kể cả việc trừng phạt; nhưng đây là một việc có thể sẽ bị Trung Quốc và Nga phủ quyết tại Hội đồng bảo an.
Trung Quốc đề nghị đưa ra một tuyên bố gọi việc phóng thử nghiệm là “đáng tiếc”, nhưng không đề cập gì tới những biện pháp cứng rắn hơn.
Trong chuyến dừng chân một ngày tại Bắc Kinh, ông Hill đã có cuộc gặp với các quan chức Trung quốc, trong đó có Bộ Trưởng Ngoại Giao Lý Triệu Tinh, và trưởng đoàn thương thuyết của Trung Quốc trong những vòng đàm phán 6 bên, Thứ trưởng Bộ Ngoại Giao Võ Đại Vỹ. Hai bên đã thảo luận những phương cách tốt nhất để gây sức ép đối với Bắc Triều Tiên. Ông Hill nói rằng các quan chức Trung Quốc đã cam kết sẽ có thái độ cứng rắn với Bắc Triều Tiên trong những ngày tới.
Họ đã không đi sâu vào những chi tiết của những lý lẽ, hay những điều mà họ sẽ áp dụng để thuyết phục Bắc Triều Tiên; nhưng theo tôi, các giới chức Trung quốc hiểu rõ rằng đây là một vấn đề quan trọng và có liên hệ tới những lợi ích và quan tâm trong quan hệ Mỹ- Trung. Và điều mà tất cả chúng ta phải làm là bày tỏ một lập trường chung về vấn đề này.
Ông Võ Đại Vỹ sẽ cùng với các quan chức khác của Trung Quốc tới Bình Nhưỡng vào tuần tới.
Trung Quốc không cho biết là họ có đề nghị nào để đưa Bắc Triều Tiên trở lại bàn đàm phán hay không.
Hôm thứ sáu tại Bắc Kinh, Trung Quốc cũng tổ chức những cuộc gặp gỡ cấp cao với nhân vật đàm phán hàng đầu của Nhật Bản trong những vòng đàm phán sáu bên, trong đó có cả Nga và Nam Triều Tiên.
Ông Christopher Hill đã đến Nam Triều Tiên vào tối thứ sáu. Sau khi kết thúc các cuộc thảo luận ở Hán thành, ông sẽ lên đường đi Nhật Bản.