Một ngày sau khi Bắc Triều Tiên bất chấp những lời cảnh cáo của quốc tế bằng cách phóng một loạt phi đạn, chính sách âm thầm giao tiếp với Bình Nhưỡng của Nam Triều Tiên đang được xét lại. Trong khi các lãnh tụ chính trị kêu gọi Bắc Triều Tiên phải chịu trách nhiệm về hành động của họ thì các giới chức tại Hán Thành cho biết họ đang duyệt lại các chính sách cả về cung cấp lương thực cho tới công cuộc hợp tác về kinh tế. Từ Hán Thành, TTV đài VOA, Kurt Achin, gởi về bài tường thuật sau đây:
Tổng thống Nam Triều Tiên Roh Moo-hyun nói rằng việc Bắc triều Tiên phóng phi đạn và thách thức rằng sẽ phóng thêm phi đạn nữa nên được giải quyết bằng đường lối ngoại giao. Một thông cáo của văn phòng Tổng thống nói rằng vấn đề cần được giải quyết qua đối thoại để không tạo thêm căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên.
Các chuyên gia về an ninh trong khu vực nói rằng việc Bình Nhưỡng phóng phi đạn hôm thứ tư đã đặt ông Roh vào một vị trí khó xử. Ông đã đánh liều thi hành một chính sách giao tiếp và trợ giúp Bắc triều Tiên mà chủ yếu là không đề ra điều kiện hay đưa ra một sự chỉ trích nào đối với nước này.
Hôm nay, Bộ trưởng Thống nhất Nam Triều Tiên Lee Jeong-seok nói với các nhà lập pháp rằng tuy vẫn duy trì chính sách giáo tiếp, giờ đây Nam triều Tiên có thể điều chỉnh lại cách thức đối phó với Bình Nhưỡng.
Ông Lee nói rằng chính phủ đang cứu xét các biện pháp khiến Bắc Triều Tiên nhận thức được hậu quả mà họ gây ra qua hành động của họ.
Trước đó, bộ ngoại giao Nam Triều Tiên cho biết chính phủ sẽ duyệt xét nhiều mặt trong việc hợp tác giữa hai miền Nam-Bắc, trong đó có việc Nam Triều Tiên trợ giúp một số lượng khổng lồ về lương thực cho miền Bắc nghèo khó.
Chính sách giao tiếp của Tổng thống Roh đã đã đưa tới sự bất đồng với đồng minh lâu đời của Nam Triều Tiên là Hoa Kỳ. Chính phủ của Tổng thống Bush muốn có lập trường cứng rắn hơn với Bắc Triều Tiên và kêu gọi Hội đồng bảo an Liên hiệp quốc có hành động đáp lại việc Bình Nhưỡng phóng thử nghiệm phi đạn.
Viec phóng thử nghiệm phi đạn là hành động mới nhất gây trở ngại cho chính sách giao tiếp. Hồi tháng Năm Bắc triều Tiên hủy bỏ việc cho chạy thử tuyến đường xe lửa nối liền hai miền Nam Bắc chỉ vài tiếng đồng hồ trước khi cho tiến hành. Cựu Tổng thống Kim Dae-jung đã hy vọng có thể tạo được thiện chí bằng cách đi thăm Bắc Triều Tiên trong tháng trước nhân kỷ niệm hội nghị thượng đỉnh năm 2000 với lãnh tụ Kim Jong Il của miền Bắc. Chuyến đi đã bị hủy bỏ vì miền Bắc bận chuẩn bị cho cuộc phóng phi đạn.
Nhiều người dân kêu gọi chính phủ Nam Triều Tiên có thái độ cứng rắn hơn với Bình nhưỡng về nhân quyền và về việc Bắc triều Tiên bị nghi đã bắt cóc hằng trăm người Nam Triều Tiên.
Hai đảng lớn nhất tại Nam Triều Tiên đã tỏ ra phẫn nộ đối với hành động của Bắc Triều Tiên. Ông Kim Geun-tae, Chủ tịch đảng Uri của Tổng thống Roh nói rằng Bắc Triều Tiên đã trực tiếp thách thức lời cảnh cáo của miền nam
Ông Kim nói rằng chính phủ phải điều tra về ý định của Bình Nhưỡng và báo cáo rõ ràng với nhân dân.
Tại quốc hội Nam Triều Tiên hôm nay, các nhà lập pháp thuốc đảng Uri chỉ trích điều họ gọi là sự đáp ứng chậm chạp của chính phủ đối với hành động của Bình Nhưỡng. Họ cũng cũng trách cứ chính phủ đã coi thường khả năng phóng phi đạn của miền Bắc.
Bà Kim Yeon-soon, Lãnh tụ của đảng đối lập Đại dân tộc còn chỉ trích gay gắt hơn.
Lãnh đạo đảng Đại dân tộc nói rằng hành động vừa tìm cách thủ đắc vũ khí hạt nhân vừa thăng tiến kỹ thuật phi đạn Bắc Triều Tiên là một hành động cực kỳ ác độc.
Các lãnh tụ đối lập lâu nay vẫn lập luận rằng cần phải đặt việc trợ giúp lương thực và các dự án kinh tế vào việc phát triển các chính sách của Bắc Triều Tiên, cả về mặt an ninh và nhân đạo. Các lãnh tụ trong đảng Đại dân tộc hôm nay nói rằng việc Bình Nhưỡng phóng thử nghiệm phi đạn chứng tỏ chính phủ Nam Triều Tiên phải có hành động cứng rắn, ngay cả việc phải cứu xét đến biện pháp trừng phạt kinh tế.
Ông Kim-tae hyo, một nhà khoa học chính trị tại viện đại học Sunkyunkwan ở Hán thành, nói rằng sự tin tưởng tuyệt đối của chính phủ của Tổng thống Roh đói với Bắc triều Tiên là sai lầm:
Ông nói rằng chính phủ đang phấn đấu để giữ vững chính sách cho rằng vấn đề quân sự của Bắc triều Tiên nên được giải quyết riếng với việc hợp tác kinh tế. Ông nói thêm rằng Hán Thành đang bị áp lực phải nhấn mạnh rằng Bắc triều Tiên phải hành xử phù hợp với tiêu chuẩn quốc tế.
Cuộc khủng hoảng trở nên khẩn trương hơn vì việc Bắc Triều Tiên từ chối không chịu trở lại bàn hội nghị để thực thi cam kết chấm dứt chương trình hạt nhân của họ. Các chuyên gia chính trị tại Hán thành nói rằng Tổng thống Roh có thể nhận thấy ông đang càng ngày càng bị áp lực rằng ông cần phải làm gì thêm ngoài việc chỉ dùng lời lẽ để khuyến cáo Bắc triều Tiên.