Trong bài nhận định về ban lãnh đạo mới của Việt Nam, thông tấn xã AFP cho rằng đó là một sự thay đổi về thế hệ cho quốc gia cộng sản đang tiến nhanh vào một kỷ nguyên hòa nhập hơn với nền kinh tế thế giới.
Cuộc cải tổ sâu rộng đã đặt gánh nặng lãnh đạo lên hai chính trị gia xuất thân từ miền nam, là bộ máy tăng trưởng công nghiệp của đất nước. Là những đảng viên trung kiên, nhưng hai nhân vật này đã lên tiếng ủng hộ cho việc tăng tốc tiến trình cải cách thị trường đã thực hiện được trong 2 thập niên.
Ông Nguyễn Tấn Dũng được coi như một người đã có chủ trương chính trị bảo thủ, với kinh nghiệm về công an và quân đội, và đã từng nắm các chức vụ thống đốc ngân hàng và bộ trưởng công an. Ông là thủ tướng trẻ tuổi nhất của Việt Nam thời hậu chiến.
Ngay trước khi được bầu, ông Dũng đã cam kết “phát triển một cách bền vững và đưa đất nước ra khỏi tình trạng lạc hậu.. chống tham nhũng, lãng phí và quan liêu và đáp lại các nguyện vọng của đảng, quân đội và nhân dân.”
Ông Nguyễn Tấn Dũng sinh ngày 17 tháng 11 năm 1949 tại Cà Mau. Hồi còn thanh niên, ông tham gia quân đội năm 1961 và ở trong quân ngũ suốt thời gian có cuộc chiến tranh Việtnam cho tới năm1981.
Trong đầu thập niên 1980 ông Dũng giữ nhiều chức vụ trong tỉnh Kiên Giang và phục vụ tại một khu vực giáp với Campuchia. Ông học luật và chính trị học tại trường Nguyễn Ái Quốc ở Hà Nội. Kể từ năm 2000 ông đảm nhận trach vụ duy trì an ninh tại Tây nguyên, một khu vực có sắc tộc thiểu số theo cơ đốc giáo, nơi quân đội đã dẹp tan những vụ phản đối vì tranh chấp đất đai và vì quyền tự do tôn giáo.
Còn ông Nguyễn Minh Triết là một nhà toán học có phong cách thoải mái của một chính trị gia chuyên nghiệp. Ông được sự tán thành của cộng đồng kinh doanh nước ngoài và được trông đợi sẽ đem lại một đường lối thực tế hơn cho chức vụ nặng phần nghi thức.
Hôm thứ ba, ông Triết hứa sẽ “đưa tinh thần cải cách vào phát triển quốc gia, với kinh nghiệm là người đã lãnh đạo thành phố năng động nhất nước.”
Trong cuộc cải tổ, hôm thứ hai, Quốc hội Việt Nam đã bầu bí thư thành ủy Hà Nội, một lý thuyết gia trường phái cổ điển, ông Nguyễn Phú Trọng, 62 tuổi, làm chủ tịch.
Một số quan sát viên coi sự chọn lựa một người miền bắc như một cố gắng đối trọng sự hiện diện của hai nhà lãnh đạo cải cách miền nam, là miền đã không có nhiều đại diện trong chính trường Việt Nam từ sau chiến tranh.