Đường dẫn truy cập

Khả năng hội nhập cho các thành viên APEC trong bối cảnh tự do mậu dịch và đầu tư


Hôm thứ Năm, các giới chức cấp cao của các nước thành viên APEC tiếp tục họp tại thành phố Hồ Chí Minh. Sau đây là một số chi tiết liên quan đến các cuộc họp vừa qua do phóng viên Trần Nam ghi nhận qua báo chí địa phương và những cuộc tiếp xúc bên lề hội nghị với các giới chức tham dự hội nghị.

Trong năm 2006, Việt Nam đã đăng cai những cuộc họp quan trọng của APEC, và đây là một năm mà các giới chức Việt Nam cho rằng rất quan trọng về mặt đối ngoại của nước này.

Ông Phạm Sanh Châu, vụ phó Bộ Ngoại Giao, hiện đang làm việc trong Ban Thư Ký APEC, đặc trách công tác tuyên truyền và trợ giúp công tác tổ chức hội nghị APEC, mô tả một số đặc điểm của các hội nghị này trong năm nay:

Trước tiên tôi xin nói hội nghị APEC 2006 tại Việt Nam là 1 sự kiện đối ngoại quan trọng nhất trong năm nay. Hội nghị khác rất nhiều với các hội nghị trong những năm trước mà Việt Nam đã từng tổ chức, vì những hội nghị này đã diễn ra tại nhiều thành phố, diễn ra trong suốt cả năm, diễn ra với nhiều hội nghị và nhiều sự kiện, và có sự tham gia của các bộ các ngành khác nhau của Việt Nam.

Gần 1,000 giới chức APEC, hôm thứ Hai đã bắt đầu một loạt những cuộc họp trong hơn 1 tuần lễ tại thành phố Hồ Chí Minh. Cuộc họp được gọi là SOM 2 sẽ tiếp diễn cho đến ngày 30 tháng này, và ngay sau đó cuộc họp giữa các Bộ Trưởng Thương Mại APEC sẽ diễn ra từ ngày 31 tháng 5 đến ngày 2 tháng 6.

Theo các tin tức được phổ biến từ hội nghị thì trong ngày thứ ba của các cuộc họp hiện nay, một trong những đề tài được tập trung thảo luận là xây dựng khả năng hội nhập cho các thành viên APEC trong bối cảnh tự do mậu dịch và đầu tư.

Ông Kunihiko Shinoda, giám đốc Cơ Quan Chính Sách Đầu Tư thuộc Bộ Kinh Tế, Thương Mại và Công Nghiệp Nhật Bản, cho biết Nhật Bản trực tiếp tập trung vào những vấn đề quan trọng về thương mại và đầu tư , chẳng hạn như vấn đề bảo vệ tác quyền, tự do hóa thương mại và đầu tư cũng như ngành chế tạo, xây dựng khả năng sản xuất, nhất là công nghiệp bông vải nội địa.

Ông Michael W. Michalak, giới chức thuộc Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ đặc trách hội nghị APEC, cũng nêu lên một số vấn đề mà Hoa Kỳ quan tâm, trong đó có vấn đề bảo vệ tác quyền, sự lựa chọn về công nghệ. Ông hy vọng rằng sẽ đạt được những tiến bộ về tất cả những vấn đề này trong hội nghị APEC.

Mạng lưới giáo dục cũng đã được đặc biệt chú trọng trong các nền kinh tế thành viên của APEC.

Ông Mike Connolly, tham vấn giáo dục trong phái đoàn New Zealand, nói rằng hội nghị tìm hiểu về vấn đề giáo dục và phát triển 1 chương trình làm việc cho các nền kinh tế trong APEC. Mục tiêu là thực hiện những cuộc nghiên cứu để phát triển các nguồn nhân lực nhằm gia tăng giáo dục toàn cầu, củng cố vai trò của giáo dục để cải thiện sự phát triển cá nhân, xã hội và kinh tế.

Mặc dù trước đây một vài giới chức trong Bộ Ngoại Giao Việt Nam có những dấu hiệu cho thấy rằng trong hội nghị APEC lần này Hoa Kỳ và Việt Nam sẽ có thể ký kết 1 hiệp định song phương vào ngày 31 tháng 5 trong cuộc họp của các bộ trưởng thương mại, nhằm mở đường cho việc Việt Nam gia nhập Tổ Chức Thương Mại Thế Giới, nhưng theo lời ông Phạm Sanh Châu trong Ban Thư Ký APEC thì điều này vẫn chưa đuợc xác nhận:

Theo tôi thì đó là điều mà cả chúng tôi và cả Hoa Kỳ đều mong muốn nhưng mà cho đền giờ này thì chúng tôi chưa thể có được một sự khẳng định nào cả, bởi vì cả đôi bên đều có những nỗ lực để hoàn tất cái hiệp định và thỏa thuận này.

Việt Nam đã xin gia nhập Tổ Chức Thương Mại Thế Giới từ năm 1995 và đã hoàn tất những cuộc đàm phán với 28 nước thành viên trong tổ chức này. Giới lãnh đạo Việt Nam hy vọng rằng Việt Nam sẽ có thể trở thành hội viên của tổ chức quốc tế này trước khi hội nghị thượng đỉnh APEC khai diễn vào tháng 11 tới đây tại Hà Nội.

Trần Nam tường trình từ Việt Nam.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG