Đường dẫn truy cập

Nạn buôn người tại Việt Nam dưới cái nhìn của một giới chức của tổ chức di dân quốc tế


Tuần trước, các chuyên gia, các giới chức Hoa Kỳ và các đại diện của các cơ quan viện trợ quốc tế đã tề tựu tại Quốc Hội Hoa Kỳ ở thủ đô Washington để tìm cách đối phó với cuộc khủng hoảng buôn người, một tệ nạn ngày càng trầm trọng tại Việt Nam. Hàng ngàn người Việt, hầu hết là phụ nữ và trẻ em, đang bị những kẻ môi giới vô lương tâm, những người có thể có ý định lấy họ làm vợ hay ngay cả chính người thân trong gia đình, lừa gạt và đem bán ra nước ngoài và họ thường bị lâm vào tình huống giống như nô lệ, thí dụ như bị cưỡng bách hành nghề mãi dâm.

Tiếp theo sau loạt bài tường trình mới đây của đài Tiếng nói Hoa Kỳ về vấn đề này, giới chức Đặc Trách về Chương Trình này, bà Noortje Verhart, thuộc văn phòng tại Hà Nội của Tổ Chức Di Dân Quốc Tế, đã đến đài Tiếng nói Hoa Kỳ để đưa ra những lượng định về cuộc khủng hoảng này, và giải thích về những gì chính phủ Việt Nam đang làm và chính người dân Việt Nam có thể làm để giúp chấm dứt tệ nạn này.

Theo Tổ Chức Quốc Tế về Di Dân, gọi tắt là IOM, con số chính thức đang gây choáng váng: hơn 10 ngàn phụ nữ và trẻ em bị liệt kê là mất tích tại Việt Nam trong năm 2005. Môt con số ước tính chừng 22 ngàn phụ nữ Việt làm việc trong ngành mại dâm chỉ ở Campuchia không thôi. Theo các nhà vận động chống tệ nạn này thì vấn đề buôn người đã trở thành một bệnh dịch cưỡng bách nô lệ và khai thác, bóc lột tính dục trên toàn cầu. Nhưng theo bà Noortje Verhart thì vùng Đông Nam Á là khu vực là nơi mà ngành kỹ nghệ bất hợp pháp trị giá hàng tỉ đô la đó hoành hành dự dội nhất.

Ngay vào lúc này buôn người là một vấn đề lớn, nhưng tôi muốn nhấn mạnh rằng nó là một vấn đề lớn không phải chỉ ở trong lãnh thổ Việt Nam. Phụ nữ Việt thực sự đã có mặt ở khắp vùng này, và còn ra ngoài khu vực này nữa. Vì vậy nó là một vấn đề của các quốc gia trong khu vực, và các công dân của những nước trong khu vực cũng đang bị buôn bán nữa. Thế nên đây hẳn phải là một vấn đề toàn cầu mà chúng ta cần đối phó.

Những vấn đề này đang tác hại dữ dội nhất là tại Việt Nam, nơi mà nạn tham nhũng lan tràn đã tạo dễ dàng cho những kẻ tội phạm buôn người rộng đường làm ăn và những gia đình lâm cảnh khốn khó tại vùng thôn quê tiến vào nghề này để tìm cơ hội kinh tế mới. Chính phủ Việt Nam đã bị nhiều lời chỉ trích từ các đoàn thể chống tệ nạn buôn người. Họ nói rằng chính phủ Việt Nam đã hành động quá ít không thể ngăn chặn tệ nạn đó. Nhưng theo bà Verhart thì chính phủ Việt Nam không phải chỉ nói suông trong vấn đề này.

Tổ Chức Di Dân Quốc Tế đang hợp tác với chính phủ Việt Nam, và chúng tôi nhận thấy đã có nhiều tiến bộ. Khi tôi tới Việt Nam 2 năm rưỡi trước, không hề có một kế hoạch hành động nào. hết., và cũng không dễ gì mà nói chuyện với mọi người về vấn đề buôn người. Trước đó thì người ta không hề đề cập đến vấn đề này. Nhưng giờ đây thì người ta có nói đến chuyện này rồi và đã có một kế hoạch hành động.

Tuy nhiên, theo bà vấn đề hết sức phức tạp, với rất nhiều người can dự nhắm tới những người đang muốn tìm những cơ hội mới. Việt Nam tự hào xuất khẩu hàng ngàn lao động qua các công ty môi giới của nhà nuóc, nhưng để rồi bị chỉ trích là tại sao một số những lao động xuất khẩu đó lại bị đẩy vào những tình huống bị bóc lột tận xương tủy.

Theo tôi thì nhất định đây là một vấn đề mà chúng ta cần theo dõi kỹ lưỡng. Nhưng tôi muốn nhấn mạnh rằng người ta đang tìm kiếm những cơ hội tốt hơn. Xuất khẩu lao động là một trong những phương cách để cung ứng những cơ hội đó. Nhưng phải làm sao bảo đảm được rằng khi bước chân ra đi, người lao động phải được bảo đảm là họ được bảo vệ. Theo tôi thì khi Việt Nam ký kết thỏa thuận này thì đây là điều hết sức quan trọng để họ phải chú tâm đến. Làm thế nào để bảo đảm rằng công nhân có đủ thông tin về những gì họ sẽ làm ở nơi sắp đến, rằng họ biết rõ về khoản lệ phí họ phải chi trả trước khi họ được xuất khẩu. Ai là những nhân viên môi giới trong hệ thống xuất khẩu lao động, và ai là những người thuê mướn họ ở quốc gia họ sẽ sang làm việc. Và phải chắc chắn rằng công nhân có đủ xảo năng mà công ty thuê mướn họ đòi hỏi.

Một trong những điểm chính trong cuộc tranh cãi là con số cô dâu Việt ngày càng đông được đưa đi nước ngoài. Chỉ ở Đài Loan không thôi hiện đã có chừng trên 100 ngàn. Trong thập niên 1990, Đàn ông Đài Loan đã bắt đầu lũ lượt kéo nhau sang các tỉnh vùng châu thổ sông Mekong tìm vợ, và một loạt những công ty môi giới đã xuất hiện để giúp đơn giản hóa thủ tục mai mối,cưới hỏi. Nhưng các công ty đã bị chính phủ đóng cửa sau khi có những lời phản đối kịch liệt trước việc các công ty đó đem hàng chục phụ nữ trẻ phơi bày, bẹo hình bẹo dạng trước mắt những người đàn ông Đài Loan, giống như các lái buôn đem trâu bò, gà vịt ra chợ bày bán để cho khách chọn.

Đây là một lề lối bất hợp pháp. Chính phủ đã cấm mọi cơ quan môi giới trong nước. Điều này thực sự là chuyện làm ăn bất hợp pháp khi mà người ta chiêu dụ phụ nữ như vậy.

VOA: Nhưng mà cái nghề môi giới kiểu này lại đang rất phát đạt ở Việt Nam, có phải vậy không thưa bà ?

Cái lề lối tuyển cô dâu kiểu này thực sự là bất hợp pháp, nhưng vì có không biết bao nhiêu phụ nữ muốn tìm cơ hội không những ở nước ngoià mà còn ở các thành phố lớn trong nước, nên họ rất dễ trở thành miếng mồi ngon cho những tay mối lái bất hợp pháp. Nhưng những tay môi giới này chỉ hoạt động riêng lẻ, nên rất khó dẹp, và một mặt, các tổ chức mối lái ở Đài Loan lại hợp pháp. Những công ty này vẫn hiện hữu và họ tìm tới Việt Nam.

Bà Verhart nói rằng tổ chức Quốc Tế về Di Dân đang hợp tác chặt chẽ với hội Liên Hiệp Phụ Nữ và những văn phòng khác để vận động quần chúng hiểu biết rõ về vấn đề này hầu giúp họ tự bảo vệ.

Điều quan trọng trên hết là trước khi quí vị thực sự quyết định sẽ lên đường vì bất cứ lý do gì, để lấy chồng nước ngoài hay lên các thành phố để tìm việc hay ra làm việc ở nước ngoài theo chương trình xuất khẩu lao động, thì quí vị cần có đầy đủ thông tin về những gì quí vị sẽ làm ở đó. Phải chắc chắn rằng hợp đồng lao động phải in bằng tiếng Việt để quí vị có thể đọc và hiễu rõ. Và phải nhớ rằng chớ nên trao những giấy tờ tùy thân như hộ chiếu cho ai cả. Và phải chắc rằng chính quí vị là người quyết định sẽ làm gì chứ đừng để cho ai khác quyết định thay cho quí vị.

Tổ Chức Quốc Tế về Di Dân IOM và hội Liên Hiệp Phụ Nữ đã thiết lập một trung tâm tin tức về di dân tại các tỉnh miền nam Việt Nam để giúp giáo dục cho mọi người biết về những điều kiện cho di dân. Hai tổ chức này cũng lập những đường dây điện thoại khẩn cấp để cảnh báo cho những người có ý định đi xa tìm việc làm về nguy cơ buôn người. Nếu quí vị cần biết thêm chi tiết xin mở trang Web của tổ chức IOM tại: www.iom.int.vn. Tổ chức IOM cũng vừa mở một đường dây nóng tại tỉnh Kiên Giang. Số điện thoại liên lạc là: 077-926-989

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG