Ngân hàng Thế giới và chính phủ Anh Quốc sẽ gửi một đoàn đến Việt Nam vào tháng tới để điều tra xem liệu có sự gian trá trong các đề án viện trợ trị giá nhiều chục triệu đôla hay không. Quyết định này là hậu quả của vụ tai tiếng tại bộ Giao Thông Vận Tải, cụ thể là vụ PMU 18 của bộ này. Thông Tín Viên Matt Steinglass đang có mặt tại Hà Nội có bài tường trình sau đây:
Trong tổng số chi phí hơn 2 tỉ đôla của các đề án viện trợ, thì Ngân hàng Thế giới và Cơ quan Phát triển Quốc tế của chính phủ Anh đã đóng góp khoảng 140 triệu đôla.
Vụ tai tiếng đã buộc ông Đào Đình Bình, Bộ Trưởng Giao Thông Vận Tải, phải từ chức trong tuần này, và nhiều quan chức khác đã bị bắt giam. Giờ đây, Ngân hàng Thế giới và Cơ quan Phát triển Quốc tế của chính phủ Anh dự định gửi phái đoàn điều tra của họ đến Việt Nam để xem có đề án nào mà họ tài trợ bị ảnh hưởng hay không.
Bà Bella Bird, Giám Đốc Cơ quan Phát triển Quốc tế của chính phủ Anh tại Việt Nam, nói rằng các nhà điều tra sẽ duyệt xét những chuyện bất thường cả về mặt tài chính lẫn xây dựng.
Họ sẽ xét chất lượng của thủ tục đấu thầu, phát hiện xem có bằng chứng nào về mua sắm sai trái hay không, và họ cũng xét đến chất lượng trong thực tế của những gì đã xây dựng.
Báo chí Việt Nam đưa tin về vụ PMU 18 nói rằng trong đề án này, loại cát có sức thẩm thấu cao đã bị thay thế bằng loại có chất lượng kém, khiến cho các đường lộ được xây dễ bị xói mòn. Có khoảng 2 triệu 800 ngàn đôla đã biến mất trong các đề án này.
Ngoài ra, trong nhiều trường hợp, các cây cầu mới xây xong đã có vết nứt hoặc vết lún. Các tổ chức cấp viện lo ngại là lối làm ăn đó không phải chỉ xảy ra trong PMU 18.
Chính phủ Việt Nam nói rằng có hơn 700 đơn vị giống như PMU 18 có liên hệ đến các đề án viện trợ.
Ông Phạm Sĩ Liêm, Phó Chủ Tịch Hiệp Hội Xây Dựng nói rằng vấn đề ở đây là không có luật nào qui định cách thức điều hành của các đơn vị này.
Tuy nhiên, tại một cuộc họp báo, ông Lê Dũng, phát ngôn viên của bộ Ngoại Giao Việt Nam, nói rằng các nước và các tổ chức cung cấp viện trợ không có gì phải lo ngại.
Bà Bella Bird, Giám Đốc Cơ quan Phát triển Quốc tế của chính phủ Anh tại Việt Nam, cũng đồng ý với ý kiến của ông Dũng:
Nếu chính phủ Việt Nam tiếp tục đáp ứng những vụ sai trái với mức độ như thế này, thì tôi nghĩ rằng cộng đồng quốc tế sẽ có thêm tin tưởng và nghĩ rằng chính phủ Việt Nam nghiêm túc trong vấn đề đối phó với tham nhũng. Điều đó có thể là một bước ngoặc tốt cho Việt Nam.
Tham nhũng là một tệ nạn ngày càng lớn tại Việt Nam, giữa lúc nước này đang tự do hóa kinh tế và nhận được rất nhiều viện trợ và đầu tư. Nhưng cũng giống như tại các quốc gia có nhiều nạn tham nhũng; những người hoạt động doanh nghiệp, các tổ chức cấp viện ngày càng thất vọng trước những thất thoát tại Việt Nam do nạn tham nhũng gây ra.