Một thẩm phán tại Afghanistan bác bỏ phần lớn những chứng cớ được công tố viên đưa ra trong vụ truy tố một người Hồi giáo cải đạo sang Thiên Chúa giáo.
Vụ này được chuyển cho các công tố viên xem xét lại. Theo như TTV đài Tiếng nói Hoa Kỳ tường trình thì có thể các công tố viên sẽ bãi bỏ các cáo trạng.
Phán quyết của tòa là một thất bại lớn cho công tố viên. Bị cáo tên Abdur Rahman, 41 tuổi bị buộc tội cải đạo sang Thiên Chúa giáo 15 năm trước. Tại Afghanistan, một tội danh như thế có thể bị lãnh án tử hình.
Theo tin cho hay vị chánh thẩm ra phán quyết rằng vụ này không có đủ bằng chứng, và chứa đựng một loạt những sơ sót kỹ thuật.
Công tố viên Zemerai Amiri, nói rằng ông đang xem xét phán quyết của thẩm phán, và phán quyết này cũng còn nêu lên những quan ngại về tình trạng tâm thần của bị cáo Rahman.
Công tố viên cho hay Rahman sẽ được khám nghiệm sức khỏe cặn kẽ để xem ông ta có đủ sức và tỉnh táo để chịu đựng một vụ xét xử hay không.
Trong khi đó, theo các giới chức cho hay thì Rahman có thể sẽ được trả tự do, có thể là ngay hôm nay.
Những diễn biến này xảy ra giữa lúc ngày càng có những đòi hỏi từ nước ngoài phải chấm dứt phiên tòa gây nhiều tranh cãi này.
Các nhà lãnh đạo trên thế giới, kể cả tổng thống Bush, khuyến nghị Afghanitan hãy giữ nguyên tắc tự do tín ngưỡng.
Ngoại trưởng Hoa kỳ Condoleezza Rice xuất hiện trên đài truyền hình tin tức Hoa Kỳ hôm chủ nhật, nói rằng vấn đề chưa kết thúc.
Bá nói rõ ràng là sẽ tiếp tục có bàn thảo tại Afghanistan cũng như giữa Afghanistan với cộng đồng quốc tế, về tầm mức quan trọng của tự do tín ngưỡng, về việc sử theo đúng với Bản Tuyên Ngôn Nhân Quyền. Nhưng mọi người phải công nhận rằng đây là một quá trình tiến hóa từ tốn.
Một số giới chức cao cấp trong chính phủ Afghanistan đã họp tại Kabul hôm thứ bảy để thảo luận về vụ án này, và theo như tin cho biết, để tìm cách tránh những tranh cãi thêm nữa.
Lên tiếng với các nhà báo hôm chủ nhật, vị chánh thẩm xét xử vụ này, ông Ansarullah Moulaviezada, đoan quyết rằng phán quyết của tòa không hề bị ảnh hưởng bởi những quan ngại chính trị.
Ông nói rằng tòa án không hề bị một áp lực chính trị nào và tiến trình truy tố và xét xử hoàn toàn tự do và công bằng.
Nhưng vẫn còn mối lo ngại rằng sự thất bại trong việc truy tố có thể gây tức giận cho người dân địa phương. Hôm thứ sáu, một số những thủ lãnh tôn giáo đã cảnh cáo rằng họ sẽ vận động dân chúng tự tay hạ sát ông Rahman, nếu như ông không chịu quay trở lại với đạo Hồi.