Chuyến công du mới đây của tổng thống Bush đến Ấn độ cho thấy mối quan hệ giữa Washington với quốc gia dân chủ lớn nhất thế giới này đã bước vào một giai đoạn mới của quan hệ hợp tác chiến lược. Một số các nhà phân tích cho rằng mối lo ngại về sự đe dọa của Trung quốc là một trong những nguyên do thúc đẩy Hoa kỳ xích lại gần hơn với New Dehli. Mời quí thính giả theo dõi thêm một số chi tiết về vấn đề này trong tiết mục Nhìn Về Á Châu:
Ấn độ trong thế kỷ 21 là một đối tượng hợp tác tự nhiên của Hoa kỳ, vì chúng ta là hai nước anh em sát cánh với nhau trong nỗ lực bảo vệ và phát huy tự do của loài người.
Quí vị vừa nghe lời phát biểu của tổng thống Hoa kỳ George W Bush trong chuyến công du mới đây của ông tới Ấn độ, chuyến viếng thăm được mô tả là một chuyến đi có tính chất lịch sử, đưa mối quan hệ của nền dân chủ mạnh nhất thế giới với nền dân chủ lớn nhất thế giới tiến vào một giai đoạn mới. Tổng thống Bush nói tiếp như sau:
Trong nhiều năm qua, Hoa kỳ và Ấn độ đã bị xa cách nhau vì những mối hiềm thù từng khiến cho thế giới bị phân hóa nghiêm trọng. Điều đó đã thay đổi. Giờ đây hai nước chúng ta đã kết hợp với nhau bởi những cơ hội có thể giúp nhân dân hai nước cùng tiến lên và bởi những mối đe dọa có thể khiến cho tất cả những tiến bộ của chúng ta bị tan vỡ.
Nhà lãnh đạo Hoa kỳ tuyên bố như thế không lâu sau khi Washington và New Dehli đạt được thỏa thuận chung cuộc về kế hoạch hợp tác năng lượng hạt nhân, một hành động mà nhiều người xem là Hoa kỳ chính thức thừa nhận quốc gia đông dân hàng thứ nhì thế giới này như một cường quốc hạt nhân.
Trước đó, một viên chức cao cấp của bộ quốc phòng Mỹ cũng nói rằng giới hữu trách Ngũ giác đài xem Ấn độ là một đối tượng hợp tác chiến lược trong thế kỷ 21. Trong cuộc phỏng vấn mới đây dành cho đài VOA, trợ lý bộ trưởng quốc phòng Hoa kỳ đặc trách an ninh quốc tế, ông Peter Rodman cho biết như sau:
Môi trường chiến lược của thời đại mới chính là điều đã giúp hình thành mối quan hệ chiến lược này, và theo tôi thì chuyến công du của tổng thống Bush tới Ấn độ là một cách để đưa mối quan hệ này tiến vào một giai đoạn mới.
Ông Rodman cho biết thêm rằng trong giai đoạn mới của mối quan hệ quốc phòng và quân sự, quân đội Hoa kỳ sẽ tiến hành các cuộc tập trận chung với Aán độ trong vùng rừng rậm gần biên giới Miến điện, những cuộc thao dượt tác chiến vùng cao ở Kashmir, và những cuộc diễn tập hỗn hợp giữa không quân hai nước.
Năm ngoái, Ấn độ đã mua từ Hoa kỳ các máy bay tiên tiến có trang bị hệ thống cảnh báo sớm và đôi bên đang thảo luận về những kế hoạch để Ấn độ mua các chiến đấu cơ đời mới của Mỹ.
Theo nhiều nhà quan sát, mối đe dọa quân sự của Trung quốc là một trong những nguyên do khiến cho Hoa kỳ và Ấn độ xích lại gần nhau. Trong tuần qua, chủ tịch ủy ban quốc phòng Thượng viện Mỹ, ông John Warner đã bày tỏ quan tâm về điều mà ông gọi là “Trung quốc đang xây dựng một lực lượng quân sự có qui mô lớn hơn nhiều so với những gì mà họ cần có để bảo vệ các quyền lợi an ninh của họ.”
Tháng giêng vừa qua, các chuyên gia Ngũ giác đài cũng công bố một bản phúc trình nói rằng Trung quốc là cường quốc quân sự duy nhất có tiềm năng cạnh tranh với Hoa kỳ về mặt quân sự trong vòng 20 năm, 30 năm tới đây; và trong trường hợp Hoa kỳ không có những biện pháp đối phó thích đáng thì Trung quốc có thể sẽ xử dụng những kỹ thuật nhằm triệt tiêu ưu thế cố hữu của Mỹ trong lãnh vực quân sự.
Bà Teresita Schaffer, cựu phó trợ lý ngoại trưởng Mỹ đặc trách Nam Á, cho rằng: việc cân bằng sức mạnh quân sự ngày càng gia tăng của Trung quốc là một trong những động cơ thúc đẩy Washington thắt chặt các mối quan hệ quân sự với New Dehli. Tuy nhiên bà cũng nói thêm rằng: đây không phải là động cơ duy nhất. Vị cựu đại sứ Mỹ ở Sri Lanka cho biết như sau:
Có một sự liên hệ giữa sự trỗi dậy của Trung quốc với mối quan hệ chiến lược đang hình thành giữa Hoa kỳ và Ấn độ, nhưng đây là một sự liên hệ khá phức tạp. Sự trỗi dậy của Trung quốc quả thật là đã thay đổi tình hình chính trị Á châu và khiến cho mối quan hệ giữa Hoa kỳ với Aán độ trở nên quan trọng hơn. Tuy nhiên, nhận định này không hề hàm chứa ý tưởng thù nghịch nào đối với Trung quốc.
Ông Richard Celeste, cựu đại sứ Hoa kỳ tại Ấn độ, bác bỏ nhận định cho rằng các nhà lãnh đạo Hoa kỳ và Ấn độ xem Trung quốc như một mối đe dọa. Tuy nhiên, ông cũng nói rằng: giới lãnh đạo Bắc kinh đang ra sức thuyết phục thế giới là sự phát triển nhanh chóng của họ về kinh tế và quân sự trong những năm vừa qua là sự trỗi dậy trong hòa bình và cho hòa bình, và Hoa kỳ và Ấn độ xem đây là một thách đố mới.
Theo lời cựu đại sứ Celeste, một phần của thách đố này là Trung quốc có chuyển đổi để trở thành một quốc gia dân chủ hiện đại hay không; và một phần khác là Trung quốc sẽ giải quyết như thế nào về những vụ tranh chấp lãnh thổ. Trong cuộc phỏng vấn dành cho tập san Quốc phòng Ấn độ (DefenceIndia), ông Celeste nói rằng điều này chẳng những có ảnh hưởng trực tiếp tới Ấn độ mà còn ảnh hưởng tới Hoa kỳ vì mối quan hệ lịch sử giữa nước Mỹ với Đài loan, là đảo quốc mà Bắc kinh vẫn thường đe dọa là sẽ dùng vũ lực để tái thống nhất trong trường hợp cần thiết.
Trong cuộc phỏng vấn hồi gần đây dành cho đài Tiếng nói Hoa kỳ, ông Robert Blackwell, một người cũng từng giữ chức đại sứ Mỹ ở Ấn độ, cho biết rằng nhiều quốc gia trong vùng Đông Nam Á hoan nghênh sự gia tăng hợp tác quân sự giữa Washington với New Dehli vì họ xem đây là một nỗ lực cần thiết để cân bằng sức mạnh ngày càng tăng của Trung quốc trong khu vực này.
Trong khi đó, một chuyên gia về quan hệ quốc phòng Mỹ-Ấn, ông Samit Ganguly nói rằng tuy Trung quốc là một yếu tố then chốt trong mối quan hệ giữa Hoa kỳ và Ấn độ nhưng các giới chức ở New Dehli không muốn công khai đề cập tới vấn đề này. Vị giáo sư của Đại học Indiana cho biết như sau:
Phía Ấn độ không muốn nói về việc này chỉ vì họ không muốn tạo ra một mối hiềm khích không cần thiết với Trung quốc trong lúc quan hệ giữa đôi bên đang được cải thiện.
Tuy nhiên, tôi tin chắc rằng giới lãnh đạo ở New Dehli đang ngày càng lo ngại đối với việc sức mạnh kinh tế và quân sự đang gia tăng nhanh chóng của Trung quốc, và đối với sự bành trướng chiến lược của Trung quốc tới vùng Đông Nam Á và tới những khu vực khác vốn nằm trong phạm vi ảnh hưởng của Ấn độ.
Mặc dầu vậy, theo nhận xét của một số các nhà phân tích: Ấn độ không hề có ý định trở thành một công cụ chiến lược của Hoa kỳ và giới lãnh đạo New Dehli tin rằng Ấn độ có thể duy trì cùng một lúc những mối quan hệ tốt đẹp với cả Washington lẫn Bắc kinh.
Tháng hai vừa qua, tổng thống Abdul Kalam của Ấn độ phát biểu tại Singapore rằng những vết thương của cuộc chiến tranh biên giới năm 1962 giữa Ấn độ và Trung quốc đã lành, và đôi bên đã chính thức ấn định năm 2006 là năm Hữu nghị Ấn-Trung. Chủ tịch Trung quốc, ông Hồ Cẩm Đào có phần chắc là sẽ đến thăm Ấn độ vào tháng 5 tới đây và sau đó trong năm nay, thủ tướng Manmohan Singh của Ấn độ cũng sẽ đến thăm Bắc kinh.
Mối quan hệ thương mại giữa Ấn độ và Trung quốc cũng đang phát triển khá nhanh chóng, với lượng mậu dịch song phương trong năm 2005 lên tới 18,7 tỉ đô la, và nhiều chuyên gia cho rằng không bao lâu nữa Trung quốc sẽ qua mặt Hoa kỳ để trở thành đối tác thương mại lớn nhất của Ấn độ.