Tính đến nay khoảng phân nửa trong số chừng 20000 người Việt tản cư sau cơn bão Katrina đã trở về New Orleans để tìm cách xây dựng lại những gì đã bị tàn phá trong cơn bão này. Tuy nhiên trong số các nạn nhân bão lụt, nhiều ngư dân vẫn còn gặp khó khăn trong việc phục hồi lại cuộc sống bình thường và cần đến sự giúp đỡ của các cơ quan hữu trách cũng như các nhóm thiện nguyện. Trong số các cơ sở tôn giáo tham gia tích cực vào công tác cứu trợ các nạn nhân người Việt, có chùa Bồ Đề nằm trong khu vực phía Tây của thành phố New Orleans, nơi mà nhiều ngư phủ người Việt đã bị thiệt hại nặng nhất. Sau đây là các chi tiết liên quan đến tình cảnh của một số ngư dân người Việt trong khu vực này đang tìm cách trở lại nghề cũ, qua cuộc phỏng vấn Đại Đức Thích Thông Đức, trụ trì chùa Bồ Đề tại New Orleans:
Theo lời Đại Đức Thích Thông Đức thì chùa Bồ Đề nằm ở phía Tây của thành phố New Orleans, nơi chỉ bị thiệt hại vì giông bão chứ không bị tàn phá nặng nề vì ngập lụt như tại khu vực phia Đông của thành phố này trong trận bão Katrina. Do đó, tuy cũng bị thiệt hại nhưng Chùa đã có thể hồi phục nhanh chóng để tiếp tay vào việc cứu trợ những nạn nhân kém may mắn hơn. Đại Đức Thích Thông Đức cho biết các hoạt động thiện nguyện của cơ sở tôn giáo này như sau:
Như quí vị đã biết, sau cơn bão Katrina, chùa Bồ Đề nằm trong phạm vi thành phố New Orleans, một thành phố bị tàn phá nặng nề trong cơn bão vừa qua, nhưng may mắn là Chùa không nằm trong khu vực bị ngập lụt vì vỡờ đê. Đó là lý do sau cơn bão khoảng một tuần thì chúng tôi trở về Chùa, và chính thức trở về Chùa trong 3 tuần sau khi được chính quyền chính thức cho phép trở về. Chúng tôi đã sửa sang lại Chùa để đón tiếp đồng hương Phật tử bị lâm nạn, không có nhà cửa để ở. Từ sau cơn bão đến bây giờ Chùa vẫn tiếp tục chứa trên 50 người, trong đó có những người đi đến mỗi ngày, ra đi mỗi ngày, và số người tạm trú ở đây là khoảng 50 người, đến bây giờ họ vẫn còn ở đây.
Và điểm thứ hai, Chùa là một nơi, một trung tâm nhận đồ cứu trợ từ các hội đoàn và các tổ chức khác, cũng như là một điểm để cho các hội đoàn, Phật giáo, bất cứ tôn giáo nào của bên ngoài đến đây để mà phát tiền cho đồng bào cũng phát các nguồn lương thực, thực phẩm. Đây là một cái trạm để nhận các nguồn thực phẩm để phát lại cho các đồng hương và Phật tử tại đây. Nói chung, bất cứ ai đến đây mà Chùa có thể giúp được cái gì thì giúp để mong xoa dịu được phần nào vết thương lòng quá lớn của các nạn nhân trong cơn bão vừa qua, cũng như muốn an ủi, chia xẻ một chút nào đó cái tình giữa đồng hương với đồng hương, giữa người và người thôi.
VOA: Thưa thầy, các hoạt động của chùa Bồ Đề là do chùa tự đứng ra tổ chức hay là có sự phối hợp của chính quyền hoặc các nhóm khác?
Hoạt động của Chùa Bồ Đề có tính cách độc lập trong tinh thần tương thân tương trợ, chia xẻ được cái gì với đồng bào thì Chùa làm, như mở cửa ra đón tiếp đồng bào. Nhưng hoạt động với Chùa bây giờ là hội SOS đang đặt tại đây để giúp đồng bào về vấn đề điền đơn xin FEMA, xin cell phone, xin radio cũng như xin những trợ cấp nào mà chính phủ cung cấp. Hội cũng giúp đỡ đồng bào nào ở đây không biết tiếng Anh, hoặc gặp những trường hợp khó khăn thì hội giúp đỡ. Hội SOS hiện nay đang làm việc tại Chùa với nhân viên mỗi ngày làm việc từ 9 giờ sáng đến 5 giờ chiều, để giúp đỡ đồng bào ở đây.
VOA: Thưa thầy có khoảng bao nhiêu người Việt trong trận bão vừa qua, và những hoạt động giúp đỡ của chùa Bồ Đề sẽ được duy trì trong bao lâu?
Ở đây như anh đã biết, nhà nào cũng bị hư hại không ít thì nhiều, nhưng câu hỏi có bao nhiều người thì tôi không thể nói chính xác vì ngay cả chính quyền và cộng đồng cũng không nắm vững được con số chính xác. Trước mắt thì từ hôm bảo đến nay, có rất nhiều đồng hương đến đây để nhận các nguồn thực phẩm và những thứ khác rất là nhiều. Hiện tại thì Chùa vẫn còn là cái shelter, mặc dù các shelter khác đã đóng cửa rất là lâu rồi nhưng mà Chùa vẫn là cái Shelter để đón tiếp đồng bào. Bây giờ cũng vậy, vẫn là cái shelter.
VOA: Thưa Thầy, ngoài những công việc mà Thầy vừa trình bày, còn có những hoạt động nào khác của Chùa Bồ Đề nhằm giúp đỡ các nạn nhân người Việt trong trận bão này?
Thêm một điều nữa là những đồng bào ở các vùng bị ngập lụt bây giờ vẫn chưa có điện, vẫn chưa được phép trở về thì bây giờ chùa cũng mở cửa cho đồng bào đặt được 30 cái trailers . Trước đây chính phủ cung cấp các trailers cho những người bị mất nhà mất cửa để họ đặt tạm trong vòng một8 tháng nhưng mà trailers thì có nhưng đất thì họ không có cho nên Chùa đã mở cửa và chấp thuận cho họ đặt 30 cái trailers. Lúc đầu chính quyền không cho phép đặt nhưng bây giờ thì chính quyền cho phép, FEMA cho phép. Như vậy chắc trong vòng vài tuần lễ nữa thì sẽ có 30 cái trailers tại Chùa cho các đồng hương Phật tử và những người làm nghề ngư phủ bị mất mát nhà cửa 100%, hoặc là vùng nào chưa cho phép trở về thì chùa sẽ để cho đồng hương đặt trailers ở đây để tiện lợi trở về vùng của mình để tiếp tục sống với cái nghề của mình , hoặc sửa tàu, sửa nhà, mở rộng cửa để đón tiếp và giúp đỡ những gì mà chúng tôi có mua trailers... Trong tinh thần giúp đỡ đồng bào, chúng tôi luôn luôn thể làm được.
VOA: Thưa Thầy, ngoài việc giành đất của nhà Chùa để cho đồng hương tạm đặt các trailers, việc tạm trú của những người khác tại Chùa có gặp những khó khăn nào hay không?
Chùa may mắn là mới xây thêm một building mới một0 phòng, rộng gần 4 ngàn square feet . Nhờ vậy mà có thể chứa được đồng bào. Họ đến rồi họ đi kể từ sau ngày xảy ra cơn bão. Họ không có chỗ ở thì họ tá túc tại Chùa năm ba ngày rồi họ trở về nhà họ để làm giấy tờ xin cái này cái nọ xong họ trở về lại Houston Dallas, hoặc bất cứ Tiểu Bang nào mà họ phải di tản qua đó sau cơn bão thì bây giờ họ trở lại để đi làm. Họ cứ đi đi về về như vậy, và số 50 người ở Chùa mà tôi đã nói là họ ở thường trực tại đây, có ngày lên đến 70 người, cũng có những người đến chỉ xin tá túc năm ba ngày hoặc năm bảy ngày để họ sửa tàu, họ lo giấy tờ của họ rồi sau đó họ trở về các tiểu bang khác.
VOA: Thưa Thầy, tại sao họ là cư dân ở đây mà sau khi họ trở về đây, rồi lại đi các Tiểu Bang khác?
Bởi vì khi họ chạy thì họ đưa con cái đến các Tiểu Bang khác để học hành, bây giờ gia đình họ phải chia làm hai, một số người trở về để sửa sang nhà cửa, tàu bè.
VOA: Thưa thầy, là người trực tiếp lo lắng cho các nạn nhân đang ở tại đây, Thầy có thể hiểu được phần nào cảm nghĩ của những người đang trú ngụ tại Chùa hiện nay ?
Thật ra ở trong lòng thì chẳng ai muốn ở đây lâu. Bởi vì ở đây một phòng nhỏ phải ở đến 2 gia đình, hoặc năm bảy người ở chung với nhau rất là phức tạp . Tuy nhiên mình cũng ráng dung hòa và mở lòng ra đón tiếp họ thôi. Ai cũng muốn có một đời sống riêng tư, một cái phòng riêng, một cái nhà riêng, cho nên ai cũng khao khát được đi ra ở riêng chứ không muốn ở đây lâu, chỉ vì hoàn cảnh bắt buộc, vì đồng hương không còn cách nào khác hơn nên phải chấp nhận ở đây. Tuy nhiên ở Chùa họ có cái lợi là Chùa chỉ cách nơi ở của họ chỉ khoảng nửa tiếng hay 45 phút cho nên họ đi đi về về rất là tiện. Vả lại Chùa cũng có chỗ rộng, con em họ có thể chơi , họ về đây đậu xe ở đây, họ kéo tàu về đây, họ sửa tàu hoặc làm bẫy ...Tết vừa qua thì cũng có làm một Hội Chợ Xuân để mang đến cho đồng bào ở đây một niềm vui nhân dịp Xuân về.
VOA: Xin được hỏi Thầy một câu chót, theo tin tức thì có một số cư dân tại New Orleans, sau cơn bão Katrina, đã di tản đến những nơi khác và không trở về. Vậy tâm trạng của những người Việt đang tá túc ở đây như thế nào, thưa Thầy?
Tâm trạng người dân New Orleans, thật ra , nói chung chứ không phải riêng gì những người đang tá túc tại Chùa, là vẫn còn phân vân, bối rối và trong tình trạng tiến thoái lưỡng nan. Chẳng hạn như bây giờ trở về lại thì có thể một cơn bão khác lại đến mà chưa kịp phục hồi thì làm sao, vì vậy họ cũng sợ. Tuy nhiên họ là những người làm nghề đánh cá quen rồi, họ chỉ sống bằng nghề lênh đênh trên sóng nước và họ đã làm nghề đánh cá từ Việt Nam sang đến bên này cho nên bây giờ họ muốn trở lại nghề cũ. Thật ra thì họ muốn vay tiền chính phủ để trở lại cái nghề mà họ đã sống trong bao nhiêu năm nay. Do đó họ không muốn rời khỏi chỗ này tại vì khi rời khỏi nơi này thì họ không biết phải làm nghề gì, còn nghề đánh cá thì họ đã quen và là một cái nghề khá tự do, thích thì ra khơi, không thích thì ở nhà , và tàu bè của mình sống trên sông nước có cái tự do hơn, không bị ràng buộc giờ giấc.
VOA: Xin cám ơn Đại Đức Thích Thông Đức đã dành cho Đài Tiếng Nói Hoa Kỳ cuộc phỏng vấn hôm nay.