Lãnh tụ đối lập Kampuchia, ông Sam Rainsy, trở về nước sau hơn một năm tự nguyện sống lưu vong. Ông cho biết ông hy vọng sẽ bỏ lại sau lưng những mối bất đồng giữa ông với Thủ tướng Hun sen để mở một trang mới trong việc hợp tác về chính trị.
Theo tường trình từ Phnom-penh của thông tín viên Kate Woodson đài VOA chúng tôi thì ít nhất cũng có vài nhà phân tích tình hình tỏ ra nghi ngờ rằng cuộc hưu chiến có thể kéo dài.
Ông Sam Rainsy chen chân trong đám đông ủng hộ ông hôm nay tại phi trường quốc tế ở Phnom-penh. Đây là lần đầu tiên ông quay về đất mẹ từ ngày ông bỏ trốn cách đây hơn một năm, sau khi ông bị tước mất quyền miễn tố của một thành viên quốc hội và có nguy cơ bị các lãnh tụ trong liên minh cầm quyền tại Kampuchia kết tội phỉ báng.
Ông Rainsy đã bị xử khiếm diện và bị kết án 18 tháng tù, nhưng một thỏa thuận giữa ông và Thủ tướng Hun Sen đã giúp cho ông được hoàng gia ân xá cách đây vài ngày. Trở về nước, ông Rainsy tuyên bố ông muốn gặp Thủ tướng Hun Sen là người ông đã tạ lỗi hồi tuần trước, sau khi cáo buộc nhà lãnh đạo Kampuchia chủ mưu một vụ tấn công chết người bằng lựu đạn nhắm vào một cuộc tụ họp của phe đối lập năm 1997.
Tôi chủ trương đối thoại, vì vậy tôi sẽ gặp tất cả mọi người...
Chính phủ và các giới chức đối lập nói rằng sự trở về của ông Rainsy là một dấu hiệu hòa giải dân tộc. Tuy nhiên một vài tổ chức nhân quyền trong nước, và một số các nhà phân tích, đã tỏ thái độ nghi ngờ.
Ông Koul Panha, Giám đốc của ủy ban Bầu cử tự do và công bằng, không tin là sự hòa hoãn này sẽ kéo dài. Theo ông thì hai kẻ cưụ thù hầu như chỉ đoàn kết bề ngoài và trước mắt mà thôi, vì một hội nghị quốc tế về viện trợ sẽ diễn ra trong tháng tới, và ngân sách của Kampuchia dựa vào hơn một nửa tiền viện trợ của các nước trên thế giới:
Sự hòa hoãn giữa ông Rainsy và ông Hunsen sẽ không kéo dài. Không ổn định. Hai bên không cho thấy là họ sẽ hợp tác với nhau như thế nào. Sự hòa hoãn này rõ ràng tùy thuộc vào tình hình và sự can thiệp của cộng đồng quốc tế.
Ông Sam Rainsy bị kết tội phỉ báng cả Thủ tướng Hun Sen và Chủ tịch quốc hội Kampuchia là hoàng thân Norodom Ranariddh, người mà ông Rainsy nói là đã nhận tiền hối lộ để thành lập một liên minh với ông Hun Sen.
Ông Rainsy bỏ trốn sang Pháp khi quyền miễn tố của ông bị hủy bỏ. Tại Pháp ông vận động để đạt được sự ủng hộ của quốc tế. Nhưng tuần rồi, một thỏa thuận đã được thành đạt giữa ông và thủ tướng Hun Sen, trong đó ông ông Rainsy gởi thư xin lỗi nhà lãnh đạo Kampuchia.
Việc ông Sam Rainsy được ân xá là một phần trong một kế hoạch hòa hoãn rộng lớn hơn, phát xuất từ những cáo buộc của các tổ chức nhân quyền ,và của chính phủ các nước trên thế giới, nói rằng việc ông Hun Sen tấn công các lãnh tụ đối lập phương haị đến nền dân chủ vốn mong manh của Kampuchia.
Cùng được ân xá với ông Sam Rainsy là nhà chính trị đối lập Cheam Channy, ông này bị tù một năm vì đã thành lập một chính phủ bí mật, và một đạo quân mà chính phủ Kampuchia tuyên bố là bất hợp pháp.
Vụ ân xá cho hai ông Rainsy và Channy diễn ra ngay sau khi chính phủ cũng hủy bỏ các cáo buộc đối với 7 nhà hoạt động đã chỉ trích việc thủ tướng Hun Sen ký bản hiệp định gây nhiều tranh cãi về biên giới với Việt Nam .
Ông Sam Rainsy nói với những người ủng hộ ông rằng ông vui mừng được trở về nước để tổ chức lại đảng đối lập của ông
Không phải tôi chạy trốn. Tôi phải tổ chức lại đảng Sam Rainsy. Tôi phải tái lập các lực lượng của đảng ở trong nước và ở cả nước ngoài. Giờ đây thì tôi vui sướng được trở lại quê hương.
Theo các giới chức thì ông Sam Rainsy sẽ được quốc hội Kampuchia ban lại quyền miễn tố trong một ngày gần đây.