Đường dẫn truy cập

Nhìn lại 20 năm đổi mới tại Việt Nam


Trong thời gian gần đây, chính phủ ở Hà nội đã ra sức thực hiện một cuộc duyệt xét về quá trình chuyển đổi sang điều mà họ gọi là kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa, và nhật báo Nhân Dân của Đảng Cộng sản Việt nam đã cho đăng tải một loạt bài có tiêu đề ‘Nhìn Lại 20 Năm Đổi Mới’, trong đó người đứng đầu công tác lý luận của Đảng nhận định rằng: tuyệt đại đa số nhân dân trong nước và bạn bè quốc tế đều thừa nhận những thành tựu to lớn của Việt nam trong công cuộc Đổi Mới. Xin mời quí thính giả theo dõi thêm một số chi tiết về đề tài quan trọng này trong tiết mục Nhìn Về Á Châu do Duy Ái phụ trách sau đây:

Trong bản phúc trình về tình hình phát triển thương nghiệp Việt nam, được công bố trước hội nghị Nhóm Tham vấn các quốc gia và tổ chức cấp viện diễn ra tại Hà nội hồi đầu tháng này, Ngân hàng Thế giới đã kêu gọi giới hữu trách Việt nam tiến hành một loạt các biện pháp mới mà họ gọi là ‘những chương trình cải cách thuộc thế hệ thứ nhì’. Đồng thời với việc khẳng định những thành quả xuất sắc mà Việt nam đạt được trong 20 năm ‘Đổi Mới’, đặc biệt là tỉ lệ người nghèo đã từ con số 57% của 10 năm trước giảm xuống chỉ còn chưa đầy 20% trong năm nay, các kinh tế gia của Ngân hàng Thế giới cho rằng để có thể tiến vào hàng ngũ các quốc gia có mức thu nhập trung bình, Việt nam cần đi xa hơn những cải cách cơ cấu và phải tạo dựng cơ sở cho một nền kinh tế thị trường hiện đại. Hôm thứ 6 vừa qua, ông Jordan Ryan, giám đốc quốc gia của Chương trình phát triển Liên hiệp quốc ở Việt nam, cũng cảnh báo rằng tuy nhiều nông dân Việt nam hiện có thu nhập cao hơn mức nghèo khó, nhưng thiên tai và dịch cúm gia cầm có thể khiến những người này rơi lại vào tình trạng nghèo túng mà họ vừa thoát ra không lâu.

Những lời kêu gọi và cảnh báo của các chuyên gia phát triển quốc tế đã được đưa ra không lâu sau khi giới hữu trách Hà nội phổ biến một loạt bài trên báo Nhân Dân để nói về điều mà họ cho là ‘những thành tựu to lớn và quan trọng’ mà Việt nam đã đạt được trong 20 năm Đảng Cộng sản Việt nam tiến hành những biện pháp cải cách kinh tế thị trường mà họ gọi là ‘đường lối đổi mới toàn diện’. Trong bài viết có nhan đề ‘Công cuộc đổi mới: Nhìn lại để tiếp tục tiến lên’, ông Nguyễn Phú Trọng, Ủy viên bộ chính trị và là người đứng đầu công tác lý luận của Đảng Cộng sản Việt nam, nói rằng: ‘tuyệt đại đa số nhân dân ở trong nước và bạn bè quốc tế đều thừa nhận những thành tựu to lớn của chúng ta trong công cuộc đổi mới.’

Ông Raymond Burghardt, Giám đốc chương trình nghiên cứu chuyên đề Đông Phương của Trung tâm Đông Tây ở Haiwaii, cũng thừa nhận những tiến bộ mà Việt nam đã đạt được sau 20 năm đổi mới. Trong cuộc phỏng vấn mới đây dành cho ban Việt ngữ đài VOA, vị cựu đại sứ Mỹ tại Việt nam này cho biết như sau:

Theo tôi thì Việt nam có thể hãnh diện về những tiến bộ đáng kể mà họ đã đạt được. Tốc độ của những thành quả trong công cuộc mở cửa của Việt nam thật ra còn nhanh hơn của Trung quốc. Họ đã học được những bài học về sự thành công cũng như những bài học thất bại của Trung quốc. Nhiều người còn nhớ rằng khoảng 20, 25 năm trước đây Việt nam còn phải nhập khẩu gạo, và đó quả thật là một việc hết sức vô lý đối với một nước có được vựa lúa khổng lồ trong vùng châu thổ sông Cửu long. Thành quả đầu tiên mà họ đạt được trong quá trình đổi mới chính là đảo ngược tình trạng phi lý đó và trở thành một trong những nước xuất khẩu gạo nhiều nhất trên thế giới. Kế tiếp, họ chuyển sang phát triển các loại hoa màu khác và trở thành quốc gia xuất khẩu cà phê hàng đầu thế giới. Sau đó, họ đã bắt đầu công nghiệp hóa và bây giờ họ đang tiến vào công nghiệp dịch vụ. Ngoài ra, một phần rất lớn của sinh hoạt kinh tế Việt nam cũng đã được tự do hóa, và nhờ đó khu vực tư đã phát triển và Việt nam đã bắt đầu có được một nền kinh tế hoạt động theo cơ chế thị trường.

Trong khi đó, một số các nhà hoạt động cho công cuộc dân chủ hóa Việt nam đã tỏ ra thất vọng trước kết quả cuộc duyệt xét tiến trình 20 năm đổi mới mà chính quyền Hà nội đã trình bày vì họ cho rằng không có dấu hiệu nào cho thấy là Đảng Cộng sản Việt nam sẽ có những thay đổi thực sự trong đường lối cai trị đất nước. Một số người còn cho rằng 20 năm đổi mới thật rà cũng là 20 năm chống đổi mới. Giáo sư Đoàn Viết Hoạt, một nhân vật bất đồng chính kiến nổi tiếng đang sống lưu vong ở Mỹ, cho biết như sau về cuộc duyệt xét của giới hữu trách Hà nội:

Chúng tôi không nhìn thấy có sự thay đổi căn bản nào kể từ khi Đảng Cộng sản chấp nhận sự thay đổi về kinh tế từ năm 1985, 1986. Chúng tôi không thấy bước sắp tới sẽ có những thay đổi căn bản nào, mặc dù chúng tôi nhận thấy có một số điều mới, theo cái nghĩa là làm rõ những điều trước đây còn mù mờ trong đường lối cũng như chính sách của Đảng Cộng sản. Chỉ làm rõ thêm mà thôi chứ không có gì là thay đổi căn bản hết. Chúng tôi nhận thấy rằng những cái chúng tôi đọc được (trong loạt bài của báo Nhân dân) là bất cập đối với nhu cầu phát triển khách quan của đất nước cũng như để thực hiện ngay mục tiêu chủ quan mà Đảng Cộng sản đề ra là phát triển nhanh và bền vững. Thể chế văn hóa kinh tế chính trị hiện nay không thể đáp ứng được nhu cầu vì trên căn bản vẫn là một cơ chế mà chúng tôi gọi là độc tài pháp quyền – trong tài liệu của Đảng Cộng sản Việt nam gọi là nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa. Trong một đoạn mà chúng tôi chú ý đã có nói rất là rõ là nét đặc trưng của nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa ở Việt nam khác với nhà nước pháp quyền tư sản là ở chỗ ‘quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công và phối hợp trong việc thực hiện các quyền hành pháp, lập pháp, và tư pháp’ dưới sự lãnh đạo của một đảng duy nhất – Đảng Cộng sản Việt nam. Điểm này cho thấy hoàn toàn trên căn bản cơ chế không có gì thay đổi cả.

Cựu đại sứ Burghardt cũng tỏ ý thất vọng trước những hạn chế mà giới hữu trách Hà nội áp đặt đối với các sinh hoạt chính trị và cho rằng đây là một trong những trở ngại chính đối với nỗ lực tăng cường quan hệ với Hoa kỳ.

Tôi nghĩ rằng tuy Việt nam đã thật sự thành công về mặt kinh tế; nhưng về mặt chính trị, họ còn cần phải thay đổi rất nhiều. Cũng tương tự như Trung quốc, Việt nam hiện đang theo đuổi một chủ nghĩa mà chúng tôi gọi là chủ nghĩa Lê Nin Thị trường. Họ đã vất bỏ phần lớn những lý thuyết của Các Mác nhưng vẫn giữ lại hầu hết các chủ trương của Lê Nin, và điều này có nghĩa là Việt nam vẫn còn là nước Cộng sản do một đảng cai trị. Những người công khai cổ xướng cho một hệ thống chính trị đa đảng ở Việt nam có phần chắc là sẽ bị giam cầm. Và điều này đã tạo ra những hạn chế đối với lượng thông tin được trao đổi tự do, và cũng khiến cho hệ thống tư pháp thiếu đi tính chất độc lập. Những hạn chế về mặt chính trị như thế tạo ra nhiều mối quan tâm đối với những nước khác - như Hoa kỳ chẳng hạn. Ở một mức độ nào đó, các chính phủ Tây phương đã cố ý kềm hãm tốc độ phát triển của các mối quan hệ với Việt nam, và đó là một trong các vấn đề mà giới hữu trách Việt nam cần phải giải quyết.

Một số các nhà quan sát cũng cho rằng sau 20 năm đổi mới, công cuộc hội nhập kinh tế khu vực và thế giới đã mang lại cho Việt nam tốc độ tăng trưởng cao, nhưng đồng thời việc này cũng khiến cho nhiều người Việt nam nhận ra một thực tế khá phũ phàng là Việt nam vẫn còn nghèo đói và lạc hậu rất nhiều so với nhiều nước khác, mặc dù có những nguồn tài nguyên thiên nhiên và nhân lực rất phong phú. Trong các bài viết được đăng tải hồi gần đây trên báo chí Việt nam, cựu thủ tướng Võ Văn Kiệt có nói rằng những kẻ thù mới của Việt nam hiện nay thật ra là nghèo đói và lạc hậu. Ông kêu gọi giới lãnh đạo Việt nam ra sức thực thi điều mà ông gọi chính sách đại đoàn kết để chống lại hai kẻ thù này.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG