Kỹ nghệ tôm tại vùng duyên hải Vịnh Mê Hi Cô đã nuôi sống hàng trăm ngàn người Việt trong khu vực này. Các hoạt động khai thác về ngành này đã phát triển mạnh trong các thập niên 1980 và 1990, giúp cho nhiều ngư dân người Việt lập nên cơ nghiệp trong một thời gian ngắn. Tuy nhiên thời kỳ vàng son đó đã qua nhanh. Những luật lệ mới trong việc hành nghề, sự cạnh tranh của tôm nhập khẩu, giá xăng dầu tăng cao, và nhất là những trận bão trong thời gian gần đây đã khiến cho phần lớn ngư dân người Việt lâm vào tình trạng điêu đứng.
Trần Nam trong Ban Việt ngữ của Đài Tiếng Nói Hoa Kỳ đã có dịp nói chuyện với một trong số những người từng khai thác kỹ nghệ tôm trong nhiều năm qua tại Tiểu Bang Texas về ảnh hưởng của những trận bão vừa qua đối với các ngư dân Việt Nam, và sau đây là một số chi tiết về sự kiện này:
Theo lời anh Nguyễn Quỳnh, chủ nhân các cơ sở khai thác tôm tại Texas, thì mặc dầu bảo Katrina chỉ gây thiệt hại nặng nề cho các ngư dân mà đa số là người Việt tại Tiểu Bang Louisiana nhưng kỹ nghệ tôm của anh cũng như những người khác tại Texas cũng đã bị ảnh hưởng trầm trọng vì các tàu của anh và các đồng nghiệp không thể đến đánh tôm trong vùng biển Louisiana, và số tôm đánh được tại những nơi khác đã phải bán ra với giá rất thấp vì hầu hết các cơ sở mua bán tôm tại Louisiana và những nơi ở gần đó đã bị quét sạch trong trận bão Katrina. Cũng theo lời anh Nguyễn Quỳnh thì trận bão Rita sau đó mới là một đòn nặng giáng vào giới ngư phủ Việt Nam tại Texas, dù vậy rất ít người biết đến những thiệt hại này vì các tin tức liên quan đến sự kiện vừa kể đã không được loan tải nhiều trên các cơ quan truyền thông như trận bão Katrina:
So với 2 trận bão vừa rồi thì trận Bão Katrina đã đánh vào Louisiana mạnh hơn chứ còn ở Texas thì tôi không bị trúng mà chỉ bị trở ngại về vấn đề tôm tép. Tôi mua tôm hoặc là bán tôm không được, tàu bè của tôi đi biển không được, đó là một thiệt hại rất lớn cho chúng tôi.
Trận bão Rita là trận bão trực tiếp đánh trúng vùng này, cái vùng mà tôi ở có hơn 100 chiếc tàu vừa chìm vừa bị hư hại nặng nề.
VOA: Anh muốn nói đến trận bão Rita?
Đúng trận bão Rita mà trên báo chí cũng như trên đài phát thanh không ai nói tới cái vùng Port Arthur và những nơi gần đó, nhưng chính những vùng đó là những cái vùng bị thiệt hại nặng nhất. So với Cameron ở bên Louisiana thì Port Arthur là cái chỗ mà factory của tôi kể như nó wipe out hết, từ nhà cửa cho đến các cơ sở thương mại đều bị quét sạch nhưng mà trên báo chí cũng như trên các đài phát thanh không có ai nhắc nhở tới và cũng không ai biết tới vùng đó bị thiệt hại như thế nào cả. Cái vùng gọi là Southeast của Texas là bị thiệt hại rất nặng nề, nhất là những vùng ở sát bãi biển thì kể như bị quét sạch hết. Cơ sở của tôi lên đến 4, 5 triệu đô la bây giờ đã bị tàn phá hết không còn gì để có thể bắt đầu trở lại được.
VOA: Thưa anh có sự giúp đỡ nào từ phía chính phủ để anh có thể hoạt động trở lại hay không?
Cho tới bây giờ thì chưa thấy có một sự giúp đỡ hoặc của chính phủ hoặc nói đến vấn đề hỗ trợ tất cả ngoại trừ vấn đề có thể cho mượn đến tối đa là một triệu rưỡi để tái thiết mà cho đến hôm nay cũng đã hơn một tháng rồi làm đơn làm từ cũng đã lâu rồi nhưng chưa thấy ai đếm xỉa gì đến tất cả , chưa có ai gọi nói gì cả, và nếu mình có gọi tới thì cũng không được trả lời một cách thỏa đáng.
VOA: Như vậy là các tàu bè của anh cũng như là các đồng nghiệp khác
đều không có thể làm ăn gì được cả?
Vâng thưa anh như giờ này thì 2 cái hãng của tôi là hoàn toàn ngưng đọng không làm gì được cả tại vì cơ sở đã tan tành.
VOA: Có khoảng bao nhiêu chiếc tàu bị hư hại trong khu vực của anh?
Trên dưới gần 200 chiếc đó anh ạ, 200 chiếc chứ không ít đâu. Chìm khoảng 6, 7 chục chiếc. Những chiếc tàu đó là cả vốn liếng, gia tài của người ta , họ invest vào đó hơn một triệu đô la và giờ này những chiếc tàu đó bị chìm và sự bồi thường của bảo hiểm thì lại có giới hạn.
VOA: Thưa anh giới hạn như thế nào?
Về bảo hiểm, trong những năm sau này thì bảo hiểm rất là khó khăn . Nó chỉ bán đúng theo số tiền mà mình còn nợ của ngân hàng, hoặc là ít hơn món nợ của ngân hàng chứ không bán nhiều hơn. Do đó bây giờ chiếc tàu mà chìm hay bị hư hại rồi thì người ta không có cách nào để trở lại cuộc sống bình thường được. Phải nói hơn 2/3 là người Việt Nam. Nói về tàu bè thì có thể nói là hơn 2/3 là người Việt Nam. Tôi có thể nói là 90% chứ không phải là ít đâu.
VOA: Hiện nay giới nuôi tôm người Mỹ đang lo ngại về việc chính phủ đang cứu xét vấn đề hạ mức thuế cho tôm nhập khẩu từ nước ngoài, cũng như lo ngại về việc tăng giá nhiên liệu. Thưa anh đó có phải cũng là những lo ngại của những người Việt trong nghề đánh tôm như anh hay không?
Tôi không biết chính phủ muốn tiêu diệt cái nghề này hay là có một cái ý định gì mà làm cho như thế này. Trong những năm vừa rồi, cái nghề đánh cá này đã bị chèn ép tới con số tận cùng và rồi bây giờ còn tiếp tục hạ thuế để đưa tôm nhập cảng vào, và nếu quả thật như vậy thì tôi nghĩ rằng cái nghề đánh tôm này sẽ không còn tồn tại trên đất Mỹ nữa.
Thứ nhất là bên này mình phải chịu những khoản thuế rất cao, xăng dầu lại cao, bán cái giá tôm lại quá rẻ, không có một cái promote nào của chính phủ, không có một nâng đỡ nào của chính phủ không có một khoản tài trợ nào để giúp cho giới ngư phủ để họ có thể trở lại cuộc sống bình thường được. Giới ngư phủ này không phải là ít so với income của seafood industry này thì nó lên cả tỉ Mỹ kim chứ đâu phải ít mà bỏ đi như thế này thì nó gây ra biết bao nhiêu cái sự unemployment và rất nhiều thiệt hại khác.
VOA: Trước tình trạng đó trong giới ngư phủ của anh có những biện pháp nào để bảo vệ quyền lợi của mình hoặc làm thế nào để tiếng nói của mình được chính quyền lắng nghe?
Cho tới bây giờ thì mình là tiếng kêu trong sa mạc. Chúng tôi không có một người nào hỗ trợ để mà gióng lên tiếng kêu đó. Đi quanh quẩn 3 cái ông nghị sĩ dân biểu chỗ này thì họ nhìn mình như là những dân tộc thiểu số làm ăn trong cái vùng này , và địa phương thì họ cũng có những cái nhìn ganh tị vì những người Việt Nam qua đây, trong một thời gian ngắn, đã tạo được những chiếc tàu đã làm ăn để có được một cuộc sống như vậy. Chính vì vậy chúng tôi đã không được từ chính quyền địa phương và cũng không được dân chúng ở địa phương hỗ trợ. Chúng tôi chưa có tiếng nói nào lớn hoặc là tiếng nói nào có tể giúp chúng tôi để thực hiện được cái tiếng nói lên tới Washington DC hoặc lên đến những vị có thẩm quyền để người ta có thể biết được những đau khổ của chúng tôi.
VOA: Thưa anh chỗ của anh ở, người Việt có đông hay không, và có tổ chức hoặc đoàn thể nào đại diện cho tiếng nói của cộng đồng người Việt ở đó hay không?
Ở Port Arthur này thì chúng tôi có một cái hội gọi là hội ngư nghiệp, và không có đoàn thể đại diện cộng đồng. Bên Công Giáo thì chúng tôi có Nhà Thờ, bên Phật Giáo thì chúng tôi có Chùa. Đó là 2 địa điểm chính mà người dân Việt Nam qui tụ về. Trước đây chúng tôi có Ban Đại Diện Cộng Đồng nhưng có lẽ vì không hoạt động hữu hiệu cho nên cho đến bây giờ thì không ai biết đến Ban Đại Diện Cộng Đồng đó nữa. Chính vì vậy mà những người, chẳng hạn như dân biểu địa phương, người ta không hỗ trợ mình cho lắm.
VOA: Thưa anh như vậy thì công việc anh sẽ làm trong thời gian tới về vấn đề này sẽ là gì?
Tôi có chụp hình rất nhiều các cơ sở cũng như tất cả những thiệt hại ở vùng Port Arthurn này. Tôi gom lại để đưa lên nói chuyện với các nghị sĩ và dân biểu ở trên Houston cũng như để trình lên Governor nhưng tôi nghĩ rằng cũng chẳng đi tới đâu cả. Cho tới bây giờ thì cũng chưa có một tiếng nói gì hoặc có một cái chương trình nào mà đứng ra để có thể nói là giúp cho dân chúng ở dưới này. Ở ngay cái cơ sở của tôi thì tôi chưa thấy ai tới hỏi tôi một cái gì hết cả cho dù tôi đã làm đơn gửi hết cơ quan này đến cơ quan khác và gọi để biết các đơn đó đang cứu xét tại đâu và như thế nào thì cũng không ai biết và cũng không có ai trả lời một cách xác đáng hết cả.
VOA: Thưa anh đó là tình trạng của cá nhân anh hay là hầu như tất cả những nạn nhân như anh?
Hầu như tất cả mọi người tại địa phương này, và nói đến người Việt Nam thì cả 100% đều như vậy, chưa thấy ai nhúc nhích cục kịch gì cả.
Xin cám ơn anh, thưa quí thính giả vừa rồi là anh Nguyễn Quỳnh chủ nhân các cơ sở khai thác tôm tại Texas, nói về những thiệt hại của các ngư phủ Việt Nam sau các trận bão vừa qua tại Hoa Kỳ.