Đường dẫn truy cập

Những nỗ lực nhằm đối phó với dịch bệnh cúm gà tại Á Châu


Trong bài diễn văn đọc tại phiên họp thường niên của Đại hội đồng Liên hiệp quốc, tổng thống Bush của Mỹ đã đề nghị tiến hành một kế hoạch hợp tác quốc tế để ứng phó với dịch cúm gà ở Á châu và đề phòng trường hợp xảy ra một đại dịch cúm toàn cầu. Không lâu sau đó, Tổ chức Y tế Thế giới và Tổ chức Lương nông Liên hiệp quốc cùng với 16 quốc gia, trong đó có Việt nam, đã đồng ý tham gia kế hoạch này. Mời quí thính giả theo dõi thêm một số chi tiết về những nỗ lực nhằm đối phó với dịch bệnh nguy hiểm này trong tiết mục Nhìn Về Á Châu do Duy Ái phụ trách sau đây.

Một trận đại dịch cúm gà ở Australia có thể gây tử vong cho nhiều người hơn so với hầu như bất kỳ một cuộc tấn công khủng bố nào. Đó là cảnh báo mà bộ trưởng Y tế Australia, ông Tony Abbot, đã đưa ra hôm thứ ba vừa qua trong cuộc phỏng vấn dành cho đài truyền hình ABC giữa lúc nhiều chuyên gia y tế e rằng vi rút H5N1 có thể biến chủng để có khả năng lây lan dễ dàng từ người sang người và gây ra một đại dịch cúm giết chết hàng triệu người trên thế giới. Theo lời bộ trưởng Abbot, trong trận đại dịch cúm Tây ban nha năm 1919 có khoảng 12 ngàn người đã thiệt mạng ở Australia. Ông nói thêm rằng số người tử vong vì một đại dịch cúm gà có phần chắc sẽ cao hơn một vụ tấn công khủng bố, ngoại trừ trường hợp xảy ra một vụ tấn công bằng vũ khí nguyên tử ở một thành phố lớn.

Hai ngày sau khi bộ trưởng Abbot tuyên bố như thế, vấn đề cúm gà cũng đã trở thành một đề tài được nhiều người lưu tâm tại hội nghị thượng đỉnh Liên hiệp quốc khi tổng thống Bush của Mỹ đề xướng kế hoạch hợp tác quốc tế để ứng phó với dịch bệnh nguy hiểm này. Bà Paula Dobriansky, thứ trưởng ngoại giao Mỹ, cho biết: giới hữu trách Washington xem cúm gia cầm là một mối đe dọa nghiêm trọng cho Hoa kỳ và các nước khác trên thế giới. Bà nói như sau tại cuộc họp báo mới đây tại trụ sở Liên hiệp quốc ở New York:

Theo tôi thì có nhiều vấn đề về sức khỏe cũng chính là những vấn đề về an ninh quốc gia. Bởi vì có một điều rất hiển nhiên là một mối đe dọa như vậy về mặt y tế có thể gây tác động nghiêm trọng -- chẳng phải chỉ cho một quốc gia riêng biệt nào và trong trường hợp cúm gia cầm này, nó tác động tới rất nhiều quốc gia.

Bà Dobriansky cho biết kế hoạch có tên ‘Chương trình Hợp tác Quốc tế về Cúm Gia cầm và Đại dịch Cúm’ (International Partnership on Avian and Pandemic Influenza) mà tổng thống Bush vừa đề xuất sẽ tập trung vào việc tăng cường và phối hợp những hoạt động trong các lãnh vực chuẩn bị, phòng ngừa, đối phó, và ngăn chận sự lây lan của cúm gà. Khi được hỏi về kinh phí để thực hiện kế hoạch này, bà Dobriansky cho biết đó là một vấn đề còn đang trong vòng nghiên cứu. Bà nói tiếp như sau:

Về vấn đề nguồn lực, thì như tôi đã trình bày, chúng tôi dự trù tổ chức một hội nghị cấp cao tại Washington trong vài tuần tới đây. Và một trong các mục tiêu cụ thể của hội nghị đó chính là để xem xét về tình hình hiện nay trên toàn thế giới để có được một sự thẩm định tập thể – chẳng những về nhu cầu và các thứ tự ưu tiên, mà còn về vấn đề cần phải xử dụng bao nhiêu nhân lực và tài lực.

Một ngày sau khi tổng thống Bush loan báo kế hoạch hợp tác quốc tế về cúm gà, có ít nhất 16 nước đã quyết định tham gia. Đó là Argentina, Australia, Anh quốc, Kăm Pu Chia, Canada, Ấn độ, Nhật bản, Malaysia, New Zealand, Nigeria, Nga, Singapore, Thái lan và Việt nam.

Các giới chức Hoa kỳ cho biết kế hoạch của Washington đã nhận được sự hậu thuẫn của hai cơ quan quốc tế thuộc Liên hiệp quốc là Tổ chức Lương Nông Liên hiệp quốc và Tổ chức Y tế Thế giới. Oâng Lee Jong Wook, người đứng đầu Tổ chức Y tế Thế giới nói rằng một trong những mối lo ngại lớn nhất của ông là vi rút H5N1 có thể biến chủng. Ông tuyên bố như sau tại cuộc họp báo hôm thứ năm vừa qua:

Sở dĩ có sự khác biệt là hiện nay vi rút H5N1 chưa lây sang người một cách có hiệu quả – chưa có khả năng để lây từ người này sang người khác. Nhưng một khi vi rút này có được khả năng đó – và cũng đã có một số bằng chứng cho thấy đó là điều sẽ xảy ra – thì tôi chỉ hy vọng là độc tính của dạng vi rút mới sẽ không cao đến mức gây tử vong cho hơn phân nửa số người nhiễm bệnh như hiện nay.

Cũng trong cuộc họp báo hôm thứ năm, khi được hỏi tại sao Trung quốc – quốc gia đông dân nhất và cũng đang bị cúm gà hoành hành, không nằm kế hoạch hợp tác phòng chống cúm gà của Hoa kỳ, thứ trưởng ngoại giao Dobriansky cho biết tổng thống Bush và chủ tịch Hồ Cẩm Đào của Trung quốc đã thảo luận về vấn đề cúm gà khi hai ông gặp nhau ở New York hôm thứ ba. Nhà lãnh đạo Trung quốc nói với ông Bush rằng Trung quốc đang áp dụng nhiều biện pháp để ngăn ngừa cúm gà và dự trù tăng cường công cuộc hợp tác quốc tế.

Vấn đề Trung quốc đã được nêu lên một phần cũng vì nhiều người vẫn còn nhớ là vào năm 2003 giới lãnh đạo Bắc kinh đã bị cộng đồng quốc tế chỉ trích kịch liệt vì đã tìm cách che giấu tình hình bệnh SARS, là dịch bệnh rốt cuộc đã giết chết khoảng 800 người và tác động nghiêm trọng đến ngành lữ hành ở nhiều quốc gia. Các chuyên gia y tế cho rằng hành vi giấu nhẹm của giới hữu trách Trung quốc lúc dịch bệnh bắt đầu bộc phát đã khiến cho vi rút gây bệnh SARS lây lan nhanh chóng sang nhiều phần đất khác, trong đó Việt nam, Hồng kông và Canada.

Theo tường thuật hôm thứ sáu của hãng thông tấn Pháp, trợ lý thứ trưởng Y tế Canada, ông David Moore cho hay trong tháng 10 tới đây, Canada sẽ đứng ra tổ chức các cuộc hội nghị cấp bộ trưởng để bàn về sách lược phòng chống cúm gà. Ông Moore cho biết thêm rằng những biện pháp phòng hờ về du hành trong trường hợp dịch bệnh bộc phát là một trong những đề tài sẽ được thảo luận tại hội nghị.

Trong khi đó, bộ trưởng Y tế Hoa kỳ, ông Mike Leavitt cũng sẽ hướng dẫn một phái đoàn sang thăm các quốc gia Đông Nam Á vào tháng tới để thảo luận về kế hoạch hợp tác phòng chống cúm gà. Bộ trưởng Leavitt cho biết trong chuyến viếng thăm Thái lan, Kampuchia, Lào và Việt nam, ông sẽ thương thảo những hiệp định với các quốc gia chịu ảnh hưởng cúm gà nặng nhất để cung cấp sự hỗ trợ cho các công tác cần thiết trong nỗ lực phòng chống cúm gà. Cùng đi với bộ trưởng Leavitt còn có những nhân vật đứng đầu Tổ chức Y tế Thế giới, Tổ chức Lương nông Liên hiệp quốc, và Tổ chức Thú y Thế giới.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG