Đường dẫn truy cập

Vấn nạn không gian của Mỹ và Nga


Hoa kỳ và Liên bang Nga chỉ còn rất ít thời gian để khắc phục một chướng ngại pháp lý trong việc đưa các phi hành gia Mỹ lên hoạt động trên Trạm Không gian Quốc tế. Chuớng ngại này có thể không cho phép Hoa Kỳ tham gia vào chương trình Trạm Không gian Quốc tế nữa vào đầu sang năm. Trong câu chuyện “Khoa học Không gian” hôm nay, Nguyễn Lê sẽ trình bày với quý thính giả những khúc mắc xoay quanh vấn đề này, dựa trên tường trình của TTV đài VOA David McAlary.

Sau khi Phi thuyền con thoi Discovery của Hoa kỳ đã an toàn trở về Trái Đất, các chuyến bay tương lai của phi thuyền con thoi sẽ bị hoãn lại cho tới khi Cơ quan Không gian Hoa kỳ, thường gọi tắt là NASA, giải quyết được vấn đề các phi thuyền bị các mảnh vụn đe dọa lúc được phóng lên. Bất cứ khi nào các chuyến bay được nối lại, các phi hành gia sẽ tiếp tục công tác xây dựng Trạm Không gian Quốc tế. Hiện nay trạm này đang được điều hành bởi Hoa kỳ và Liên bang Nga với sự hỗ trợ của châu Âu, Canada, và Nhật bản. Nhưng có một trở ngại về pháp lý có thể không cho phép các phi hành gia Mỹ được tiếp tục làm việc trên trạm không gian.

Vấn đề này bắt đầu từ năm 1996, khi 2 nước thỏa thuận với nhau rằng Nga sẽ cung cấp các phương tiện chuyên chở miễn phí để đưa phi hành đoàn và hàng hóa của Hoa kỳ lên trạm Không gian Quốc tế cho đến tháng tư năm 2006. Thỏa thuận này có ý nghĩa cực kỳ quan trọng trong thời gian các phi thuyền con thoi bị cấm bay sau khi xảy ra tai nạn phi thuyền Columbia trong năm 2003, bởi vì Hoa Kỳ không có phương tiện nào khác để đưa các phi hành gia và hàng tiếp tế lên Trạm không gian.

Nhưng thỏa thuận này sắp hết hạn. Theo bà Marcia Smith thuộc cơ quan nghiên cứu của Quốc hội Hoa Kỳ, chuyến bay khứ hồi miễn phí cuối cùng cho một phi hành gia Mỹ trên con tàu vũ trụ Soyuz của Nga lên Trạm Không gian Quốc tế sẽ được thực hiện trong tháng 10 năm, nay và chuyến bay về Trái Đất được dự trù diễn ra trong tháng 4 sang năm. Bà Smith nói:

“Ngay lúc này, Hoa Kỳ không có một phương tiện được bảo đảm nào để lên Trạm Không gian sau tháng 4 sang năm, khi Nga đã hoàn tất nghĩa vụ của họ. Chúng tôi không biết phi thuyền con thoi có sẽ tiếp tục bay hay không, nhưng nếu phi thuyền con thoi bay được, thì các phi hành gia không gian Mỹ sẽ có thể tiếp tục ở trên Trạm Không gian khi nào có mặt phi thuyền con thoi ở đó.”

Thỏa thuận giữa Hoa kỳ và Nga là điều cần thiết vào lúc các phi thuyền con thoi có thể thực hiện các chuyến bay thường xuyên và NASA tiên liệu sẽ hoàn tất việc xây dựng trạm không gian quốc tế vào tháng tư sang năm. Trong thời gian sau đó, NASA đã dự tính đưa vào hoạt động một phi thuyền thoát hiểm đặc biệt mà các đoàn viên phi hành của Mỹ trên trạm có thể sử dụng để trở về Trái Đất trong trường hợp khẩn cấp, giúp cho họ hết phải tùy thuộc vào các con tàu vũ trụ Soyuz của Nga. Nhưng bà Marcia Smith nói rằng chính quyền Tổng thống Bush đã hủy bỏ kế hoạch chế tạo một phi thuyền cứu cấp như thế. Sau đây vẫn là lời của bà Smith:

“Lúc đó Hoa Kỳ đã tính sẽ tự chế tạo lấy phi thuyền cứu cấp này, nhưng sau đó đã quyết định không xúc tiến bởi vì phí tổn quá cao và vì các lý do khác. Do đó, để cho một phi hành gia Mỹ có thể ở lại trên Trạm Không gian sau khi phi thuyền con thoi đã trở về Trái Đất, phi hành gia này phải có một chỗ ngồi trong một phi thuyền cứu cấp. Và một lần nữa, nghĩa vụ của Nga cung cấp một chỗ ngồi miễn phí như thế cho NASA sẽ chấm dứt vào tháng 4 năm 2006.”

Một giải pháp có vẻ đương nhiên là NASA phải thuê các dịch vụ vận tải không gian của Nga. Nhưng một đạo luật của Hoa Kỳ được ban hành cách đây 5 năm cấm việc thuê mướn như thế, nếu Tổng thống George W Bush không xác nhận là Nga đã không cung cấp công nghệ phi đạn và vũ khí cho Iran 1 năm trước đó.

Trong 1 cuộc điều trần tại Hạ viện Hoa Kỳ mới đây, Dân biểu Dana Rohrabacher nói với tổng giám đốc mới của NASA, ông Michael Griffin, rằng đạo luật đó đã không ngăn chặn được chương trình vũ khí hạt nhân của Iran. Ông đổ lỗi cho chính quyền Tổng thống Bush và chính phủ của Tổng thống Clinton trước đây đã không có những biện pháp ngoại giao để ngăn ngừa việc Nga cung cấp trợ giúp kỹ thuật cho Iran. Dân biểu Rohrabacher nói:

“Điều cần phải thực hiện là phải có một chính sách nào đó mở ngõ cho người Nga để họ có một lựa chọn khác. Cả chính quyền của Tổng thống Bush lẫn chính quyền của Tổng thống Clinton đều không làm chuyện đó. Và bây giờ, sau 2 tháng làm người lãnh đạo cơ quan NASA, chính ông Griffin phải đối diện với giai đoạn rất nghiêm trọng này, khi ông phải đưa ra một quyết định.”

Chính quyền Tổng thống Bush muốn Quốc hội phải sửa đổi đạo luật của Hoa Kỳ để cho phép NASA bắt đầu thuê mướn dịch vụ của cơ quan không gian Nga.

Nhưng chuyên gia nghiên cứu của Quốc hội, bà Marcia Smith, nói rằng có những cách đi vòng để né tránh đạo luật đó. Như thế là bởi vì luật này có quy định những trường hợp ngoại lệ cho phép NASA mua dịch vụ của phía Nga để ngăn ngừa một thiệt hại về nhân mạng sắp xảy ra trên Trạm Không gian quốc tế hoặc để giúp duy trì hoạt động của mođun của Nga trên trạm này. Bà Smith nói rằng Tổng thống Bush có thể tuyên bố áp dụng các trường hợp ngoại lệ như thế. Vị nguyên thủ quốc gia Hoa Kỳ cũng có thể kết luận rằng đạo luật này không áp dụng đối với công ty chế tạo con tàu vũ trụ Soyuz của Nga và cho phép NASA được thuê một số con tàu vũ trụ này để sử dụng riêng.

Ông Albert Wheelon, một nhà vật lý học làm việc cho chính phủ Mỹ nay đã nghỉ hưu, và cũng là một thành viên của ủy ban điều tra vụ nỗ phi thuyền con thoi Challenger năm 1986, nói rằng một giải pháp thay thế khác là đem thỏa thuận giữa Hoa Kỳ và Nga ra thương thảo lại, để NASA tiếp tục được cung cấp các dịch vụ miễn phí. Nhưng ông tin rằng cơ quan không gian của Nga, hiện đang gặp nhiều khó khăn tài chính, có phần chắc sẽ không chấp nhận giải pháp này. Ông Wheelon nói:

“Tôi nghĩ rằng chúng ta đã tự đẩy mình vào tình thế nghiêm trọng hiện nay. Tôi cho rằng có phần chắc là phía Nga sẽ không từ chối một yêu cầu giải cứu khẩn cấp. Nhưng theo tôi nghĩ thì việc trông đợi họ cung cấp thêm 28 phi vụ miễn phí cho chúng ta quả thật vượt quá lòng hào hiệp của họ.”

Tổng giám đốc NASA, ông Michael Griffin, nói rằng tình hình tấn thối lưỡng nan này là một lý do chính thúc đẩy ông phải tính đến chuyện thay thế toàn bộ các phi thuyền con thoi đã lỗi thời trước năm 2010, bằng 1 phi thuyền có nhiều khả năng hơn để cho phép Hoa Kỳ duy trì thế độc lập trong không gian.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG