Trong thời kỳ chiến tranh Việt Nam, đường mòn Hồ Chí Minh đã đóng một vai trò quan trọng trong việc chuyên chở binh sĩ và vũ khí từ Bắc vào Nam của quân đội Bắc Việt, tuy nhiên ngày nay, con đường này đã trở thành một nơi thu hút du khách không kém gì các danh lam thắng cảnh khác tại Việt Nam. Cảm nghĩ của du khách nước ngoài đối với sự thay đổi này như thế nào, nhất là các nhà báo và các cựu chiến binh Hoa Kỳ từng có mặt trong chiến tranh Việt Nam? Mời quí vị theo dõi một số chi tiết về sự kiện vừa kể do Trần Nam ghi nhận từ báo chí ở Hoa Kỳ:
Đường mòn Hồ Chí Minh là một hệ thống đường sá chạy dài từ Bắc chí Nam, được Hà Nội thiết lập từ năm 1959 để yểm trợ hậu cần cho quân đội Bắc Việt và du kích quân địa phương tại các chiến trường ở miền Nam trong thời kỳ chiến tranh. Hệ thống này bao gồm những con đường dành cho xe vận tải và những lối mòn cho người đi bộ và xe đạp, lẩn khuất trong những rừng già rậm rạp trong dẫy núi Trường Sơn.
Đối với các phi công Hoa Kỳ lúc bấy giờ thì đường mòn Hồ Chí Minh là một mục tiêu quan trọng mà họ phải giội bom hầu như hàng ngày để ngăn chận sự vận chuyển binh sĩ cũng như vũ khí từ miền Bắc vào miền Nam bằng mọi phương tiện trên một trục giao thông phức tạp gồm nhiều ngõ ngách và sông rạch chằng chịt dài tổng cộng hơn 9 ngàn 900 dậm mà có nhiều đoạn đã lấn sâu vào lãnh thổ của các nước láng giềng Lào và Kampuchea.
Mặc dù đã tìm đủ mọi cách để phá hủy con đường tiếp tế huyết mạch này nhưng các phi cơ Hoa Kỳ cũng không thể nào ngăn chận được sự vận chuyển những khối hàng tiếp liệu khổng lồ và làn sóng bộ đội ào ạt đổ vào miền Nam.
Còn đối với miền Bắc thì đây là con đường đã góp công lớn vào chiến thắng quyết định của họ ở miền Nam vào năm 1975. Trong 16 năm sau ngày thành lập, con đường này đã chuyên chở hơn một triệu quân Bắc Việt và những số lượng khổng lồ hàng tiếp liệu vào các chiến trường ở miền Nam mặc dầu có những cuộc tấn công dữ dội của phi cơ Hoa Kỳ. Tuy nhiên đây cũng là con đường có nhiều gian nguy hiểm trở. Ngoài bom đạn của phi cơ Mỹ, những người di chuyển trên tuyến đường này cũng phải đối phó với những nguy hiểm khác như thời tiết khắc nghiệt và bệnh tật, nhất là bệnh sốt rét. Trong những ngày đầu, có đến 10% số dân công chuyển vận đã bị chết vì đau yếu trên con đường này.
Lúc bấy giờ quân đội Bắc Việt phải mất đến 6 tháng mới đi hết con đường Trường Sơn, nhưng sau đó thời gian này đã dần dần được rút ngắn, và kể từ năm 1973 khi phi cơ Mỹ ngưng những vụ giội bom thì thời gian để chuyển quân và trang thiết bị của Hà Nội vào Nam bằng con đường này chỉ mất vài tuần lễ.
Ngày nay tình hình đã đổi khác. Hệ thống đường mòn mà một nhà báo nước ngoài đã gọi là con đường máu vì có rất nhiều người đã bị thiệt mạng vì bom đạn và lam sơn chướng khí trong những năm dài chiến tranh, nay đã được xây dựng thành một xa lộ.
Theo nhà báo Denis Gray thì hầu hết mạng lưới chằng chịt của con đường cũ đã bị cỏ cây vùi lấp theo năm tháng nhưng trục giao thông chính đã được sử dụng để xây dựng một xa lộ mới theo một dự án tái thiết 10 năm, khởi sự từ năm 2000.
Tuy nhiên một số nhà phân tích nhấn mạnh rằng con đường mòn cũ và xa lộ mới không phải cùng một địa điểm mà là cách xa nhau nhiều dậm. Cũng theo các nhà phân tích này thì hầu hết con đường cũ đã lấn sau vào các nước Lào và Kampuchea trong khi xa lộ mới hoàn toàn nằm trong lãnh thổ Việt Nam.
Hiện nay một đoạn đường dài hơn 745 dặm của xa lộ mới đã được mở ra để lưu thông, và đã trở thành một trong những địa điểm du lịch thu hút khá nhiều du khách, nhất là các nhà báo và các cựu chiến binh Mỹ từng có mặt trong thời kỳ chiến tranh tại Việt Nam. Trên con đường mới này, du khách có thể di chuyển bằng xe hơi với tốc độ 60 dặm một giờ qua các thôn xóm hiền hòa và núi non hùng vĩ dọc theo 2 bên đường.
Xa lộ cũng chạy qua những địa danh nổi tiếng vì những trận đánh đẫm máu giữa quân chính qui Bắc Việt với quân đội Mỹ như Khe Sanh và Thung Lũng Ia Drang, vòng quanh những xóm làng trầm lặng của người Thượng trong vùng đồi núi Tây nguyên.
Xa lộ cũng có những ngã rẽ để di chuyển một cách dễ dàng đến một số thắng cảnh hàng đầu khác của Việt Nam như cố đô Huế, cửa Hội An, và những bãi biển cát trắng ở miền Trung.
Nhà báo Denis Gray của Hãng Thông Tấn AP mới đây đã khởi sự một chuyến đi bằng xe hơi tại thành phố Vinh mới được tái thiết, ở gần xa lộ này. Hầu hết nhà cửa trong thành phố này đều bị hư hại nặng nề trong thời kỳ chiến tranh vì những vụ giội bom của phi cơ Mỹ nhằm ngăn chận làn sóng ngoại viện ào ạt của khối cộng sản qua hải cảng của thành phố này. Đây cũng là nơi mà các phi công Mỹ chịu thiệt hại nặng nề nhất trong cuộc chiến tại Việt Nam.
Khi đề ra dự án biến trục giao thông chính của con đường mòn này thành xa lộ Hồ chí Minh, chính quyền Cộng Sản Việt Nam hy vọng rằng xa lộ này sẽ kích thích kinh tế tại một số vùng xa xôi hẻo lánh và nghèo nàn nhất của đất nước ở miền Trung, đồng thời giải quyết nạn ứ đọng xe cộ trên Quốc Lộ số một nối liền Nam Bắc hiện nay, và phát triển ngành du lịch.
Tuy nhiên tính đến nay, có rất ít dấu hiệu cho thấy những hy vọng phát triển của chính quyền được thể hiện trong khu vực này. Tại Trung phần Việt Nam, trên một đoạn đường dài, thỉnh thoảng người ta mới bắt gặp các chiếc xe tải từ thời Sô Viết cũ, những xe kéo móc hậu cũ kỹ hoặc xe trâu di chuyển. Người ta cho rằng phải mất thêm nhiều thời gian và tiền bạc thì xa lộ này mới có thể phát triển, khi các thành phố cũng như các cơ sở thương mại được thiết lập dọc theo 2 bên đường, để xe cộ có thể dùng con đường này làm gạch nối giữa các thành phố đó như người ta vẫn thường thấy trên các xa lộ ở những nước tiên tiến trên thế giới.
Trước đây dự án xây cất xa lộ cũng đã vấp phải nhiều chỉ trích, cả ở quốc nội lẫn quốc ngoại. Khi dự án này được cựu Thủ Tướng Vỏ Văn Kiệt đưa ra cách đây nhiều năm, một số giới chức tại Hà Nội và các đại biểu Quốc Hội đã chống đối vì quá tốn kém. Tuy nhiên chính phủ Hà Nội đã quyết định tiến hành kế hoạch này vào đầu năm 2000 sau khi hạ thấp kinh phí xuống còn 3 tỉ rưỡi đô la, so với 5 tỉ lúc ban đầu. Còn những người chỉ trích ở nước ngoài thì cho rằng việc khai quang để thiết lập xa lộ sẽ gây nguy hại cho môi trường sinh thái trong những khu rừng đang càng ngày càng bị thu hẹp, gây khó khăn cho đời sống hoang dã tại nhiều khu vực đang được bảo vệ. Quỹ Thế Giới Bảo Vệ Thiên Nhiên có có trụ sở tại Thụy Sĩ đã mô tả dự án thiết lập xa lộ này là một đe dọa lớn nhất trong dài hạn cho tình trạng sinh thái đa dạng tại Việt Nam.
Ngoài ra sự kiện này cũng gây khó khăn cho người dân ở miền thượng khi làn sóng người từ vùng đồng bằng duyên hải di cư một cách ào ạt đến những khu vực của các sắc tộc thiểu số trên cao nguyên, gây xáo trộn cho đời sống yên ổn của những người dân tại địa phương.
Hiện nay tại một vài địa điểm như thị trấn A Lưới trong thung lũng A Shau, nơi chỉ có vài căn lều và nhà cửa được dựng lên cách đây 5 năm, du khách đã thấy có những dấu hiệu phát triển với những ngôi nhà mới, một ngôi chợ bán các loại trái cây đựng trong rổ, và các mặt hàng nước ngoài như đồng hồ Nhật, bánh mì Pháp.
Từ xa lộ này người ta có thể thấy một ngọn đồi ẩn hiện dưới làn sương mỏng cách đó không xa. Các binh sĩ Hoa Kỳ gọi đó là Hambuger Hill, hay là Đồi Thịt Băm, vì số người bị thiệt mạng quá nhiều trong những cuộc giao tranh đẫm máu giữa đôi bên vào năm 1969 chung quanh ngọn đồi này.
Ngày nay mọi việc đều thay đổi. Những du khách Mỹ và người dân địa phương không còn nhìn nhau bằng đôi mắt nghi kỵ, và người ta không còn thấy những dấu vết nào về sự hiện diện đông đảo của quân đội Hoa Kỳ trước đây tại thị trấn A Lưới. Chỉ có những người lớn tuổi mới còn nhớ cái bãi đáp trực thăng của quân đội Mỹ tại khu vực này cách đây hơn 30 năm, nơi mà bây giờ đã trở thành một sân chơi của học trò. Tiếng cười đùa vô tư của các em trong khi vây quanh các du khách nước ngoài đến thăm viếng cho thấy rằng các em không biết gì về những cuộc giao tranh đẫm máu đã từng xảy ra tại đất nước này.