Theo Thông Tấn Xã Reuters, cuối tuần qua Tổ Chức Y Tế Thế Giới cảnh cáo là vụ người đầu tiên chết vì bệnh cúm gia cầm tại Indonesia cộng thêm với sự kiện nhiều gia cầm chết vì dịch bệnh này tại các nơi khác, trong đó có Nga, đã là những dấu hiệu cho thấy cơn đại dịch về bệnh cúm trên toàn cầu mà lâu nay người ta vẫn lo sợ có thể đang kéo tới.
Các giới chức y tế sợ rằng loại virút gây bệnh cúm gia cầm sẽ biến chủng và hòa nhập vào với bệnh cúm nơi con người để tạo thành một cơn đại dịch dễ lây lan và có thể giết hại hàng triệu người.
Bà Magaret Chan, tân giám đốc sở chuẩn bị phòng chống đại dịch cúm của Tổ Chức Y Tế Thế Giới, nói rằng tuy chưa có những bằng chứng rõ rệt về chuyện dịch bệnh cúm gia cầm lây lan từ người này sang người kia, song cần phải gia tăng việc theo dõi dịch bệnh nơi gia cầm và con người trên khắp thế giới.
Từng là giám đốc sở y tế Hồng Kông giúp ngăn chặn nạn dịch cúm gia cầm và bệnh SARS năm 1997 tại đó, bà Chan cho hay theo sự ước tính của Tổ Chức Y Tế Thế Giới, mối hiểm nguy của một cơn đại dịch cúm trên thế giới vẫn là 50% có thể xảy ra.
Theo bà, mọi người phải đề cao cảnh giác và phải phát giác ra ngay được những dấu hiệu lây nhiễm đầu tiên từ người này sang người kia. Bà cũng cho biết là Tổ Chức Y Tế Thế Giới đang tạo áp lực đòi Trung Quốc cho các phòng thử nghiệm quốc tế được xem xét mẫu bệnh của những gà vịt tại Thanh Hải, nơi loại virút H5N1 đã giết hơn 5000 con thuộc 5 loại gia cầm.
Tổ Chức Y Tế Thế Giới đòi Trung Quốc phải thử nghiệm 184 loại gia cầm khác trong vùng này, vì sợ nhiều gia cầm trông có vẻ khỏe mạnh nhưng có thể đã nhiễm virút và làm bệnh lây lan.
Theo bà Chan, việc thử nghiệm này sẽ giúp tìm biết sự tiến hóa của virút và thực hiện những quyết định về y tế.