Đường dẫn truy cập

Biểu tình trước lãnh sự quán Indonesia và Malaysia tại LA để phản đối việc phá bỏ các tấm bia tưởng niệm người tị nạn vượt biển


Tháng 6 năm nay, một tấm bia kỷ niệm do các cựu thuyền nhân Việt Nam dựng lên trên đảo Galang đã bị chính quyền Indonesia phá bỏ theo yêu cầu của chính phủ Hà Nội. Một tấm bia thứ hai do những người ty nan Việt Nam dựng lên trên đảo Bidong của Malaysia cũng có thể bị phá bỏ trong những ngày sắp tới theo yêu cầu của Hà Nội. Hôm thứ hai, hàng trăm người Mỹ gốc Việt đã tổ chức một cuộc biểu tình trước lãnh sự qúan 2 nước Indonesia và Malaysia tại thành phố Los Angeles, tiểu bang California, để bày tỏ thái độ về những sự kiện vừa nêu. Sau đây xin mời quý thính giả theo dõi tường trình của Huy Phương về cuộc biểu tình này.

Sau ngày 30 tháng tư năm 1975, không biết có bao nhiêu người đã bỏ xác trên biển cả, trong lúc họ tìm cách thoát khỏi Việt Nam trong nhiều năm tiếp theo sau đó. Chẳng ai có đủ phương tiện để làm một thống kê chính xác. Có người nói số người chết trên biển là 100 ngàn, 200 hoặc 500 năm ngàn. Có người lại nói cứ 3 người đến được các nước tự do thì có 1 người phải vùi thây dưới lòng biển.

Tháng Ba vừa qua, Nhân dịp kỷ niệm 30 năm ngày 30 tháng tư, nhiều cựu thuyền nhân Việt Nam trên thế giới đã tổ chức thành một nhóm, trở lại thăm hai hòn đảo tiêu biểu; là đảo Galang tại Indonesia và đảo Bidong tại Malaysia; vừa để cám ơn 2 nước đã cho họ đất tạm dung thân, vừa để tưởng nhớ đến những oan hồn đã bỏ mình nơi biển cả, trên đường tìm tự do.

Dịp này họ đã dựng lên tại mỗi nơi một Đài Tưởng niệm và Tri ân; mỗi đài có bề cao cao 2 mét, bề dày 15 cm, và bề ngang 1 mét, được đặt trên một bục tam cấp. Hai mặt của đài là hai tấm bia đá. Một tấm màu đen là Bia Tưởng niệm, một tấm màu trắng là bia Tri ân.

Người dân miền Nam trước đây vẫn gọi Indonesia là Nam Dương và Malaysia là Mã Lai.

Tấm bia Tri ân ở đảo Galăng của Indonesia mang những hàng chữ mà chúng tôi xin đọc nguyên văn:

“Tri ân những nỗ lực của Cao Uỷ Tỵ nạn Liên hiệp quốc, của Hội Hồng thập tự và Hội Hồng nguyệt Nam Dương cùng các tổ chức cứu trợ quốc tế khác, Chính phủ và nhân dân Nam dương cũng như các quốc gia tạm dung và các quốc gia định cư. Chúng tôi cũng tri ân hàng ngàn người đã làm việc tận lực để giúp đỡ cho người tỵ nạn Việt nam. (Ký tên:) CỘNG ĐỒNG NGƯỜI VIỆT HẢI NGOẠI, năm 2005.”

Mặt bên kia là Tấm bia Tưởng niệm, Tấm bia có Nội dung nguyên văn như sau:

“Tưởng niệm hàng trăm ngàn người Việt đã bỏ mình trên con đường đi tìm Tự do (1975-1996). Dù họ chết vì đói khát, vì bị hãm hiếp, vì kiệt sức hay vì bất cứ lý do nào khác, chúng ta thảy đều cầu nguyện để họ được yên nghỉ dài lâu. Sự hy sinh của họ sẽ không bao giờ bị lãng quên. (Ký tên:) CỘNG ĐỒNG NGƯỜI VIỆT HẢI NGOẠI, năm 2005.”

Ở phía dưới tượng đài, có khắc một bức Hình gồm có:

· Một Ngọn lửa: tượng trưng quyết tâm sắt đá của thuyền nhân cả 3 miền.
· Hai bàn tay nâng đỡ ngọn lửa: tượng trưng sự trợ giúp của quốc tế; Và
· Sóng biển: tượng trưng cho thuyền nhân và sự gian khổ của thuyền nhân.

Đài Tưởng niệm được làm bằng bê-tông cốt sắt. Ngoài hai tấm bia bằng đá mài, toàn bộ cấu trúc đều không được sơn phết hay lót gạch, tráng men, để màu tự nhiên. Mục đích của những người thiết kế là sẽ để cho tượng đài được phong trần với sương gió thời gian, giống như sự chịu đựng phong ba bão táp của thuyền nhân, vì Tự do và Hạnh phúc cho bản thân, cho con cháu và cho cả dân tộc Việt nam.

Thế nhưng vào tháng 6 vừa qua, theo lời yêu cầu của bộ Ngoại Giao ở Hanoi, chính phủ trung ương ở Jakarta đã ra lệnh cho giới chức ở đảo Galăng đục bỏ tấm bia tưởng niệm. Còn tấm bia tưởng niệm ở đảo Bidong của Malaysia cũng được lệnh đục bỏ trong những ngày tới đây.

Vì thế, hôm thứ Hai, người Việt tại miền Nam California đã tổ chức biểu tình tại thành phố Los Angeles, nơi có lãnh sự quán của Indonesia và Malaysia.

Huy Phương của Ban Việt Ngữ VOA đã phỏng vấn nhạc sĩ Nam Lộc và một số người biểu tình và có bài tường trình như sau:

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG