Đường dẫn truy cập

Trung Quốc muốn cô lập tổng thống Trần Thủy Biển


Tổng thống Trần Thủy Biển của Đài loan đang phải chật vật đối phó với những đòn tấn công của chính phủ Trung quốc nhằm thành lập một chiến tuyến thống nhất với những đối thủ chính trị của ông. Thứ sáu vừa qua, ông Trần Thủy Biển đã lên tiếng bác bỏ đề nghị của Bắc kinh nhằm mở lại cuộc đàm phán trong khuôn khổ của nguyên tắc ‘một nước, đôi bờ’ mà ông Tống Sở Du, người đứng đầu đảng Thân Dân ở Đài loan, đã đề xướng trong chuyến viếng thăm lịch sử đến Trung quốc hồi gần đây. Mời quí thính giả theo dõi thêm một số chi tiết về những diễn tiến này qua tiết mục Nhìn Về Á Châu do Duy Ái phụ trách sau đây:

Hôm thứ sáu vừa qua, trong lúc chủ tịch Tống Sở Du của Đảng Thân Dân, thuộc phe đối lập ở Đài loan, kết thúc chuyến viếng thăm lịch sử đến Trung quốc, giới hữu trách Bắc kinh cho biết là họ sẽ giảm thiểu những hạn chế đối với việc đi làm của người Đài loan ở Hoa Lục, đơn giản hóa những thủ tục xuất nhập cảnh cho du khách và thương gia Đài loan, và giảm học phí cho học sinh sinh viên Đài loan đi học ở Trung quốc. Những biện pháp vừa kể được công bố không lâu sau khi chính phủ Trung quốc quyết định không đánh thuế nhập khẩu đối với một số loại trái cây của Đài loan và đề nghị tặng cho đảo quốc này hai con gấu trúc, sau khi chủ tịch Quốc dân đảng Đài loan, ông Liên Chiến, đến thăm Bắc kinh và được Tổng bí thư Hồ Cẩm Đào của đảng Cộng sản Trung quốc tiếp kiến vô cùng trọng thể. Các nhà phân tích cho rằng những nhượng bộ vừa kể trên danh nghĩa là nhằm bày tỏ thiện chí hợp tác và tạo điều kiện thuận lợi cho nỗ lực cải thiện quan hệ giữa 2 bờ eo biển Đài loan; nhưng thật ra đây là một thủ đoạn của giới lãnh đạo Bắc kinh nhằm cô lập tổng thống Trần Thủy Biển thông qua việc thành lập một chiến tuyến thống nhất với các đối thủ chính trị của ông.

Một số nhà quan sát cũng cho rằng mưu kế của Bắc kinh đã mang lại kết quả với việc mức ủng hộ của dân chúng Đài loan dành cho đảng Dân Tiến của tổng thống Trần Thủy Biển đã bị sút giảm nhanh chóng. Theo tường thuật của nhật báo Washington Post, số ra ngày mồng 9 tháng 5, tỉ lệ ủng hộ của đảng Dân Tiến đã từ 40% hôm 20 tháng tư giảm xuống còn 33% hồi cuối tuần qua.

Một dấu hiệu khác cho thấy hiệu quả của thủ thuật chiến tuyến thống nhất của Trung quốc là sự chia rẽ trong khối người chủ trương độc lập ở Đài loan. Đảng Liên minh Đoàn kết Đài loan, một đảng có chủ trương cứng rắn hơn đảng Dân Tiến trong việc đòi độc lập chính thức cho Đài loan, đã tuyên bố rút ra khỏi các cuộc thương thuyết với đảng Dân Tiến để phản đối việc ông Trần Thủy Biển đả kích lãnh tụ tinh thần của họ là cựu tổng thống Lý Đăng Huy. Liên minh Đoàn kết Đài loan cho biết như thế hôm thứ 3, một ngày sau khi tổng thống Trần Thủy Biển công khai đả kích ông Lý Đăng Huy vì vị cựu tổng thống có lập trường thân Nhật này đã chỉ trích ông là không ra sức thúc đẩy cho Đài loan được chính thức tách khỏi Trung quốc để độc lập. Theo lời ông Trần Thủy Biển, ông Lý Đăng Huy đã có thái độ vô lý khi đòi ông phải thực hiện cho được những điều mà chính ông Lý Đăng Huy đã không thể thực hiện trong 12 năm giữ chức tổng thống. Oâng nói thêm rằng một nước chỉ có một vị tổng thống’, với ngụ ý cho rằng ông Lý Đăng Huy có ý định làm sút giảm uy thế của ông.

Trong cuộc phỏng vấn trên đài truyền hình hôm thứ hai, tổng thống Trần Thủy Biển cũng tiết lộ rằng ông đang âm thầm tiến hành kế hoạch ‘chính danh’, một kế hoạch nhằm dùng danh xưng ‘Đài loan’để thay cho danh xưng ‘Trung Hoa Dân Quốc’ mà chính phủ Đài loan vẫn xử dụng kể từ khi quân đội Quốc dân đảng của Tưởng Giới Thạch rút sang đảo quốc này năm 1949 sau khi bị phe Cộng sản của Mao Trạch Đông đánh bại ở Hoa Lục. Oâng Trần Thủy Biển nói rằng trong những chuyến công du nước ngoài hồi gần đây, ông đã đổi danh xưng của đoàn viện trợ nông nghiệp tại một nước có bang giao từ ‘Đoàn Viện trợ Trung hoa Dân quốc’ thành ‘Đoàn Viện trợ Đài loan’.

Trong lúc phải đối phó với áp lực từ những chính khách cùng nằm trong hàng ngũ những người có chủ trương độc lập, nhà lãnh đạo Đài loan còn phải ra sức ứng phó với những mưu toan tấn công, thường được gọi là tấn công hòa bình, của giới lãnh đạo ở Bắc kinh. Sau khi lần lượt tiếp kiến hai lãnh tụ của phe đối lập Đài loan, chủ tịch Hồ Cẩm Đào của Trung quốc đã lên tiếng mời ông Trần Thủy Biển sang thăm Trung quốc để bàn về việc chấm dứt tình trạng thù nghịch giữa 2 bờ eo biển Đài loan. Nhà lãnh đạo Trung quốc cũng đã chấp nhận một nguyên tắc mới, được gọi là ‘một nước hai bờ’, do ông Tống Sở Du xướng xuất, để thay cho nguyên tắc ‘một nước Trung Hoa’ mà lâu nay Trung quốc vẫn nêu ra như điều kiện tiên quyết để Bắc kinh và Đài bắc ngồi vào bàn thương thuyết.

Oâng Hồ Cẩm Đào đã bày tỏ thiện chí hòa bình như thế trong lúc sự căng thẳng trong mối quan hệ xuyên eo biển đã gia tăng đáng kể sau khi quốc hội Trung quốc thông qua đạo luật chống ly khai hồi tháng 3 vừa qua với mục đích tạo ra một cơ sở pháp lý để thực hiện cuộc xâm lăng quân sự nhắm vào Đài loan. Phát biểu hôm thứ 5 sau khi hội kiến ông Hồ Cẩm Đào, chủ tịch Tống Sở Du của đảng Thân Dân đã tỏ ý ủng hộ lập trường của Trung quốc.

Theo lời vị cựu tỉnh trưởng Đài loan này thì một cuộc xung đột quân sự giữa Đài loan và Trung quốc có thể tránh được nếu chính phủ ở Đài loan không theo đuổi mục tiêu tách khỏi Trung quốc để độc lập.

Trước khi ông Tống Sở Du đến thăm Trung quốc, tổng thống Trần Thủy Biển đã tỏ ý hậu thuẫn cho chuyến đi này và cho biết là ông Tống Sở Du có thể đóng vai của một người đưa tin giữa hai chính phủ. Tuy nhiên, sau đó ông lại lên tiếng chỉ trích điều mà ông gọi là thái độ đầu hàng của những lãnh tụ phe đối lập ở Đài loan. Oâng cũng lập lại những lời than phiền của nhiều người ở Đài loan là trong lúc đến thăm Trung quốc, hai ông Liên Chiến và Tống Sở Du đã không đề cập tới những kinh nghiệm của Đài loan trong quá trình phát triển kinh tế và dân chủ, và không khẳng định quyền tham dự của cư dân Đài loan đối với những quyết định liên quan tới vận mệnh của đảo quốc này.

Ông Trần Thủy Biển yêu cầu chính phủ ở Bắc kinh từ bỏ mưu toan chia rẽ Đài loan qua những cuộc tiếp xúc với các chính khách đối lập, mà thay vào đó, Bắc kinh cần phải trực tiếp thương thuyết với chính phủ của ông, một chính phủ được 23 triệu dân Đài loan bầu ra một cách dân chủ.

Vừa rồi là phát biểu của ông Trần Thủy Biển trong cuộc phỏng vấn trên đài truyền hình Đài loan hôm thứ 5. Oâng đã bác bỏ đề nghị thương thuyết của ông Hồ Cẩm Đào vì đề nghị đó bao gồm điều kiện tiên quyết là chính phủ ông phải chấp nhận nguyên tắc một nước Trung hoa và phải từ bỏ chủ trương độc lập.

Tuy có những mối căng thẳng về mặt chính trị, và hiện nay Trung quốc vẫn tiếp tục bố trí hàng trăm phi đạn đạn đạo nhắm vào Đài loan; nhưng mối quan hệ kinh tế và thương mại giữa đôi bên đã phát triển rất nhanh chóng trong những năm vừa qua. Trung quốc hiện nay là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Đài loan và là đối tác mậu dịch hàng đầu của đảo quốc này. Trong năm 2004, lượng mậu dịch song phương đã lên tới 61,6 tỉ đô la, tăng 33,1% so với năm 2003. Bên cạnh đó, hơn 60 ngàn xí nghiệp của Đài loan đã đầu tư vào Hoa Lục một số tiền lên đến hơn 100 tỉ đô la và theo các chuyên gia kinh tế, phần lớn sự tăng trưởng kinh tế của Đài loan trong thời gian gần đây là nhờ vào những hoạt động thương mại và đầu tư ở Trung quốc.

Về phần Hoa kỳ, là nước có mối giao tiếp khá chặt chẽ với cả hai phần đất bên bờ eo biển Đài loan, những chuyến viếng thăm của các lãnh tụ đối lập Đài loan đến Trung quốc là một diễn tiến đáng phấn khởi. Các giới chức ở Washington tỏ ý hy vọng là mối căng thẳng giữa Bắc kinh và Đài bắc có thể giảm thiểu ngõ hầu Hoa kỳ có thể tránh nguy cơ bị lôi kéo vào một cuộc xung đột quân sự ở vùng Đông Á Thái bình dương. Washington cũng đã lên tiếng hối thúc các nhà lãnh đạo ở Bắc kinh thương thuyết với tổng thống Trần Thủy Biển vì một giải pháp dài hạn cho vấn đề Đài loan chỉ có thể đạt được nếu Bắc kinh trực tiếp đàm phán với chính phủ dân cử của đảo quốc này.



Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG