Cuối tuần trước, một nhóm cựu nhân viên của hãng hàng không Pan Am đã tổ chức một buổi họp mặt để kỷ niệm 30 năm chuyến bay cuối cùng ra khỏi Việt Nam. Pan Am là hãng hàng không Mỹ cuối cùng phục vụ tuyến bay đến Việt Nam cho đến khi hãng United Airlines mở lại tuyến đi này vào tháng chạp năm ngoái. Trong Câu Chuyện Phụ Nữ kỳ này, Minh Phượng nói chuyện với hai nữ tiếp viên đã tham gia các chuyến bay chót đó, và ông Al Topping, là cựu giám đốc của hãng hàng không Pan Am tại Việt Nam trước năm 1975.
Bà Karen Ryan là một trong 9 tiếp viên của Pan Am đã tình nguyện tham gia một trong các chuyến bay chót chở các em cô nhi ra khỏi Việt Nam. Operation Babylift được thực hiện trong 3 ngày 5, 6 và 7 tháng 4 là một nỗ lực lớn được phối hợp bởi không lực Hoa Kỳ, và các công ty hàng không World Airways và Pan Am. Bà Ryan tham gia chuyến bay ngày 5 tháng 4. Bà cho biết Pan Am đã chở các em cô nhi ra khỏi Việt Nam từ một năm trước đó, nhưng các chuyến bay trước kia diễn ra rất êm thắm, các em có người lớn đi theo. Operation Babylift ngược lại là một cuộc di tản lớn với nhiều trẻ em mà chỉ có một người lớn trông coi một lúc tới hai, ba chục em. Pan Am thực hiện 2 chuyến bay vào ngày 5 tháng 4; một chuyến hạ cánh ở San Francisco, được tổng thống Gerald Ford ra đón, và chuyến mà bà Ryan tham gia đáp xuống Seattle, sau đó bay tiếp đi Chicago và New York để đưa các em đến với gia đình mới.
Bà Ryan kể rằng trái hẳn với chuyến bay vào Saigon với chiếc phản lực cơ 747 đẹp đẽ và sạch bong, lúc hạ cánh xuống phi trường, bà đã nhìn thấy những chiếc xe buýt xếp hàng với những khuôn mặt nhỏ xíu dán vào cửa sổ nhìn ra ngoài. Rồi việc chuyển các em lên phi cơ bắt đầu. Mỗi người bồng một lúc 3 hay 4 em nhỏ chuyền cho chúng tôi liên tục, chúng tôi phải tìm chỗ cho các em ngồi. Bà nói tiếp:
"Tôi hết sức kinh ngạc không ngờ lại có thể có nhiều trẻ em nhỏ, nhiều em bé sơ sinh mà không có mẹ hay người thân đi cùng. Thực là đau lòng. Tiếng ồn đinh tai nhức óc, mọi người đều la khóc, chúng tôi khóc, các em nhỏ cũng khóc... Chúng tôi đã từng xem những cảnh chiến tranh trên truyền hình, nhưng không có cảnh nào gây xúc động cho bằng khi chúng tôi vội vã chất các em nhỏ ấy lên máy bay.
Bà Ryan kể tiếp rằng sau khi hoàn thành chuyến bay, các tiếp viên đã bị cách ly trong 2 tuần lễ vì họ bị cho là đã tiếp xúc với đủ thứ bệnh tật. Bà đã trở về nhà ở với cha mẹ một thời gian. Được sự khuyến khích của mẹ, bà đã viết lại câu chuyện thương tâm đó tự đáy lòng và gửi cho tạp chí Readers' Digest. Câu chuyện được đăng trên tạp chí vào năm 1976, và bà đã nhận được thư từ khắp nơi trên thế giới, thư của những người đã nhận các em nhỏ đó làm con nuôi, thư của những cựu chiến binh, thư của những người Việt tỵ nạn... tỏ lòng tán thưởng. Nhưng mọi chuyện ngưng lại ở đó. Cuộc đời bà tiếp tục xuôi chảy, bà lập gia đình, có một con trai năm nay 21 tuổi, sống tại một trang trại ở tiểu bang Montana. Bất chợt vào năm 1999, bà nhận được một cú điện thoại của tạp chí Readers’ Digest hỏi bà có biết những đứa trẻ mà bà đã giúp đưa sang Mỹ hiện giờ ra sao. Bà đáp là lúc đó quả là bà không còn tin tức gì nữa, nhưng họ đề nghị bà viết một bài với số tiền nhuận bút là 2 ngàn đôla. Bà tìm cách liên lạc với một người đồng nghiệp cũ ở Pan Am, vì bà đã thôi việc vào năm 1978, và thế là cả một mạng lưới các tiếp viên Pan Am tiếp tay cung cấp cho bà đủ mọi thông tin và bà biết được là tất cả các em bé mồ côi trong chuyến bay Operation Babylift được cơ quan Hope International bảo trợ. Họ đã giúp bà liên lạc được với ít nhất là một em nay có tên là Kara Delahunt. Bà đã gặp cô ở Washington, hai người ôm nhau tay bắt mặt mừng và bức hình chụp chung đã được đăng trên bìa tạp chí Reader’s Digest. Bà Ryan viết lại câu chuyện cho số báo tháng 5 năm 2000, tức là kỷ niệm 25 năm ngày chiến tranh Việt Nam kết thúc. Hope International đã tổ chức một cuộc họp mặt lớn lần đầu tiên ở Baltimore, quy tụ tất cả các em được nhận làm con nuôi. Thực là một dịp vô cùng xúc động... Bà Ryan kể tiếp:
“Tất cả những đứa trẻ này gặp nhau.. năm đó tất cả các em đều 25 tuổi, chúng ôm nhau khóc, chúng đều rất biết ơn là đã được nhận làm con nuôi, nhưng không khỏi có cái cảm giác mất mát, như cây bị bứng rễ, không còn biết nguồn cội của mình. Và kể từ sau đó, những đứa trẻ này đều tham gia rất nhiều vào các sinh hoạt Á-Mỹ, giúp các viện cô nhi tại Việt Nam. Hầu hết các em đều đã trở về Việt Nam.”
Nhận định về quan hệ Việt Mỹ hiện nay, bà Karen Ryan nói:
“Tôi rất mừng là các vết thương đang lành dần, và Việt Nam đang mở cửa cho du khách, cho thương mại. Đặc biệt đáng mừng cho những trẻ mồ côi và những người Việt Nam tỵ nạn chiến tranh được trở về quê hương đi tìm nguồn gốc của mình. Nhiều cựu chiến binh Mỹ đang trở về Việt Nam để tìm cách hàn gắn vết thương lòng và đi tìm ý nghĩa của những sự việc đã xảy ra ở đó.
Với thính giả tại Việt Nam, bà Karen có lời nhắn gửi như sau:
“Tôi hy vọng các bạn sẽ không bao giờ phải trải qua những gì thế hệ trước đã phải chịu đựng. Họ đã giữ gìn được cho các bạn một đất nước có chủ quyền. Với những người lãnh đạo trong tương lai, tôi mong quý vị sẽ nghiên cứu những cái tốt, cái xấu trong chính thể các nước trên khắp thế giới và áp dụng những tinh hoa vào quốc gia đang phát triển của quý vị. Chúng tôi cầu chúc quý vị những điều tốt đẹp nhất.
Một nữ tiếp viên khác của Pan Am là bà Pamela Taylor Bà đã tham gia các chuyến bay của Pan Am ra vào Việt Nam suốt 10 năm và đã chứng kiến những thay đổi thời cuộc trong suốt thời gian chiến tranh. Bà kể lại chuyến bay cuối của bà đưa những người tỵ nạn ra khỏi Việt Nam. Bà Taylor nói rằng chuyến bay thực ra là dành riêng cho nhân viên của Pan Am, nhưng một số người tuyệt vọng đã cố gắng nài nỉ được lên máy bay trong khung cảnh hỗn loạn tại sân bay Tân Sơn Nhất.
“Thật là buồn rầu sau khi mọi người đã yên vị trên máy bay. Ai nấy đều bỗng dưng im lặng. Đó là một giây phút rất đau lòng cho mọi người phải rời bỏ quê hương mà không biết người thân của mình lưu lạc ở đâu. Không ai nói với ai câu nào. Tôi cảm thấy rất xúc động... Và khi phi cơ cất cánh, thì có người bật khóc. Mọi người đều nhìn ra cửa sổ...”
Bà Pamela nói rằng chuyến bay đó đã đến Manila, và các hành khách không có liên hệ với Pan Am được yêu cầu rời máy bay, nhưng mọi người đều sợ hãi không nhúc nhích nên cuối cùng họ đã được đưa tới đảo Guam. Khi về đến Hoa Kỳ, bà đã cố gắng kêu gọi bạn bè giúp những người đồng nghiệp của bà, cùng với những người tỵ nạn khác, nhưng bà nêu nhận xét:
“Người Việt thật là siêng năng cần cù, và chăm chỉ làm việc. Nhiều người đã làm ăn phát đạt khi đến Hoa Kỳ. Đã có rất nhiều gương thành công...”
30 năm sau, bà Pamela Taylor có ý kiến như sau về tình hình hiện nay:
“Tôi rất mừng là công nghệ trong nước phát triển và quan hệ Mỹ-Việt đã cải thiện. Tôi sung sướng nhìn thấy phẩm chất đời sống của người dân Việt Nam đã tốt đẹp hơn. Tôi cũng sung sướng được đọc về việc một số người Mỹ đã góp phần vào những công tác từ thiện như làm chân tay giả cho các nạn nhân chiến tranh... Nói chung tôi mong bang giao ngày càng tốt đẹp hơn nữa.”
Nhưng bà ngỏ lời tâm nguyện như sau:
“Tôi chưa thấy một quốc gia nào theo chế độ cộng sản đạt được thành công, vì vậy tôi thực tâm hy vọng người dân Việt sẽ có một nền dân chủ trong tương lai.”
Ông Al Topping là cựu giám đốc hãng hàng không Pan Am ở Việt Nam trước năm 1975. Ông là chủ tịch ủy ban kế hoạch tổ chức cuộc họp mặt các cựu nhân viên Pan Am nhân dịp kỷ niệm 30 năm chiến tranh Việt Nam kết thúc. Theo ông Topping, cuộc họp mặt lần này quy tụ hơn 300 người. Ông đã gặp lại một số người đã không gặp từ 30 năm nay. Mọi người đều rất xúc động. Ông nhắc lại ấn tượng đáng ghi nhớ nhất về chuyến bay chót ra khỏi Việt Nam vào tháng tư năm 1975:
“Điều tôi nhớ nhất là tình hình lúc đó rất gay go. Đó là lúc có thể xảy ra bất cứ chuyện gì vào bất cứ khi nào, những sự việc mà ta không tính được. Tôi biết là chúng tôi không thể nào có khả năng chở tất cả những người muốn rời khỏi Việt Nam, nhưng điều tôi quan tâm nhất là đưa nhân viên của chúng tôi và gia đình họ đi được. Tôi vẫn ước là có thể chở nhiều người hơn, ngoài nhân viên của chúng tôi, ngay đến lúc này 30 năm sau, tôi vẫn ước có thể đưa nhiều máy bay hơn để chở hết những người muốn ra đi.”
Nhưng ông Al Topping đã có dịp trở lại Việt Nam 2 lần và có nhận xét về bộ mặt mới của Việt Nam như sau:
“Tôi nghĩ mọi chuyện ở Việt Nam đang có vẻ rất tốt đẹp. Có rất nhiều công trình xây dựng, khách sạn mới cấp quốc tế, cao ốc văn phòng. Khu chợ Saigon cũ nay khang trang nhộn nhịp với đủ các cửa hàng kinh doanh các loại, dân chúng tấp nập... Tôi đi chơi golf ở một sân mới, tôi không bị ăn mày đeo theo làm phiền như hồi 1975...”
Được hỏi ông muốn nói gì với thính giả nghe đài, ông Topping trả lời:
“Tôi muốn nói với họ rằng họ có một đất nước xinh dẹp tuyệt vời. Đất nước này có rất nhiều tiềm năng và đã lôi cuốn rất nhiều du khách. Họ chỉ cần tiếp tục đi theo hướng hiện nay vì mọi chuyện có vẻ đang diễn tiến tốt đẹp.”
Quý vị vừa nghe Minh Phượng nói chuyện với 2 phụ nữ Mỹ từng làm tiếp viên cho hãng hàng không Pan Am ở Việt Nam trước năm 1975 và cựu giám đốc Pan Am tại Việt Nam nhân dịp kỷ niệm 30 năm kết thúc chiến tranh Việt Nam.