Tang lễ Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolo đệ nhị được cử hành với sự tham dự của cả trăm nhà lãnh đạo thế giới và được cả tỷ người trên khắp hành tinh theo dõi qua đài truyền hình. Tại Hoa Kỳ, cờ đã được treo rủ suốt tuần tại các cơ quan chính phủ. Trong Câu Chuyện Phụ Nữ sau đây, Minh Phượng tóm lược bài viết của các biên tập viên Barbara Klein và Maura Farrelly của đài TNHK về sự kiện này, cùng với nhận định của người công giáo Hoa Kỳ về tương lai của giáo hội.
Tòa Bạch Ốc đã ra lệnh treo cờ rủ suốt tuần tại tất cả các cơ quan chính phủ Hoa Kỳ để tỏ lòng tôn kính Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolo đệ nhị. Cờ rủ mang ý nghĩa cả nước thương tiếc trước cái chết của một nhân vật quan trọng trong nước. Nhưng việc Hoa Kỳ treo cờ rủ để tỏ lòng tôn kính một nhân vật tôn giáo, và không phải là người Mỹ, là một sự kiện bất thường. Phái viên Barbara Klein đã nêu vấn đề với ông Whitney Smith, giám đốc trung tâm nghiên cứu quốc kỳ.
Hoa Kỳ là một quốc gia rất đa dạng về tôn giáo. Ông có cho rằng việc này đặt ra một tiền lệ cho các nhân vật tôn giáo khác, các nhà lãnh đạo tôn giáo qua đời hay không?
Tôi nghĩ rằng có lẽ là không, bởi vì nhiều lý do. Người đứng đầu giáo phái Jain ở Ấn Độ chẳng hạn, là một nhân vật tối ư quan trọng đối với các tín đồ của ông, có thể lên tới nhiều triệu người, nhưng đến 99,9% công chúng Mỹ không biết đến ông ấy. Và theo tôi, thì khó lòng mà ông ấy có thể được hưởng sự tôn kính như Đức Giáo Hoàng. Còn nhiều người khác như thế nữa. Tôi cho rằng chỉ còn một người khác có thể cũng được cái danh dự đó là Đức Đạt Lai Lạt Ma. Nhưng khi nói đến các nhân vật phi tôn giáo ở Hoa Kỳ thì chỉ có một nhóm rất ít có thể được hưởng sự tôn kính như vậy."
Việc cờ được treo rủ suốt tuần lễ như thế có phải là điều bất thường hay không?
Có. Bởi vì theo quy định về treo cờ, được quốc hội thông qua và gồm một số những hướng dẫn những điều phải làm, luật định trong đa số trường hợp, đối với các nhân vật trong chính phủ Hoa Kỳ, cờ được treo rủ trong khoảng thời gian ngắn hơn nhiều.
Ông Whitney Smith là giám đốc Trung Tâm Nghiên Cứu Quốc Kỳ ở Winchester, thuộc tiểu bang Massachusetts, cho biết người Mỹ đã treo cờ rủ để tưởng nhớ người quá cố ngay từ khi vị tổng thống đầu tiên, ông George Washington, từ trần năm 1799. Truyền thống này đã có từ thế kỷ thứ 17. Sổ sách trên các tầu bè cho thấy khi có người chết thì theo tục lê, các cánh buồm được hạ xuống, dây neo được buông, và cờ không được căng để để biểu hiện cái chết đã gây đảo lộn trật tự đời sống con người như thế nào.
Trong khi một tỷ con chiên công giáo thương tiếc cái chết của Đức giáo hoàng, nhiều người đang cứu xét những thách thức mà người kế vị đức giáo hoàng sẽ phải đối phó, cùng với những vấn đề sẽ phải giải quyết. Đức giáo hoàng Gioan Phaolo đệ nhị đã có một chủ trương mà nhiều người cho là "bảo thủ" đối với các vấn đề của giáo hội trong suốt thời kỳ ngài trị vì. Tuy họ ca ngợi công đức của Đức giáo hoàng, nhưng nhiều người công giáo ở Mỹ đang kêu gọi người kế nhiệm ngài thực hiện một số thay đổi cơ bản trong nội bộ giáo hội.
Vấn đề mà các cơ quan truyền thông quốc tế quan tâm ngay lúc này là liệu giáo hội có bầu một vị giáo hoàng không phải là người Âu châu đầu tiên trong 1500 năm nay hay không. 3 phâàn tư tín đồ Thiên chúa giáo nay sống ở bên ngoài châu Âu, và các chuyên gia cho rằng có thể có khả năng vị giáo hoàng sắp tới có thể là một người Phi châu hay châu Mỹ Latinh. Nhưng dù cho vị giáo hoàng mới có xuất thân từ nước nào đi chăng nữa, thì ngày vẫn phải ứng phó với tình trạng thiếu linh mục -- nhất là ở phương tây, một tình trạng mà một số giáo dân công giáo Mỹ cho là đã đạt tới mức khủng hoảng. Linh mục Mark Massa là người đứng đầu trung tâm Curran nghiên cứu về công giáo Mỹ ở trường đại học Fordham. Ông nói rằng giáo hội đã phải ứng phó với tình trạng thiếu linh mục ở các nước được gọi là "thế giới thứ nhất" như Hoa Kỳ bằng cách phải nhập các linh mục từ thế giới thứ ba.
Để giải quyết vấn đề trong đoản kỳ, đó không phải là một giải pháp xấu. Nhưng có rất nhiều vấn đề tiềm ẩn trong giải pháp đó. Đó là đưa những người không được giáo dục trong nền văn hóa ở đây, với những khả năng văn hóa khác biệt. Đó không phải là một câu đáp dài hạn cho những gì phải giải quyết cho vấn đề nhân viên giáo xứ.
Nhiều giáo dân đồng ý như vậy. Trong khi đợi con bên ngoài một trường học công giáo ở New York, bà Kathleen Harris có vài ý kiến về cách giải quyết vấn đề không có đủ các buổi thánh lễ và thiếu linh mục.
Tôi nghĩ giáo hoàng nên cho phép những người có gia đình được làm linh mục, và tôi cho rằng đó không phải là một vấn đề, và như vậy sẽ giải quyết được nhiều việc.
Cho phép các linh mục kết hôn không phải là giải pháp duy nhất mà các giáo dân Mỹ đề nghị. Bà Josephine Lauriello nói rằng vị giáo hoàng sắp tới phải xét lại tình trạng của phụ nữ trong giáo hội.
Tương lai - cũng như quá khứ - của giáo hội đã thực sự liên kết với phụ nữ. Và tôi phỏng chừng... Tôi không biết đã đến lúc nên để cho phụ nữ làm linh mục hay chưa, nhưng tôi cho là họ có thể đóng một vai trò nào đó -- làm chủ lễ ban thánh thể hay gì đó chẳng hạn.
Hai phụ nữ vừa kể không phải là những trường hợp khác thường, theo một cuộc thăm dò mới đây của hãng thông tấn AP. 60% những người theo đạo Thiên chúa được thăm dò nói rằng giáo hội cần thay đổi các chính sách để phụ nữ có thể làm linh mục, và nên cho phép các linh mục kết hôn. Tỷ lệ này tăng 20% so với năm 1979, là lúc Đức giáo hoàng Gioan Phaolồ đệ nhị được bầu lên. Khi đó, một cuộc thăm dò của viện Gallup cho thấy chỉ có 40% số người được thăm dò tán thành việc cho phụ nữ thụ phong linh mục. Ngay cả như vậy, linh mục Mark Massa nói rằng giáo dân và các nhà lãnh đạo Thiên chúa giáo Hoa Kỳ trên thực tế còn bảo thủ hơn giáo dân ở các nước tây phương khác.
Lậy chúa tôi, quý vị biết đấy, Hà Lan, Đức, Pháp... người công giáo ở các nước đó đi trước người Mỹ rất nhiều khi nói đến việc xét lại cung cách tái thiết giáo hội. Ý tôi muốn nói là, nếu nói theo danh từ chính trị, thì các giám mục người Hà Lan còn khuynh tả nhiều hơn các giám mục người Mỹ. Đây không phải là một vấn đề ở bắc Mỹ. Chắc chắn đây là một vấn đề chung cho thế giới thứ nhất.
Nhưng liệu vị giáo hoàng mới có là người của thế giới thứ nhất hay không thì linh mục Mark Massa cho rằng người cũng phải cứu xét các phương pháp khác nhau để giải quyết tình trạng thiếu linh mục mà giáo dân ở thế giới thứ nhất đã nêu ra.
Bởi lẽ đây là những vấn đề mà giáo hội công giáo bắc Mỹ đã đề ra, và rõ ràng là vị giáo hoàng sắp tới sẽ đưa vào nghị trình. Bởi vì thế giới thứ nhất, và cụ thể là Hoa Kỳ, quan trọng đến mức không thể để cho sụp đổ được. Ý là nói chung, thviệc củng cố một giáo hội công giáo mạnh ở bắc Mỹ đem lại lợi ích tốt nhất cho Vatican.
Nói như vậy, linh mục Massa tiên đoán là giáo hội sẽ cho phép các linh mục được kết hôn trước khi để cho phụ nữ được thụ phong linh mục. Trên thực tế, các linh mục có gia đình hiện nay đã cử hành các thánh lễ trong nhà thờ công giáo. Nếu một mục sư Tin Lành có gia đình muốn cải sang đạo Thiên Chúa, thì ông vẫn được phép gia nhập hàng giáo phẩm - và không phải từ bỏ hôn nhân để làm điều đó.