Tổng Thống Hoa Kỳ nói rằng đã đến lúc Hoa Kỳ và châu Âu gác lại những bất đồng và mở ra một kỷ nguyên mới về đoàn kết giữa 2 bên bờ Đại Tây Dương. Từ thủ đô của Bỉ, Thông Tín Viên Paula Wolfson tường trình về chặng dừng chân đầu tiên của Tổng Thống Hoa Kỳ trong chuyến đi 5 ngày tại châu Âu.
Tổng Thống Hoa Kỳ đã tỏ cử chỉ hòa giải với các nhà lãnh đạo châu Âu qua chuyến đi nước ngoài đầu tiên trong nhiệm kỳ thứ nhì của ông.
Trong cố gắng tìm cách hàn gằn những sứt mẻ do chiến tranh Iraq gây ra, ông Bush nhấn mạnh đến nhu cầu cần bỏ qua một bên những điểm dị biệt và mở ra một giai đoạn hợp tác.
Đó là chủ đề chính trong bài diễn văn của ông tại Concert Noble, tòa nhà sang trọng được xây từ thế kỷ thứ 19, nằm tại trung tâm thành phố đang có đặt bản doanh của liên minh quân sự NATO và bản doanh của Liên Hiệp Châu Âu.
Tòa Bạch Ốc ngụ ý rằng bài diễn văn này muốn nhắm tời toàn thể nhân dân châu Âu, và trong phần mở đầu Tổng Thống Bush nói rằng châu Âu và Hoa Kỳ cần phải sát cánh với nhau:
Tình hữu nghị thân thiết của chúng ta rất quan trọng cho hòa bình và phồn vinh trên toàn cầu. Không một sự tranh luận có tính cách giai đoạn nào, không một sự bất đồng trong quá khứ nào giữa các chính phủ, không một sức mạnh nào trên trái đất có thể chia rẽ chúng ta.
Ông Bush nói rằng các cuộc tranh cãi trước đây đã tan biến và Hoa Kỳ muốn hợp tác với một châu Âu vững mạnh để hoàn thành các mục tiêu lớn, bắt đầu bằng mục tiêu mang lại hòa bình cho Trung Đông.
Sau những vấp váp lúc ban đầu, sau những hy vọng không thành tựu và những sinh mạng đã bị cướp đi; giải pháp cho cuộc tranh chấp giữa Israel và Palestine bây giờ đang ở trong tầm tay.
Nhưng ông nói rằng hòa bình trong khu vực Trung Đông rộng lớn hơn là chỉ giải quyết cuộc tranh chấp lâu nay giữa Israel và Palestine. Ông kêu gọi Syri rút quân khỏi Libăng, Iran từ bỏ tham vọng hạt nhân để thực thi cải cách, và ông kêu gọi châu Âu ủng hộ những bước tiến đến dân chủ tại Iraq.
Quốc gia nào cũng có lợi ích khi Iraq trở thành quốc gia tự do và dân chủ, chống lại khủng bố, trở thành nguồn cảm hứng về tự do, một tấm gương về ổn định trong khu vực.
Tổng Thống Hoa Kỳ không đào sâu những va chạm bắt nguồn từ việc khởi động cuộc chiến Iraq cách nay gần 2 năm. Thay vào đó, ông kêu gọi châu Âu nên hướng về tương lai và hãy ủng hộ Iraq, quốc gia mà ông gọi là quốc gia dân chủ mới nhất của thế giới.
Một số quốc gia châu Âu tham gia cuộc chiến giải phóng Iraq trong lúc có những quốc gia không tham gia. Nhưng đối với những ai biết nhận ra sự can đảm, thì họ hẳn đã thấy điều đó nơi nhân dân Iraq.
Vào ngày thứ Ba, Tổng Thống Hoa Kỳ sẽ thảo luận tình hình Iraq một cách bao quát hơn khi ông gặp lãnh đạo liên minh quân sự NATO và Liên Hiệp Châu Âu. Không ai trông đợi sẽ có một bước khai thông quan trọng nào sau các cuộc gặp mặt này, mặc dù NATO rất có thể dùng dịp này để loan báo thỏa thuận chính thức, là 25 thành viên của họ sẽ giúp huấn luyện Lực lượng an ninh của Iraq, và một phần nào của thỏa thuận này đã bắt đầu được thi hành.
Có nhiều đề tài được mang ra thảo luận lần này, từ toàn bộ khu vực Trung Đông cho tới vấn đề môi trường hoặc ý định của các nước châu Âu muốn bán vũ khí trở lại cho Trung Quốc. Nhưng tiêu điểm của chuyến đi lần này rõ ràng là hàn gắn bất đồng giữa 2 bên bờ Đại Tây Dương, cả 2 bên đều tỏ ý cho thấy họ muốn tìm một giải pháp để hướng về phía trước.
Vì thế chuyến đi này sẽ đặt nặng phần âm điệu của những lời lẽ, thay vì thực chất, nhất là trong lúc ông Bush nói chuyện với những người chỉ trích cuộc chiến Iraq mạnh mẽ nhất.
Theo chương trình, tối thứ Hai, ông Bush sẽ tổ chức buổi ăn tối riêng với Tổng Thống Pháp ông Jacques Chirac, người chống đối chiến tranh Iraq lớn tiếng nhất tại Liên Hiệp Quốc. Qua đến thứ Tư, ông Bush sẽ gặp Thủ Tướng Đức Gerhard Schroeder tại Đức, và thứ Năm ông sẽ gặp Tổng Thống Nga Vladimir Putin tại Cộng Hòa Slovakia.
Trong bài diễn văn tại Bruxelles, ông Bush nói rằng ông tin rằng trong tương lai nước Nga sẽ là thành viên của cộng đồng châu Âu, nhưng ông nói thêm điều đó có trở thành hiện thực hay không, thì cũng còn tùy theo Nga có những chính sách như thế nào về nhân quyền và tự do cho người dân.
Chúng ta thừa nhận tự do không thể có trong một sớm một chiều. Tuy nhiên, chúng ta nên luôn luôn nhắc nhở nước Nga rằng liên minh giữa chúng ta đi kèm với tự do báo chí, bắt cuộc phải có đối lập sinh động, chia sẻ quyền lực, và chế độ pháp quyền.
Ông đề nghị Hoa Kỳ và châu Âu phải xem cải cách dân chủ là trọng tâm mỗi khi đối thoại với nước Nga.
Sau khi đọc bài diễn văn quan trọng tại Bruxelles, Tổng Thống Hoa Kỳ và Tổng Thống Pháp đã dùng cơm với nhau vào tối thứ Hai. Bữa cơm đã diễn ra tại đại sứ quán Mỹ ở Bruxelles.
Trước khi vào bàn ăn, hai ông đều đưa ra những phát biểu tích cực. Tổng Thống Bush nói rằng ông rất vui khi gặp Tổng Thống Pháp và nhấn mạnh đến ý nghĩa của lần gặp mặt này, cho rằng lần gặp mặt rất quan trọng cho cá nhân ông và cho Hoa Kỳ.
Để đáp lại, Tổng Thống Chirac nhìn nhận có những khác biệt về Iraq nhưng quan hệ 2 nước nói chung vẫn tốt đẹp, giống như đã tung tốt đẹp trong suốt 2 thế kỷ qua, bởi vì 2 nước có chung những lý tưởng.
Sau bữa cơm, 2 ông đã đưa ra lời kêu gọi quân đội nước ngoài cần phải rút khỏi Libăng, để Libăng cần phải được thoát khỏi sự thống trị của ngoại bang. Hai ông cũng lên án vụ sát hại cưu Thủ Tướng Libăng cách nay một tuần.
Trong lúc bữa cơm diễn ra, đã có mấy ngàn người biểu tình bên ngoài đại sứ quán Mỹ tại Bruxelle, họ lớn tiếng phản đối các chính sách của Tổng Thống Bush.