Đường dẫn truy cập

Kinh tế và tình hình nhân quyền tại Việt Nam


Kinh tế Việt Nam trong năm 2004 đã đạt được những thành quả đáng kể và tiếp tục duy trì mức tăng trưởng cao hàng thứ nhì ở Á châu, sau Trung quốc. Bên cạnh đó, nỗ lực giảm nghèo của giới hữu trách Hà nội cũng được các chuyên gia phát triển quốc tế nhiệt liệt khen ngợi, và theo lời người đại diện Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam, quốc gia theo chủ nghĩa Cộng sản này có lẽ là nước duy nhất trên thế giới đã đạt được thành quả khả quan như vậy trong công tác giảm thiểu tỉ lệ người nghèo trong nước. Mời quí thính giả theo dõi một số chi tiết về việc này cùng với tình hình nhân quyền ở Việt Nam hiện nay trong tiết mục Nhìn Về Á Châu do Duy Ái phụ trách sau đây:

Theo các số liệu được trình bày tại phiên họp của chính phủ Việt Nam trong hai ngày 27 và 28 tháng 12 vừa qua: trong năm 2004 kinh tế Việt Nam đã đạt được những thành quả rất khả quan, với tỉ lệ tăng trưởng GDP lên tới 7,6 %. Đây là tỉ lệ tăng trưởng cao nhất trong 3 năm qua, và Việt Nam tiếp tục chiếm giữ vị thế của quốc gia có tốc độ tăng trưởng nhanh vào hàng thứ nhì ở Á châu, sau Trung quốc.

Trị giá các mặt hàng xuất khẩu trong năm vừa qua cũng lên cao tới mức kỷ lục là 26 tỉ đô la, một phần là nhờ vào việc giá dầu thô tăng mạnh và số hàng xuất khẩu sang thị trường Mỹ gia tăng nhanh chóng. Một số liệu khác đáng chú ý là phần đóng góp của khu vực kinh tế tư nhân vào tăng trưởng GDP đã từ 36,6% trong năm 2000 tăng lên đến khoảng 42% trong năm vừa qua. Những thành quả vừa kể đã thu hút sự chú tâm của nhiều nhà quan sát tình hình Á châu, và tiến bộ kinh tế của Việt Nam đã bắt đầu được một số chính phủ trong khu vực nêu lên như một yếu tố để thúc đẩy doanh nghiệp nước họ ra sức cải thiện khả năng cạnh tranh.

Tại một cuộc hội thảo ở Bangkok hồi trung tuần tháng 12 vừa qua, phó thủ tướng Thái lan, ông Pinji Jarusombat nói rằng: kinh tế Thái lan sẽ bị thua sút Việt Nam trong vòng 5 năm tới nếu các kỹ nghệ gia ở vương quốc này không nhanh chóng thay đổi cung cách làm việc và chú trọng nhiều hơn tới việc đầu tư vào công tác giáo dục, đào tạo. Theo nhận xét của ông Klaus Rohland, Giám đốc Quốc gia của Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam, Việt Nam đã phát triển nhiều hơn rất nhiều so với 3 nước còn lại trong nhóm 4 nước kém phát triển của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á.

Tường thuật hôm thứ 5 của hãng thông tấn UPI trích lời ông Rohland nói rằng: lâu nay, nhiều người vẫn nghĩ là khối Asean chia thành 2 nhóm, trong đó có 6 nước phát triển hơn và 4 nước kém phát triển; nhưng lối phân chia này đã không còn hợp thời nữa. Lý do là vì Việt Nam đã tiến vào một nhóm riêng, nhờ vào những thành tựu khả quan của kinh tế Việt Nam trong khoảng thời gian từ 10 đến 15 năm qua. Bài tường thuật của UPI cho biết: người đại diện Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam cũng đã không tiếc lời ca ngợi những nỗ lực của giới hữu trách Hà nội trong lãnh vực giảm nghèo.

Phái viên Sonia Kolesnikov-Jessop trích lời ông Rohland nói rằng tỉ lệ nghèo túng ở Việt Nam đã từ 58% trong năm 1993 giảm xuống còn khoảng 25%, và xét trên cơ sở của một quốc gia có thu nhập bình quân đầu người 500 đô la một năm thì đây là một thành tựu rất quan trọng, và Việt Nam có lẽ là quốc gia duy nhất trên thế giới đạt được một thành quả như vậy. Tuy tiếp tục đạt được những tiến bộ rất đáng kể về mặt kinh tế, nhưng trong năm 2004 Việt Nam lại bị tụt hậu thêm nữa trong lãnh vực nhân quyền.

Theo bản phúc trình thường niên của tổ chức Human Rights Watch về tình hình nhân quyền thế giới, tình trạng nhân quyền vốn đã tệ hại ở Việt Nam đã trở nên tệ hại hơn trong năm 2004. Bản phúc trình được phổ biến hôm thứ năm vừa qua cho biết: chính phủ ở Hà nội đã thẳng tay trấn áp những người công khai chỉ trích đảng Cộng sản hoặc những ai đưa ra những lời kêu gọi thực hiện dân chủ đa nguyên hoặc đòi hỏi nhà chức trách tôn trọng quyền tự do báo chí.

Theo nhận xét tổng quát của tổ chức nhân quyền có trụ sở ở New York này, những người bất đồng ý kiến với chính phủ ở Việt Nam đã bị sách nhiễu, bị cô lập, bị giam lỏng, và trong nhiều trường hợp, họ còn bị truy tố về các tội hình sự và bị cầm tù. Ngoài ra, chính phủ Việt Nam vẫn tiếp tục xem tất cả những hoạt động tôn giáo không được giới hữu trách cho phép thực hiện, đặc biệt là những hoạt động mà họ e là sẽ thu hút nhiều tín đồ, là có thể có mưu đồ lật đổ chính quyền. Những thành phần bị giới hữu trách đặc biệt nhắm tới để trấn áp là các thành viên của Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất và những người thuộc các sắc dân thiểu số theo đạo Tin lành ở vùng cao nguyên trung phần và bắc phần.

Bản phúc trình của Human Rights Watch cho biết thêm rằng: các cơ quan truyền thông đại chúng ở Việt Nam tiếp tục nằm dưới sự khống chế nghiêm nhặt của chính phủ, và các ký giả tuy đã được phép tường thuật về những vụ tham nhũng của các viên chức chính quyền nhưng họ vẫn bị cấm không được trực tiếp chỉ trích đảng Cộng sản.

Bên cạnh đó, một số các nhân vật bất đồng chính kiến và những người hoạt động cho dân chủ đã bị bắt bớ và truy tố về những tội hình sự, kể cả tội làm gián điệp và những tội danh không rõ ràng là phương hại đến an ninh quốc gia, chỉ vì những người đó đã chỉ trích chính phủ một cách ôn hòa hoặc đã lên tiếng kêu gọi thực thi cải cách đa đảng. Ngoài ra, chính phủ ở Hà nội vẫn tiếp tục áp dụng những luật lệ cho phép nhà chức trách thực hiện biện pháp giam lỏng một cách tùy tiện, mà họ gọi là ỏquản chế hành chánhõ, không cần có sự chấp thuận trước của cơ quan tư pháp, đối với tất cả những ai bị nghi là đe dọa đến an ninh quốc gia.

Theo ghi nhận của Human Rights Watch, hồi tháng 7 năm 2004, một nhân vật tranh đấu cho dân chủ kỳ cựu là Bác sĩ Nguyễn Đan Quế đã bị tuyên án 30 tháng tù về tội ỏlạm dụng quyền tự do dân chủõ chỉ vì ông đã viết và cho phổ biến trên internet một bài tham luận bàn về sự kiểm duyệt thông tin của nhà nước. Bên cạnh bác sĩ Nguyễn Đan Quế, giới hữu trách Việt Nam còn tuyên án tù cho nhiều người từng phổ biến trên Internet những bài viết chỉ trích chính phủ, trong đó có các ông Phạm Hồng Sơn, Lê Chí Quang, Nguyễn Khắc Toàn, Nguyễn Vũ Bình, Phạm Quế Dương, và Trần Khuê.

Ngoài những hành động trấn áp quyền tự do ngôn luận, giới hữu trách Hà nội cũng tiếp tục chà đạp tự do tín ngưỡng. Theo phúc trình của Human Rights Watch, sự trấn áp nhắm vào Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất đã có dấu hiệu giảm bớt hồi đầu năm 2003 khi lệnh quản thúc Hòa thượng Thích Quảng Độ được thu hồi và thủ tướng Phan Văn Khải đến thăm Tăng Thống Thích Huyền Quang.

Tuy nhiên đến tháng 10 năm 2003, hai nhà lãnh đạo vừa kể cùng với 11 tăng ni cao cấp khác trong giáo hội lại bị nhà chức trách giam lỏng; và những mối căng thẳng đã gia tăng hồi tháng 11 vừa qua khi giới hữu trách ngăn không cho Hòa Thượng Quảng Độ từ Sài Gòn đi Bình Định để thăm Tăng Thống Huyền Quang đang lâm bệnh nặng.

Ngoài ra, giới hữu trách Việt Nam đang giam cầm ít nhất 10 người Hmong theo đạo Tin lành ở 2 tỉnh Lai Châu và Hà Giang. Hơn 124 người Thượng theo Cơ đốc giáo tiếp tục thọ án tù vì những liên hệ với các hoạt động của giáo hội hoặc những vụ biểu tình hoặc tìm cách trốn sang Kăm Pu Chia xin tị nạn. 6 tín đồ thuộc giáo hội Tin lành Mennonites đã bị tuyên án tù sau phiên xử nửa ngày diễn ra vaò tháng 11 vừa qua vì can tội gọi là "gây cản trở cho công việc của nhân viên công lực". Và có ít nhất 4 thành viên giáo hội Công giáo, trong đó có Linh mục Nguyễn Văn Lý, cũng đang bị giam cầm vì họ đã chỉ trích thành tích nhân quyền của chính phủ Việt Nam hoặc đã phân phát các ấn phẩm và thực hiện những khóa huấn luyện về tôn giáo.

Theo bản phúc trình của Human Rights Watch, các quốc gia và tổ chức cấp viện cho Việt Nam tiếp tục cam kết những khoản viện trợ to lớn cho Việt Nam trong năm 2004 nhưng họ cũng tỏ ra quan tâm hơn trước đối với việc chính phủ Việt Nam giam cầm những người bất đồng chính kiến, đàn áp tự do bày tỏ ý kiến và tự do tôn giáo, và xử lý không thích đáng những vụ biểu tình của người Thượng trong vùng Tây Nguyên.

Hồi tháng 6 năm ngoái, quốc gia viện trợ nhiều nhất cho Việt Nam là Nhật bản đã thay đổi lập trường và loan báo rằng các khoản viện trợ phát triển chính thức dành cho Việt Nam sẽ tùy thuộc một phần vào việc chính phủ ở Hà nội có tôn trọng nhân quyền và có hành động tiến tới dân chủ hay không.

Tại hội nghị thượng đỉnh Á-Âu tổ chức ở Hà nội hồi tháng 10 vừa qua, Ngoại trưởng Hà Lan đã đại diện Liên hiệp Âu châu để yêu cầu chính phủ Việt Nam trả tự do cho tất cả các tù nhân chính trị và tôn giáo. Tháng 9 vừa qua, Bộ Ngoại giao Hoa kỳ cũng đã chính thức liệt kê Việt Nam vào danh sách các nước "cần đặc biệt quan tâm" về tự do tôn giáo.

Theo luật lệ hiện hành của Hoa kỳ, ngày 15 tháng 3 tới đây là thời hạn chót để giới hữu trách ở Washington quyết định về việc có nên loại Việt Nam ra khỏi danh sách đó hay không, hay sẽ phải áp dụng các biện pháp chế tài.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG