Đường dẫn truy cập

Nhà xuất bản Giấy Vụn được trao giải Tự do Xuất bản quốc tế


Nhóm Mở Miệng chủ trương nhà xuất bản Giấy Vụn, nhà xuất bản độc lập tại Việt Nam vừa được Internationl Publishers Association trao tặng giải Freedom to Publish 2011 tại Hội sách Quốc tế tại Buenos Aires, Argentina. Từ trái: Bùi Chát, Khúc Duy, Lý Đợi, và
Nhóm Mở Miệng chủ trương nhà xuất bản Giấy Vụn, nhà xuất bản độc lập tại Việt Nam vừa được Internationl Publishers Association trao tặng giải Freedom to Publish 2011 tại Hội sách Quốc tế tại Buenos Aires, Argentina. Từ trái: Bùi Chát, Khúc Duy, Lý Đợi, và

“Trong những điều kiện cực kỳ khó khăn, nhà xuất bản Giấy Vụn đã khởi xướng một phong trào của những nhà suy nghĩ tự do [free thinkers], nhà cầm bút tự do, nghệ sĩ tự do từ chối đường lối chỉ đạo sáng tác của nhà nước. Nó đã giúp phá đổ các rào cản của kiểm duyệt. Nhà xuất bản này và người sáng lập đã, với công lao khó nhọc, khơi lại niềm tin vào quyền tự do ngôn luận và tự do xuất bản nơi thế hệ mới của đất nước.” -- Bjorn Smith-Simonsen, chủ tịch Ủy ban Freedom to Publish Prize, International Publishers Association

“Hy vọng giải thưởng sẽ là một kích thích tố đáng kể cho phong trào phát triển ngành xuất bản độc lập và xã hội dân sự tại Việt Nam.” – Nhà thơ Bùi Chát, phát biểu trong buổi lễ nhận giải ngày 25 tháng 4, 2011, tại Hội Sách Quốc Tế tại Buenos Aires, Argentina

Đánh dấu năm thứ sáu kể từ khi thiết lập giải thưởng Tự do Xuất bản - Freedom to Publish Prize, Hiệp hội Các Nhà Xuất bản Quốc tế - International Publishers Association (IPA) trụ sở đặt tại Geneva, Thụy Sĩ đã chọn nhà thơ Bùi Chát và nhà xuất bản Giấy Vụn do anh và một nhóm trẻ chủ trương tại Việt Nam để vinh danh lòng can đảm vì đã tiếp tục, trong 10 năm qua, xuất bản các sách bị cấm mặc dù điều kiện sinh hoạt khó khăn và môi trường kiểm duyệt khắt khe của chính phủ Việt Nam Cộng sản, theo thông báo của văn phòng Freedom to Publish thuộc IPA.

Được biết lễ trao giải đã diễn ra ngày 25 tháng 4 vừa qua tại Buenos Aires, Argentina, trong ngày khai mạc Hội sách Quốc tế kỳ thứ 37 do tổ chức United Nations Educational, Scientific and Cultural Organization (UNESCO) bảo trợ với sự tham dự của nhiều tổ chức quốc tế trong đó có IPA. Năm nay, Buenos Aires được chọn để tổ chức hội sách này trong khuôn khổ chương trình World Book Capital thường niên của thành phố Buenos Aires.

“Sau gần 10 năm tranh đấu bền bĩ, nhà xuất bản do Bùi Chát sáng lập đã tạo nên một phong trào xuất bản độc lập tại Việt Nam,” Ông Bjorn Smith-Simonsen, chủ tịch Ủy ban Quyền Tự do Xuất bản của IPA, đã phát biểu trong buổi lễ trao giải. “Trong những điều kiện cực kỳ khó khăn, nhà xuất bản Giấy Vụn đã khởi xướng một phong trào của những nhà suy nghĩ tự do [free thinkers], nhà cầm bút tự do, nghệ sĩ tự do từ chối đường lối chỉ đạo sáng tác của nhà nước. Nó đã giúp phá đổ các rào cản của kiểm duyệt. Nhà xuất bản này và người sáng lập đã, với công lao khó nhọc, đã khơi lại niềm tin vào quyền tự do ngôn luận và tự do xuất bản nơi thế hệ mới của đất nước. Họ đã giúp thăng tiến ý thức về quyền con người căn bản nơi các đồng hương của họ: đó là quyền tự do tư tưởng, tự do sáng tạo, tự do xuất bản và tự do đọc mà không sợ bị đàn áp. Vì tất cả những thứ vừa kể, hôm nay tại Thủ đô World Book 2011 ở Buenos Aires cộng đồng xuất bản quốc tế xin vinh danh nhà xuất bản can đảm này.” (Xem bản thông cáo của IPA)

Nhận giải thay mặt cho độc giả, đồng nghiệp, thân hữu và những người hỗ trợ Giấy Vụn, Bùi Chát, tác giả tập thơ “Bài thơ một vần – One-rhyme Poems”, đã phát biểu tại hội sách Buenos Aires. “Sách có khả năng đem lại tự do cho thế giới, tự do cho người xuất bản, cho độc giả và cho những ai thảo luận về những điều mà sách vở đem tới cho họ. Chúng tôi hy vọng giải thưởng này sẽ là một kích thích tố đáng kể cho phong trào phát triển ngành xuất bản độc lập và xã hội dân sự tại Việt Nam.”

Nhà xuất bản Giấy Vụn do một nhóm nhà thơ trẻ sinh ra và lớn lên tại Việt Nam sau ngày lịch sử 30 tháng 4, 1975, có tên là “Mở Miệng”, thành lập năm 2002 để xuất bản những tập sách không qua hệ thống kiểm duyệt đầy tính chỉ đạo của chính phủ Việt Nam Cộng Sản. Tự nhận là “các nhà thơ vỉa hè”, họ đã dùng một chữ chuyên môn chỉ một công đoạn trong việc chặt hạ một cây gỗ của ngành lâm sản, “Mở Miệng”, để đặt tên cho nhóm, có nghĩa là dùng cưa, rìu hay búa tạ đẽo một phần của thân cây để mở miệng nhằm tạo một hướng đổ chính cho cây. Nhà xuất bản Giấy Vụn do Bùi Chát điều hành, với sự cộng tác về chuyên môn của các thành viên như Lý Đợi, Khúc Duy, Nguyễn Quán và một số người khác muốn ẩn danh. Cho tới nay, bằng phương tiện photocopy, Giấy Vụn đã xuất bản khoảng 25 đầu sách.

Một nhà thơ sinh sống tại Hoa Kỳ, khi nghe tin Giấy Vụn được chọn trao giải IPA-Freedom to Publish, đã hỏi: “Được cái giải của IPA có nghĩa là có quyền in ấn tự do thật sự ở Việt Nam hay không? Vì cái giải này đâu có do Việt Nam cấp.”

“Giải thưởng này không có tác dụng kích thích sự tự do xuất bản tại VN, có khi còn ngược lại. Nhưng cứ hi vọng là sẽ tốt hơn chút đỉnh,” nhà thơ Lý Đợi, 33 tuổi, giải thích từ Sài Gòn qua điện thư.

Nhưng anh hy vọng cũng nhờ có được giảỉ thưởng này mà Giấy Vụn sẽ có thể xin được mã số ISBN - International Standard Book Number, “vì trước đây, họ cần chứng minh sự hiện diện của mình tại VN.” Mã số này rất quan trọng đối với các nhà xuất bản, vì đây là một bằng chứng về sự hiện diện của nhà xuất bản. Nhiều tác giả, cũng như các thư viện công cộng và tại các trường đại học trên thế giới, cả những cơ sở phát hành sách trên Internet, đều đòi sách phải có mã số này mới thu nhận. (Muốn tìm hiểu thêm về IBSN, xin tham khảo http://www.isbn.org/standards/home/isbn/us/isbnqa.asp)

“Xin ISBN làm cho sách có thể đi vào các thư viện đại học và lưu trữ quốc tế, vài nơi xin sách nhưng không có mã này thật khó lưu trữ,” Lý Đợi, tác giả tập thơ “Khi Kẻ Thù Ta Buồn Ngủ - When Our Enemy Falls Asleep”, giải thích tiếp. “Có những bản thảo tốt muốn in, nhưng nghĩ đến việc thiếu mã số cũng thấy tiếc, trong khi phần lớn các nhà xuất bản tại VN đã có mã số này, kể từ đầu năm 2011, trong khi Giấy Vụn xin từ năm 2008 mà không được.”

“Giải thưởng [IPA Freedom to Publish] chứng minh cho cơ quan [cung cấp mã số, Bowker Bar Code Service] đặt tại Anh quốc thấy rằng Giấy Vụn có mặt tại VN, điều ấy là cơ sở để xin cấp mã số,” Lý Đợi nói tiếp: “Đường huớng của Giấy Vụn không phải là kinh doanh, mà là tìm kiếm những tác phẩm (mà chúng tôi thiết nghĩ) sẽ có lợi cho cộng đồng. Chúng tôi hoạt động theo nguyên tắc bất vụ lợi.”

Hỏi về dự tính tương lai, Lý Đợi cho biết: “Giấy Vụn sẽ cứ đi chầm chậm như vậy. Sẽ cố gắng tìm kiếm những bản thảo tốt để in ấn.”

Hiệp Hội Các Nhà Xuất Bản Quốc tế là một tố chức đại diện cho tất cả mọi khía cạnh của ngành xuất bản sách và tạp chí. Được thiết lập từ năm 1896, tôn chỉ của hiệp hội là phổ biến, bảo vệ ngành xuất bản và gây ý thức về ngành này như một đóng góp vào công cuộc phát triển kinh tế, văn hoá và chính trị. Hiệp hội cũng chủ trương tranh đấu chống lại kiểm duyệt và bảo vệ tác quyền, việc đọc và viết và quyền tự do xuất bản. Trong quá khứ IPA đã lên tiếng phản đối việc nhà cầm quyền Cộng sản Việt Nam đã bắt giữ các nhà bất đồng chính kiến, như Lê Đình Nhân, Lê Thị Công Nhân, Nguyễn Văn Đại, LM Nguyễn Văn Lý, Trần Khải Thanh Thủy và Trần Quốc Hiển; về chế độ kiểm duyệt khe khắt; và về việc đóng cửa nhà xuất bản Đà Nẵng ba tháng vào năm 2009 vì đã xuất bản cuốn “Rồng Đá” của Vũ Ngọc Tiến và Lê Mai.

Các tác giả đã từng được giải Freedom to Publish của IPA gồm có: Shalah Lahiji, nhà xuất bản thuộc Iran, tại hội sách Göteborg Book Fair, Thụy Điển, năm 2006; Trevor N’cube, nhà xuất bản thuộc Zimbabwe, tại Cape Town Book Fair, Nam Phi, năm 2007; Ragıp Zarakolu, nhà xuất bản gốc Thổ Nhĩ Kỳ, trong khoá hội thảo quốc tế về kiểm duyệt thời hiện đại tổ chức tại hội sách ở Amsterdam, 2008; giải 2009 về tay ba nhà sáng lập ra tổ chức Observatory for the Freedom of the Press, Publishing and Creation thuộc Tunisia, gồm Sihem Bensedrine, Neziha Rjiba and Mohamed Talbi; và giải năm ngoái, 2010, về tay Israpil Shovkhalov, tổng thư ký, và Viktor Kogan-Yasny, chủ nhiệm tạp chí Dosh Magazine thuộc Chechnya, tại hội sách Istanbul Book Fair. Hai giải đặc biệt cũng đã được trao cho hai cố tác giả Anna Politkovskaya (Nga) và Hrant Dink (Thổ Nhĩ Kỳ/Armenia). (TD, 04/2011)

XS
SM
MD
LG