Việc nhà thơ Bùi Chát, người sáng lập và điều hành nhà xuất bản Giấy Vụn tại Sài Gòn, được Hiệp hội các Nhà xuất bản Quốc tế (The International Publishers Association, viết tắt là IPA) chọn để trao giải Tự Do Xuất bản năm 2011, một lần nữa, khẳng định tầm vóc và ảnh hưởng lớn lao của nhà xuất bản ngoài luồng này.
Thật ra, ở Việt Nam hiện nay có không ít nhà xuất bản ngoài luồng. Được biết nhiều nhất là các nhà xuất bản: Cửa của họa sĩ Trịnh Cung và nhà văn Nguyễn Viện, Lề Bên Trái của nhà văn Đào Hiếu, Tùy Tiện của nhà thơ Bỉm, Minh Châu của nhà thơ Đoàn Minh Châu, Da Vàng của nhà thơ Huỳnh Lê Nhật Tân, Một Mình của nhà văn Cung Tích Biền, Mũi Tên của nhà thơ Liêu Thái, v.v… Tuy nhiên, thứ nhất, tất cả các nhà xuất bản này đều xuất hiện sau Giấy Vụn; và thứ hai, thường chỉ để tự xuất bản sách của người sáng lập, do đó, số lượng đầu sách rất hiếm, có khi chỉ có một, họa hoằn hơn mới có nhà xuất bản in được năm ba cuốn. Là hết.
Giấy Vụn, ngược lại, có quy mô lớn hơn hẳn. Có lẽ lớn nhất trong tất cả các nhà xuất bản chui ở Việt Nam từ trước đến nay.
Bắt đầu hoạt động từ năm 2002, với đứa con đầu lòng là tập thơ Vòng tròn sáu mặt của sáu tác giả (Bùi Chát, Khúc Duy, Lý Đợi, Trần Văn Hiến, Hoàng Long và Nguyễn Quán), đến nay, Giấy Vụn đã in được gần 30 đầu sách. Nhiều nhất là thơ, đặc biệt của các nhà thơ trong nhóm Mở Miệng (chủ yếu bao gồm hai người: Lý Đợi và Bùi Chát; giai đoạn đầu còn có sự tham gia, với mức độ vừa phải, của Khúc Duy và Nguyễn Quán) và những người đồng thanh tương ứng với họ, kể cả một nhà thơ nổi tiếng ở hải ngoại: Đinh Linh (với tập Lĩnh đinh chích khoái, xuất bản năm 2007). Hai nhà thơ có tác phẩm được xuất bản nhiều nhất cũng là hai người đứng đầu nhóm Mở Miệng và nhà xuất bản Giấy Vụn: Lý Đợi (ba cuốn: Bảy biến tấu con nhện, 2003; Trường chay thịt chó, 2005; Khi kẻ thù ta buồn ngủ / When our enemy falls asleep – thơ song ngữ Anh Việt, 2010) và Bùi Chát (năm cuốn: Xáo chộn chong ngày, 2003; Cái lồn bỏ đi & những bài thơ chửi rủa [bới, lộn], 2004; Tháng tư gãy súng, 2005; Xin lỗi chịu hổng nổi, 2007; và Bài thơ một vần/One-rhyme poems – thơ song ngữ Anh Việt, 2009) (1). Ngoài thơ sáng tác, Giấy Vụn còn in một số tác phẩm văn xuôi (như Lĩnh nam tạp lục của Vương Văn Quang, 2005; Luận ngữ tân thư của Phạm Lưu Vũ, 2007; Lạc đường của Đào Hiếu, 2008; Viết của Bùi Hoàng Vị, 2011) và một số tác phẩm dịch, trong đó, đáng kể nhất là cuốn Trại súc vật của George Orwell (do Phạm Minh Ngọc dịch, 2010) và Việt Nam – hành trình một dân tộc của Philippe Papin (do Nguyễn Khánh Long dịch, 2011).
Không những in nhiều và có tính đa thể loại, Giấy Vụn dường như có tham vọng tự khẳng định mình như một nhà xuất bản chuyên nghiệp đường đường chính chính dù, dĩ nhiên, không được giấy phép của chính phủ Việt Nam. Tham vọng ấy thể hiện rõ ở cách trình bày sách của họ. Cuốn nào cũng cung cấp đầy đủ các thông tin thường thấy trên sách chính thức và chính thống, như: nhóm chủ trương (Mở Miệng), người chịu trách nhiệm xuất bản (thường là Bùi Chát), người phát hành (thường là Lý Đợi), người trình bày bìa, người đọc lại bản thảo, hình thức in (thường là photocopy), năm tháng phát hành, bản quyền (thường thuộc tác giả và nhà xuất bản Giấy Vụn), và cuối cùng, nơi nộp lưu chiểu (thường được ghi một cách đầy vẻ trang trọng: “nộp bản lưu cho tổ lưu trữ La Hán Phòng” – La Hán Phòng, thật ra, chỉ là căn phòng nhỏ xíu nơi hai nhà thơ Lý Đợi và Bùi Chát ở trọ!).
Những thông tin ấy cho thấy: Giấy Vụn là một nhà xuất bản chui nhưng không lén. Họ hoạt động công khai và sẵn sàng chịu trách nhiệm về các hoạt động của mình.
Điều này cũng cho thấy một đặc điểm khác của Giấy Vụn: Họ có chủ trương rõ ràng và rất dứt khoát. Người khác có thể tự lập nhà xuất bản để in tác phẩm của chính mình như một trò đùa. Cho vui. Một lần rồi thôi. Với họ, tác phẩm là chính; cái gọi là nhà xuất bản chỉ là phụ. Giấy Vụn, ngược lại, có hẳn một lập trường riêng.
Lập trường về chính trị: từ chối, thậm chí, thách thức lại sự kiểm duyệt của nhà nước để tự hiện hữu như một đối trọng của hệ thống xuất bản chính thống do nhà nước kiểm soát từ đầu đến cuối. Ừ, nhà nước có nhà xuất bản; họ cũng có nhà xuất bản. Ừ, sách do nhà nước xuất bản có người chịu trách nhiệm, có bản quyền, có ngày và nơi nộp lưu chiểu; họ cũng có tất cả những thứ ấy. Lập trường ấy được Bùi Chát tóm tắt khi nói về nhóm Mở Miệng: “Mở Miệng trước hết là một thái độ phản ứng lại lối sinh hoạt máy móc của 1 cơ chế văn nghệ hết sức suy đồi, sau nữa là cách làm nghệ thuật của những người mang tinh thần tự do.”
Ngoài ra, Giấy Vụn còn có lập trường về nghệ thuật. Ở nhiều cuốn sách, dưới tên nhà xuất bản Giấy Vụn, có dòng chữ: “Cơ quan xuất bản chính yếu của văn chương vỉa hè”. Riêng sách của Bùi Chát và Lý Đợi thì thường có thêm các phụ đề: “thơ rác”, “thơ dơ”, hoặc “thơ nghĩa địa”. Những từ “vỉa hè’, “rác” hoặc “nghĩa địa” được dùng như những bổ ngữ của “thơ” hoặc “văn chương” như thế gắn liền với những chủ trương nghệ thuật vốn được nhóm Mở Miệng công khai tuyên bố từ lâu. Nói như Lý Đợi, họ “không muốn lệ thuộc vào hệ quy chiếu của những quan niệm” hiện đại hay lãng mạn vốn rất phổ biến và còn giữ vai trò thống trị, gần như độc tôn, ở Việt Nam. Với họ, “thơ nhiều khi chỉ là chuyện gây hấn, một chút hài hước, một cú sốc nhận thức, thậm chí là một trò đùa vui nơi bàn nhậu, chẳng kém phần nhảm nhí.”
Lập trường về nghệ thuật của nhóm Mở Miệng là một vấn đề thú vị nhưng hết sức phức tạp. Nó đã được nhiều người phân tích (2). Tôi xin tạm gác vấn đề này vào một dịp khác. Ở đây, tôi chỉ muốn nêu lên một nhận định: Sách của nhà xuất bản Giấy Vụn, nói chung, bao giờ cũng có chất lượng thật cao.
Trước hết, về hình thức: dù chỉ xuất bản dưới hình thức photocopy và được đóng tập một cách rất ư thủ công, nhưng cuốn sách nào của Giấy Vụn cũng đẹp. Đẹp từ cách trình bày bìa đến cách chọn giấy, chọn phông chữ và chọn tranh minh họa. Giới thiệu tập thơ Bài thơ một vần (One-rhyme Poems) của Bùi Chát do Giấy Vụn xuất bản, blogger Nhị Linh (tức dịch giả Cao Việt Dũng) nhận định: “một quyển sách đủ đẹp để làm ghen tị toàn bộ hệ thống xuất bản Việt Nam từ trong nước đến ngoài nước, từ chính thống đến ngoài luồng.” Rồi anh viết thêm: “Dường như Bùi Chát và Giấy Vụn làm được một điều cực kỳ khó trong in sách: chỉ in những gì thật đẹp.”
Sách của Giấy Vụn còn có chất lượng cao ở nghệ thuật, đặc biệt nghệ thuật thơ: Tập thơ nào cũng thể hiện, ở góc độ nào đó và với mức độ nào đó, một nỗ lực khám phá và sáng tạo. Riêng của Lý Đợi và Bùi Chát thì có khá nhiều bài đặc sắc và gây tranh luận, có khi khá dữ dội, trên nhiều diễn đàn khác nhau.
In nhiều và in đẹp; phần lớn chỉ in sách hay và táo bạo về cả ngôn ngữ lẫn nghệ thuật và tư tưởng, không có gì đáng ngạc nhiên khi thấy Giấy Vụn, trong gần mười năm qua, đã có nhiều ảnh hưởng và gây được một tiếng vang rất lớn.
Ảnh hưởng trong sinh hoạt: Nó khuyến khích, hoặc nếu không, cũng gợi hứng và gợi ý cho một loạt các nhà xuất bản chui khác. Ảnh hưởng trong thái độ: cổ vũ việc thẳng thắn từ chối thỏa hiệp với kiểm duyệt và hệ thống xuất bản giáo điều của nhà nước. Ảnh hưởng trong tư tưởng mỹ học: chủ trương một lối thơ ít nhiều chịu ảnh hưởng của chủ nghĩa hậu hiện đại vốn ngờ vực các đại tự sự, các biểu tượng và ẩn dụ cổ điển, tính chất trữ tình hay ý niệm về cái “tôi” cũng như các quy phạm truyền thống về cái gọi là “thơ” hay “ngôn ngữ thơ”, đề cao các thủ pháp lắp ráp, nhại và giễu nhại trong sáng tác, v.v...
Còn tiếng vang?
Thì đã rõ. Ở Việt Nam, từ trước đến nay, không hề có nhà xuất bản chui nào nổi tiếng như Giấy Vụn cả. Chui, nhưng nó lại được nhiều người, ít nhất trong giới cầm bút, biết và nhắc nhở không thua kém các nhà xuất bản công khai và chính thức.
Tiếng vang của Giấy Vụn còn tràn cả ra ngoài biên giới Việt Nam. Ở đoạn mở đầu bài này, tôi có viết: “Việc nhà thơ Bùi Chát, người sáng lập và điều hành nhà xuất bản Giấy Vụn tại Sài Gòn, được Hiệp hội các Nhà xuất bản Quốc tế (The International Publishers Association, viết tắt là IPA) chọn để trao giải Tự Do Xuất bản năm 2011, một lần nữa, khẳng định tầm vóc và ảnh hưởng lớn lao của nhà xuất bản ngoài luồng này.” Nói “một lần nữa” là nói: việc khẳng định ấy đã có rồi. Trong quá khứ.
Ít nhất là hai lần: Một lần, vào năm 2008, khi Bùi Chát, đại diện nhà xuất bản Giấy Vụn, được Hiệp hội các Nhà xuất bản Quốc tế mời tham dự Đại hội thứ 28 được tổ chức tại Seoul trong ba ngày, từ 12 đến 15 tháng 5, với nhiều tên tuổi lớn khác như Orhan Pamuk (Nobel Văn học năm 2006), Yoshinobu Noma (Phó chủ tịch Bộ xuất bản Nhật bản), Sheila Copps (Nguyên Phó Thủ tướng Canada), và Eugene Schoulgin (Thư ký Hội văn bút Quốc tế), v.v... Lần thứ hai, Bùi Chát, cũng đại diện cho nhà xuất bản Giấy Vụn, được Trung tâm văn học Literaturwerkstatt tại Berlin, dưới sự tài trợ của Bộ Ngoại giao Đức, mời “giao lưu” với đồng nghiệp quốc tế cũng như với độc giả tại Đức.
Lần này, với giải thưởng Tự Do Xuất Bản năm 2011, là lần khẳng định thứ ba: công việc thầm lặng nhưng đầy dũng cảm của nhà xuất bản Giấy Vụn đã được thế giới ghi nhận.
***
Chú thích:
1. Không kể các tập thơ họ in chung với những người khác.
2. Ví dụ hai bài viết “Vài nhận định về nhóm Mở Miệng” và “Tản mạn đôi chút với bài thơ ‘Vô địch’ của Bùi Chát” của Như Huy; đặc biệt bài “‘Ta, một công dân ô nhục bậc nhất, một thánh nhân nát rượu…’ — Thơ và Lề trong xã hội Việt Nam đương đại” của Đoàn Cầm Thi trên Tiền Vệ.