Nạn dịch HIV/AIDS đã xuất hiện ở châu Á từ cách đây hơn 20 năm, tuy nhiên, cho tới giờ sự kỳ thị và phân biệt đối xử với những người nhiễm căn bệnh thế kỷ này vẫn còn đó, khiến cho nhiều người bệnh, đặc biệt là phụ nữ, không dám đối diện với sự thật, không dám công khai bệnh tình của mình. Họ thường giấu diếm tình trạng bệnh tật, mặc cảm không dám tiếp xúc với cộng đồng, không hợp tác với các chương trình phòng, chống AIDS và không dám tìm đến các dịch vụ tư vấn cũng như các cơ sở điều trị bệnh.
Sự im lặng của những người nhiễm HIV/AIDS tồn tại ở khắp nơi làm cho nạn dịch HIV/AIDS càng trở nên khó kiểm soát hơn.
Để phá vỡ đi sự im lặng đó, Amazin Le Thi đã khởi sự dự án mang tên Asia Alive Project (AAP).
Chắc hẳn nhiều người sẽ ngạc nhiên khi biết Amazin Le Thi, một tên tuổi gốc châu Á nổi tiếng trong làng thể hình và giải trí lại chuyển sang hoạt động trong lĩnh vực HIV/AIDS.
Amazin cho biết, trong một lần sang thăm Việt Nam, cô đã gặp một người phụ nữ tên là Phạm Thị Huệ, người bị nhiễm HIV từ chồng và đã phải hứng chịu sự phân biệt đối xử và kỳ thị của xã hội, nhưng thay vì mặc cảm, chị đã dũng cảm công khai về căn bệnh của mình và đã đứng ra giúp chăm sóc cho hơn 200 trẻ em bị nhiễm HIV/AIDS ở ngôi làng của chị. Câu chuyện cảm động của chị Huệ đã khiến Amazin liên hệ tới chính cuộc đời mình. Cô nói:
“Tôi sinh ra trong nghèo khó, Mẹ tôi bỏ lại tôi tại một cô nhi viện ở Việt Nam. Tôi đã nhìn lại cuộc đời mình và nhận ra rằng có một vấn đề nổi cộm về buôn bán tình dục ở châu Á, về bất bình đẳng giới và về bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em. Tôi chắc chắn rằng nếu tôi vẫn còn ở lại Việt Nam hay châu Á, ở nơi mà tôi đã bị bỏ lại thì tôi có thể cũng đã bị phô nhiễm với HIV và có thể đã không dám lên tiếng hay nhờ đến sự giúp đỡ, có thể đã phải chịu cảnh bị chối bỏ, bị kỳ thị và cô lập. Tôi đã may mắn có được cơ hội thứ hai, mặc dù tôi biết có nhiều người đã không được may mắn như tôi. Chính vì vậy, với vị thế của tôi hiện giờ tôi có thể giúp tạo nên một tác động tích cực trong việc thay đổi thái độ và ý niệm về HIV. Tác động không chỉ dừng lại ở việc thay đổi giá trị, thay đổi ý niệm và thái độ mà còn giúp cứu mạng sống của con người nữa.”
Một sự kiện khác mà Amazin tham dự đã càng thôi thúc cô phải hành động để nâng cao nhận thức về HIV/AIDS trong cộng đồng châu Á. Đó là lần cô tham dự một buổi từ thiện của trường Đại học Stanford khi cô nhận thấy cộng đồng châu Á lâu nay vẫn chưa thảo luận hay đề cập nhiều đến vấn đề HIV/AIDS trên các phương tiện truyền thông và nếu cộng đồng tiếp tục giữ im lặng thì sự kỳ thị, sự phân biệt đối xử sẽ vẫn tồn tại. Cô nhận ra rằng với tư cách là người của công chúng cô có thể dùng ảnh hưởng của mình để qui tụ tiếng nói của những nhân vật nổi tiếng của châu Á và bạn bè họ trong làng giải trí để khuyến khích mọi người thảo luận cởi mở hơn về HIV/AIDS, bởi cô cho rằng tiếng nói của họ sẽ tạo nên một sự thay đổi tích cực trong cộng đồng châu Á trên khắp thế giới.
Amazin cho cho biết điểm khác biệt của Asia Alive Project so với các dự án về HIV/AIDS khác là đây không phải sáng kiến để vận động gây quĩ.
“Tôi tìm cách nâng cao nhận thức bằng các phương tiện khác, đó là một chiến dịch truyền thông độc đáo và một bộ phim tài liệu nói về tác động của HIV/AIDS đối với cộng đồng châu Á. Vì vấn đề này vẫn còn bị coi là một điều kiêng kị và không nhiều người trong cộng đồng châu Á nhận thấy rằng HIV/AIDS là một vấn đề đang tồn tại trong cộng đồng chúng ta, nên chúng ta chưa nói nhiều đến bệnh dịch này.”
Bộ phim tài liệu cũng sẽ lồng ghép hình ảnh của những người đang chung sống với HIV để chứng tỏ rằng họ vẫn có thể sống một cuộc đời bình thường và là một phần của cộng đồng. Bộ phim sẽ được dàn dựng bởi đạo diễn nổi tiếng John Akomfrah, người từng giành được hơn 20 giải thưởng phim tài liệu quốc tế, và sẽ được trình chiếu ở châu Á, Hoa Kỳ, châu Âu và Australia.
Về dài hạn, dự án Asia Alive Project dự kiến sẽ có thêm hoạt động tài chính vi mô để hỗ trợ cho những người bị nhiễm HIV/AIDS trong cộng đồng châu Á:
“Mục đích của AAP trong tương lai là chúng tôi đang tính tới hoạt động tài chính vi mô cho những người bị nhiễm HIV, đặc biệt là ở những nước đang phát triển, bởi rất khó cho những người bị xã hội phân biệt đối xử và bị cô lập để họ có thể tự mình tồn tại, tự mình có đủ khả năng tài chính để mua thuốc men v.v. Vì vậy, tôi hy vọng trong tương lai tôi sẽ có thể cung cấp cho họ những khoản tài chính vi mô để họ có thể có một cuộc sống độc lập và khởi sự công việc kinh doanh của chính mình và từ đó họ có thể giúp những người khác trong cộng đồng, những người cũng phải chung sống với HIV/AIDS.”
Amazin nói rằng nhiệm vụ này vô cùng to lớn nhưng mọi sự hỗ trợ dù nhỏ bé cũng sẽ giúp cô thành công và cô hy vọng sự đóng góp của cô sẽ khuyến khích mọi người khác cùng chung tay chống lại kẻ giết người thầm lặng này.
Amazin Le Thi sinh ra ở Sài Gòn và được nhận làm con nuôi trong một gia đình người Mỹ. Amazin bắt đầu bước chân vào ngành công nghiệp giải trí khi mới 5 tuổi với cây đàn violin. Cô bắt đầu luyện tập thể hình khi mới 6 tuổi và sau đó trở thành huấn luyện viên thể hình và quyền anh khi còn rất trẻ. Cô cũng là tác giả của những cuốn sách về luyện tập hình thể, được xuất bản ở nhiều nơi trên thế giới, như: Total Strength Training For Women; Bodywise: Home Workout; Free-Weight Training. Cô đã từng xuất hiện trong nhiều chương trình truyền hình, trong các bộ phim của Hollywood như Bridget Jones Diary 2, Closer, Charlie và the Chocolate Factory.
Mời quí vị tìm hiểu thêm về dự án Asia Alive Project tại địa chỉ: http://www.asiaaliveproject.com.
Amazin Le Thi, một cô gái mồ côi gốc Việt, một nữ lực sĩ thể hình nổi tiếng trong làng thể hình gốc châu Á, tác giả của những cuốn sách về rèn luyện hình thể cho phụ nữ và là người đã từng xuất hiện trong các bộ phim của Hollywood cũng như các show truyền hình, mới đây đã khởi sự một sáng kiến nhằm nâng cao nhận thức của công chúng về nạn dịch HIV/AIDs, dự án mang tên Asia Alive Project.