Đường dẫn truy cập

NATO dường như ​​sẽ né lời kêu gọi nhanh chóng mời Ukraine gia nhập


Ngoại trưởng Ukraine Andrii Sybiha.
Ngoại trưởng Ukraine Andrii Sybiha.

NATO khó có thể đáp ứng lời kêu gọi của Ukraine về lời mời gia nhập tại cuộc họp vào ngày 3/12, theo các nhà ngoại giao, làm tiêu tan hy vọng của Kyiv về một động lực chính trị trong khi nước này đang chật vật trên chiến trường và chờ đợi ông Donald Trump trở lại Nhà Trắng.

Trong một lá thư gửi cho những người đồng cấp NATO trước cuộc họp, Ngoại trưởng Ukraine Andrii Sybiha nói rằng lời mời sẽ xóa bỏ một trong những lập luận chính của Nga về việc tiến hành chiến tranh, cụ thể là việc ngăn cản Ukraine gia nhập liên minh.

Nhưng không có dấu hiệu nào cho thấy có sự đồng thuận cần thiết giữa 32 thành viên NATO để đưa ra quyết định như vậy tại cuộc họp của các bộ trưởng ngoại giao tại Brussels, các nhà ngoại giao nói, cho biết với điều kiện giấu tên.

Nói về cuộc họp, Tổng thư ký NATO Mark Rutte hôm 3/12 cho biết rằng liên minh đang nỗ lực "xây dựng cầu nối" để Ukraine gia nhập. Nhưng ông cho biết rằng vấn đề cấp bách nhất là cung cấp cho Kyiv nhiều vũ khí hơn để đẩy lùi lực lượng Nga.

"Cuộc họp trong hai ngày tới sẽ tập trung rất nhiều vào cách thức để đảm bảo rằng Ukraine, bất cứ khi nào quyết định tham gia đàm phán hòa bình, sẽ đàm phán từ vị thế mạnh mẽ", ông nói. "Và để đạt được điều đó, điều quan trọng là phải bơm thêm viện trợ quân sự vào Ukraine".

Ông Rutte cho biết ông hoan nghênh các thông báo gần đây về việc Hoa Kỳ, Đức, Thụy Điển, Estonia, Litva và Na Uy sẽ viện trợ quân sự nhiều hơn cho Ukraine. Hôm 2/12, Hoa Kỳ đã công bố một gói vũ khí mới cho Ukraine trị giá 725 triệu USD.

Bộ ngoại giao Ukraine hôm 3/12 nói rằng họ sẽ không chấp nhận bất kỳ điều gì ngoài tư cách thành viên NATO, trích dẫn một hiệp ước cách đây 30 năm, theo đó họ từ bỏ vũ khí hạt nhân để đổi lấy sự đảm bảo an ninh từ các cường quốc nhưng điều này không bao giờ trở thành hiện thực.

"Với kinh nghiệm cay đắng của Bản ghi nhớ Budapest đã qua, chúng tôi sẽ không chấp nhận bất kỳ sự thay thế nào cho tư cách thành viên đầy đủ của Ukraine trong NATO", Bộ này cho biết trong một tuyên bố.

Ukraine coi tư cách thành viên NATO là sự đảm bảo tốt nhất cho an ninh tương lai của mình. Theo Điều 5 của hiệp ước phòng thủ chung của NATO, các thành viên đồng thuận rằng một cuộc tấn công vào một nước là một cuộc tấn công vào tất cả các thành viên và dẫn tới sự hỗ trợ lẫn nhau.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskyy đã gợi ý hôm 29/11 trong một cuộc phỏng vấn trên Sky News rằng việc đưa lãnh thổ hiện do chính phủ của ông kiểm soát "vào chiếc ô của NATO" sẽ ngăn chặn "giai đoạn nóng" của cuộc chiến.

Bình luận của ông Zelenskyy được đưa ra khi Ukraine phải đối mặt với một mùa đông khắc nghiệt trên chiến trường, khi binh sĩ của Moscow tiến về phía đông và các cuộc không kích của Nga nhắm vào mạng lưới năng lượng đang gặp trắc trở của nước này.

Mặc dù NATO tuyên bố Ukraine sẽ gia nhập hàng ngũ thành viên của mình và con đường gia nhập NATO của nước này là "không thể đảo ngược", nhưng liên minh này vẫn chưa đưa ra lời mời hoặc đặt ra mốc thời gian cho tư cách thành viên của Kyiv.

Bất kỳ quyết định nào như vậy sẽ phụ thuộc trước hết vào cường quốc thống trị của NATO, tức Hoa Kỳ, vì vậy nó sẽ sớm trở thành vấn đề của ông Trump, khi ông trở lại với tư cách là tổng thống Mỹ vào tháng tới.

Ông Trump đã chỉ trích quy mô viện trợ của Hoa Kỳ cho Kyiv và cho biết ông sẽ chấm dứt chiến tranh trong một ngày. Nhưng ông vẫn chưa đưa ra kế hoạch chi tiết về cách thức ông sẽ giải quyết xung đột.

Một số thành viên NATO, chẳng hạn như Hungary, đã công khai lên tiếng phản đối việc Ukraine gia nhập liên minh. Các nhà ngoại giao cho biết rằng một số thành viên khác, bao gồm cả chính phủ Hoa Kỳ và Đức hiện tại, đã ra tín hiệu rằng họ không nghĩ thời điểm này là thích hợp.

Diễn đàn

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG