Một quan chức môi trường Afghanistan hôm 1/12 nói rằng nước này phải được phép tham gia các cuộc đàm phán về khí hậu toàn cầu trong tương lai, sau khi trở về từ COP29 ở Baku, nơi các quan chức Taliban tham dự lần đầu tiên.
Phái đoàn Afghanistan được mời với tư cách là "khách" của nước chủ nhà Azerbaijan, chứ không phải là một bên tham gia trực tiếp vào các cuộc đàm phán.
Đây là lần đầu tiên một phái đoàn Afghanistan tham dự, kể từ khi Taliban lên nắm quyền vào tháng Tám năm 2021, sau khi không nhận được lời mời tham dự hai COP (Hội nghị các bên về khí hậu) trước đây được tổ chức tại Ai Cập và Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất.
"Afghanistan phải tham gia các hội nghị như vậy trong tương lai", ông Matiul Haq Khalis, lãnh đạo Cơ quan Bảo vệ Môi trường Quốc gia Afghanistan, phát biểu tại một cuộc họp báo hôm 1/12.
Ông mô tả sự tham dự của Afghanistan vào tháng trước tại các cuộc thảo luận là một "thành tựu lớn".
"Chúng tôi tham gia hội nghị năm nay để có thể lên tiếng về những vấn đề mà đất nước đang phải đối mặt, về nhu cầu của người dân, chúng tôi phải chia sẻ những điều đó với thế giới".
Ông cho biết rằng phái đoàn Afghanistan đã họp với "19 tổ chức và chính phủ khác nhau", bao gồm cả các phái đoàn từ Nga, Qatar, Azerbaijan và Bangladesh.
Afghanistan là một trong những quốc gia dễ bị ảnh hưởng nhất bởi tình trạng nóng lên toàn cầu, mặc dù có lượng khí thải rất ít, và chính quyền Taliban lập luận rằng sự cô lập về chính trị đối với họ không nên ngăn cản họ tham gia các cuộc đàm phán quốc tế về khí hậu.
Chính phủ đã áp dụng một phiên bản khắc nghiệt của luật Hồi giáo Sharia kể từ khi nắm quyền, hạn chế nghiêm ngặt sự tham gia của phụ nữ vào đời sống công cộng, điều Liên Hợp Quốc coi là "sự phân biệt đối xử về giới tính".
Trong số những quốc gia nghèo nhất thế giới sau nhiều thập kỷ trải qua chiến tranh, Afghanistan đặc biệt phải chịu tác động của tình trạng biến đổi khí hậu, mà các nhà khoa học nói rằng đang dẫn tới hiện tượng thời tiết khắc nghiệt bao gồm hạn hán kéo dài, lũ lụt thường xuyên và năng suất nông nghiệp giảm sút.
Liên Hợp Quốc cũng đã kêu gọi hành động để giúp Afghanistan gây dựng khả năng chống chịu và để đất nước này tham gia vào các cuộc đàm phán quốc tế.
Các nước phát triển đã cam kết cung cấp 100 tỷ đô la tài trợ về khí hậu mỗi năm đến năm 2025 để giúp các nước đang phát triển chuẩn bị ứng phó với những tác động ngày càng trầm trọng của khí hậu và dần dần loại bỏ nhiên liệu hóa thạch khỏi nền kinh tế.
Diễn đàn