Đường dẫn truy cập

Nga trục xuất 6 nhà ngoại giao Anh khi căng thẳng Đông-Tây gia tăng về tên lửa Ukraine


Xe của Đại sứ Anh lái ra khỏi Đại sứ quán ở Moscow, Nga, vào ngày 13/9/2024.
Xe của Đại sứ Anh lái ra khỏi Đại sứ quán ở Moscow, Nga, vào ngày 13/9/2024.

Cơ quan an ninh FSB của Nga hôm thứ Sáu cho biết họ đã thu hồi giấy phép của sáu nhà ngoại giao Anh tại Moscow sau khi cáo buộc họ làm gián điệp và phá hoại, một động thái cho thấy sự tức giận của Điện Kremlin đối với vai trò quan trọng của London trong việc giúp đỡ Ukraine.

Anh gọi các cáo buộc là “hoàn toàn vô căn cứ”, nói rằng đó là hành động ăn miếng trả miếng sau khi Anh trục xuất tùy viên quốc phòng Nga và tước tư cách ngoại giao của một số cơ sở của Nga vào tháng 5.

Nga loan báo việc trục xuất vài giờ trước cuộc họp tại Washington giữa Thủ tướng Anh Keir Starmer và Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden, một bước quan trọng hướng tới việc chấp thuận cho Kyiv sử dụng tên lửa tầm xa tấn công các mục tiêu bên trong lãnh thổ Nga.

Tổng thống Vladimir Putin hôm thứ Năm nói rằng phương Tây sẽ trực tiếp chiến tranh với Nga nếu họ cho phép Ukraine tấn công lãnh thổ Nga bằng tên lửa tầm xa của phương Tây, một động thái mà ông nói sẽ thay đổi bản chất và phạm vi của cuộc xung đột.

Điện Kremlin cho biết hôm thứ Sáu rằng ông Putin đã chuyển “một thông điệp rõ ràng và không mơ hồ” đến phương Tây mà họ chắc chắn đã nghe thấy.

Washington và London coi việc Iran chuyển giao tên lửa đạn đạo cho Nga để sử dụng chống lại Ukraine, vốn đã được Washington công bố trong tuần này, là một sự leo thang đáng kể và họ đã đẩy nhanh các cuộc đàm phán về việc cho phép Ukraine sử dụng tên lửa tầm xa, ba nguồn tin phương Tây cho biết. Nga và Iran đã phủ nhận có bất kỳ chuyến giao hàng nào như vậy.

FSB, cơ quan kế nhiệm chính của KGB thời Liên Xô, nói họ có tài liệu cho thấy một bộ phận ngoại giao Anh tại London chịu trách nhiệm về Đông Âu và Trung Á đang điều phối cái mà họ gọi là “leo thang tình hình chính trị và quân sự” và được giao nhiệm vụ phải đảm bảo Nga thất bại về mặt chiến lược trong cuộc chiến chống lại Ukraine.

“Những sự kiện được tiết lộ tạo cơ sở để xem xét các hoạt động của các nhà ngoại giao Anh được đề cử đến Moscow như là mối đe dọa đối với an ninh của Liên bang Nga”, FSB nói trong một tuyên bố.

“Dựa trên các tài liệu do Cơ quan An ninh Liên bang Nga cung cấp và để đáp lại nhiều bước đi không thân thiện của London, Bộ Ngoại giao Nga, phối hợp với các cơ quan liên quan, đã chấm dứt tư cách được công nhận của sáu thành viên bộ phận chính trị của Đại sứ quán Anh tại Moscow, những người có hành động được phát hiện là có dấu hiệu gián điệp và phá hoại”, cơ quan này nói thêm.

Phía Anh nói những cáo buộc của Nga đối với các nhà ngoại giao của mình là vô căn cứ.

“Chính quyền Nga đã thu hồi giấp phép ngoại giao của sáu nhà ngoại giao Anh tại Nga vào tháng trước, sau hành động của chính phủ Anh nhằm đáp trả hoạt động do nhà nước Nga chỉ đạo trên khắp châu Âu và tại Anh”, một phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Anh nói trong một tuyên bố.

“Chúng tôi không hối hận về việc bảo vệ lợi ích quốc gia của mình”.

TÊN LỬA TẦM XA

Động thái trục xuất các nhà ngoại giao Anh của Nga làm gia tăng căng thẳng giữa Moscow và London, vài giờ trước khi ông Starmer đến Washington để thúc đẩy Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden bật đèn xanh cho Kyiv sử dụng tên lửa Storm Shadow của Anh, có tầm bắn hơn 250 km (155 dặm), nhắm vào bên trong nước Nga.

Các nguồn tin cho biết cuộc họp là một bước nữa trong các cuộc đàm phán nhằm cho phép Ukraine sử dụng tên lửa tầm xa của phương Tây chống lại các mục tiêu ở Nga, điều mà Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskyy đã yêu cầu trong nhiều tháng.

Một nguồn tin phương Tây cho biết quyết định có thể được đưa ra tại Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc bắt đầu vào ngày 24/9.

Trích lời các quan chức châu Âu, tờ New York Times đưa tin rằng Hoa Kỳ có vẻ sẽ chấp thuận việc Ukraine sử dụng tên lửa tầm xa chống lại các mục tiêu ở Nga với điều kiện vũ khí không phải là do Hoa Kỳ cung cấp.

Diễn đàn

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG