Đường dẫn truy cập

Reuters: VinFast cân nhắc trì hoãn nhà máy trị giá 4 tỷ USD ở Mỹ


Logo của VinFast.
Logo của VinFast.

Nhà sản xuất xe điện Việt Nam VinFast đang xem xét trì hoãn thêm nữa đối với nhà máy trị giá 4 tỷ USD ở bang North Carolina, Reuters dẫn nguồn tin am tường sự việc cho biết hôm 29/5, giữa bối cảnh công ty thua lỗ này đang phải vật lộn để giành được sự ưu ái của người tiêu dùng tại Mỹ.

VinFast tuyên bố vào năm 2022 rằng sẽ xây dựng nhà máy sản xuất xe điện và pin tại Mỹ với công suất hàng năm là 150.000 xe, nhằm tận dụng nỗ lực của chính quyền Biden trong việc phê duyệt trợ cấp cho xe điện sản xuất tại Mỹ.

Nguồn tin cho biết công ty ban đầu dự định hoàn thành nhà máy vào tháng 7/2024 nhưng sau đó đã lùi thời gian bắt đầu hoạt động sang năm 2025. Hiện công ty của Việt Nam đang xem xét trì hoãn thêm nữa, nguồn tin cho Reuters biết và yêu cầu giấu tên vì việc này chưa được công khai.

Năm ngoái, VinFast bán được chưa tới 1.000 xe ở Bắc Mỹ.

Công ty cho biết trong một tuyên bố với Reuters rằng họ đang “tiến hành xem xét và đánh giá kỹ lưỡng tất cả các khía cạnh của quá trình xây dựng nhà máy ở North Carolina của chúng tôi”.

Quận Chatham của bang North Carolina, nơi mặt bằng dành cho nhà máy đã được khởi công vào tháng 7, từ chối bình luận với Reuters về khả năng trì hoãn.

Người phát ngôn của chính quyền quận cho biết VinFast đã 2 lần điều chỉnh quy mô khu nhà xưởng lắp ráp của nhà máy. Bản sửa đổi mới nhất đã được đệ trình vào tháng 4 và vẫn đang được cơ quan cấp phép của quận xem xét.

Khi VinFast công bố kế hoạch xây dựng nhà máy ở North Carolina vào tháng 3/2022, Tổng thống Mỹ Joe Biden nói nhà máy này sẽ tạo ra hơn 7.000 việc làm ở địa phương.

Đảng Cộng hòa đã giành chiến thắng ở bang North Carolina trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2020 với tỷ số chênh lệch nhỏ và chiến dịch tranh cử của ông Biden đang chi mạnh tay để giành chiến thắng tại bang này trong cuộc bầu cử tổng thống vào tháng 11 tới.

Ngoài doanh số thấp, VinFast còn bị kiện ở Mỹ vì không trả tiền thuê showroom. Hãng này cũng phải đối mặt với hai cuộc điều tra riêng biệt: một về vụ tai nạn hồi tháng 4 ở California khiến 4 người thiệt mạng trong vụ tai nạn liên quan đến xe VinFast VF 8; và một vụ bị công ty thép ArcelorMittal cáo buộc vi phạm bằng sáng chế đối với vật liệu được sử dụng trong xe VF 8.

VinFast đã bán được chưa tới 35.000 ô tô trên toàn cầu vào năm ngoái, phần lớn trong số đó là ở thị trường Việt Nam, mặc dù công ty này có một nhà máy ở miền Bắc Việt Nam với công suất hàng năm là 300.000 ô tô.

Phần lớn xe bán trong nước của hãng cũng được bán cho các bên liên quan. Khoản lỗ ròng năm ngoái của hãng đã tăng 15%, lên mức 2,4 tỷ USD.

Kế hoạch ở nước ngoài

Bất chấp nhu cầu xe điện toàn cầu yếu hơn và cuộc chiến giá cả, VinFast cho biết họ không có thay đổi nào đối với mục tiêu bán 100.000 ô tô trong năm nay, gấp đôi so với mục tiêu vào năm 2023, khi mở rộng ra thị trường nước ngoài.

Hãng này đã bán được chưa tới 10.000 xe trong quý đầu tiên của năm, nguyên nhân là do hoạt động kinh doanh khởi đầu năm mới chậm chạp, đặc biệt là ở Việt Nam.

Đến cuối tháng 6, VinFast có kế hoạch mở rộng dòng sản phẩm xe của mình, bao gồm cả các mẫu xe có tay lái bên phải dành cho các thị trường như Thái Lan và Indonesia, đồng thời cho biết thêm rằng kết quả sẽ được nhìn thấy trong nửa cuối năm nay.

VinFast cũng xác nhận kế hoạch thành lập một nhà máy lắp ráp ở Indonesia và một nhà máy lắp ráp khác ở Ấn Độ vào năm 2026.

Tại Indonesia, “chúng tôi dự kiến sẽ sớm bắt đầu giao mẫu VF e34 và sẽ ra mắt mẫu VF 5 trong quý 2”, VinFast cho biết chi tiết về kế hoạch chưa được công bố cho hai mẫu xe phổ thông của hãng.

Được thành lập vào năm 2017 và tập trung hoàn toàn vào xe điện kể từ năm 2022, VinFast, vốn vẫn chưa tạo ra lợi nhuận, đã ghi nhận khoản lỗ ròng 618 triệu USD trong quý đầu tiên. Doanh thu cùng kỳ tăng gần gấp ba lần so với năm trước đó nhưng lại giảm 31% so với ba tháng trước.

Reuters: VinFast đang xem xét trì hoãn thêm việc xây nhà máy 4 tỷ đô ở Mỹ
please wait

No media source currently available

0:00 0:01:50 0:00

Diễn đàn

VOA Express

XS
SM
MD
LG