Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm thứ Năm (9/5) nói không có gì bất thường về một cuộc tập trận đã được lên kế hoạch liên quan đến việc thực hành triển khai vũ khí hạt nhân chiến thuật ở miền nam nước Nga cùng với đồng minh Belarus, khi quá trình chuẩn bị cho cuộc tập trận đã bắt đầu.
Hôm thứ Hai, Nga cho biết họ sẽ thực hành triển khai vũ khí hạt nhân chiến thuật như một phần của cuộc tập trận sau những gì Moscow nói là những mối đe dọa từ Pháp, Anh và Mỹ.
“Không có gì bất thường ở đây, đây là công việc đã được lên kế hoạch”, hãng thông tấn nhà nước TASS dẫn lời ông Putin nói. “Đây là việc huấn luyện”.
Bộ Quốc phòng Nga, trong thông báo hôm thứ Hai, liên hệ rõ ràng cuộc tập trận hạt nhân với “những tuyên bố khiêu khích và đe dọa của một số quan chức phương Tây chống lại Liên bang Nga”.
Năm ngoái, ông Putin cho biết Moscow đã chuyển một số vũ khí hạt nhân chiến thuật sang Belarus. Đây là động thái lần đầu tiên của Nga chuyển những đầu đạn như vậy ra ngoài nước Nga kể từ khi Liên Xô sụp đổ năm 1991.
Ông Putin nói ông đã đề nghị với Belarus tham gia một trong những phần của cuộc tập trận hạt nhân được công bố hôm thứ Hai.
“Chúng tôi tổ chức thường xuyên”, ông Putin nói. “Lần này chúng được tổ chức thành ba giai đoạn. Ở giai đoạn thứ hai, các đồng nghiệp Belarus sẽ tham gia hành động chung của chúng tôi”.
“Các chỉ thị tương ứng đã được đưa ra cho các bộ quốc phòng và các bộ tham mưu quân đội của chúng tôi. Họ đã bắt đầu chuẩn bị chung”, ông Putin nói, theo bản tin của Điện Kremlin, được hãng tin Interfax trích dẫn trước đó.
Lần tập trận huấn luyện thứ ba
Phát biểu cùng ông Putin, Tổng thống Belarus, Alexander Lukashenko, cho biết đây là cuộc tập trận thứ ba như vậy.
“Có lẽ có hàng chục cuộc ở Nga, vì vậy chúng tôi đã đồng bộ hóa. Và các bộ tổng tham mưu, như Bộ trưởng Quốc phòng Nga đã nói với tôi, đã bắt đầu thực hiện những chỉ thị này”, ông Lukashenko nói.
Nga và Mỹ cho đến nay là những cường quốc hạt nhân lớn nhất thế giới, nắm giữ hơn 10.600 trong số 12.100 đầu đạn hạt nhân của thế giới. Trung Quốc có kho vũ khí hạt nhân lớn thứ ba, tiếp theo là Pháp và Anh.
Theo Liên đoàn các nhà khoa học Mỹ, Nga có khoảng 1.558 đầu đạn hạt nhân phi chiến lược, mặc dù không chắc chắn về số liệu chính xác về loại vũ khí này vì tình trạng thiếu minh bạch.
Các chuyên gia kiểm soát vũ khí vẫn còn nhiều điều không chắc chắn về loại vũ khí Nga đã cung cấp cho Belarus và thực chất của việc lưu giữ chúng là gì.
Thông thường, sẽ mất một thời gian để tạo ra kho lưu trữ, an ninh và doanh trại cho việc triển khai như vậy, và vũ khí hạt nhân của Nga được kiểm soát bởi Tổng cục thứ 12 của Bộ Quốc phòng Nga (được gọi là GUMO 12). Theo các chuyên gia phương Tây, không rõ GUMO 12 có ở Belarus hay không.
Không có cường quốc nào sử dụng vũ khí hạt nhân trong chiến tranh kể từ khi Hoa Kỳ tấn công bằng bom nguyên tử lần đầu tiên vào các thành phố Hiroshima và Nagasaki của Nhật Bản vào năm 1945.
Lầu Năm Góc hôm thứ Hai cho biết họ không thấy Nga có sự thay đổi nào trong cách bố trí các lực lượng hạt nhân chiến lược của mình, bất chấp điều mà họ gọi là “lời nói vô trách nhiệm” từ Moscow về kế hoạch chi tiết cho các cuộc tập trận liên quan đến việc triển khai vũ khí hạt nhân phi chiến lược.
Diễn đàn