Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ sắp dẫn đầu đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam thăm chính thức Trung Quốc từ ngày 7 đến 12/4, theo lời mời của Ủy viên trưởng Ủy ban Thường vụ Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc Trung Quốc Triệu Lạc Tế, Ủy ban Đối ngoại Việt Nam cho biết hôm 4/4.
Chuyến thăm đầu tiên của ông Vương Đình Huệ tới Trung Quốc trên cương vị Chủ tịch Quốc hội được cho là có ý nghĩa quan trọng trong việc duy trì giao lưu, tiếp xúc cấp cao, định hướng chiến lược cho quan hệ song phương, TTXVN dẫn lời Đại sứ Việt Nam tại Trung Quốc Phạm Sao Mai cho biết.
Đây cũng là cuộc gặp trực tiếp lần đầu tiên giữa người đứng đầu cơ quan lập pháp hai nước sau Đại hội XIII của Đảng Cộng sản Việt Nam và Đại hội XX của Đảng Cộng sản Trung Quốc, và sau chuyến thăm cấp Nhà nước của Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tới Việt Nam vào tháng 12/2023, khi hai quốc gia láng giềng đưa ra tuyên bố chung về việc nâng tầm quan hệ Đối tác hợp tác chiến lược toàn diện và xây dựng “Cộng đồng chia sẻ tương lai Việt Nam - Trung Quốc”.
Theo lời Đại sứ Phạm Sao Mai, chuyến đi cũng nhằm khẳng định về việc Việt Nam coi phát triển quan hệ với Trung Quốc là ưu tiên hàng đầu và là sự lựa chọn chiến lược trong chính sách đối ngoại.
Nội dung của chuyến thăm nhằm cụ thể hóa 6 phương hướng hợp tác lớn giữa hai nước, đặc biệt là thúc đẩy “lòng tin chính trị cao hơn” và củng cố “nền tảng xã hội vững chắc hơn”, góp phần nâng tầm quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Trung Quốc, vẫn theo lời Đại sứ Phạm Sao Mai.
Ngoài việc trao đổi cấp cao, những vấn đề về hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư, văn hóa, giáo dục, du lịch... cũng là những nội dung sẽ được thúc đẩy.
Trung Quốc hiện là nhà đầu tư lớn thứ 4 tại Việt Nam tính về vốn và lớn nhất Việt Nam về số lượng dự án.
Kim ngạch thương mại giữa Việt Nam và Trung Quốc đạt 171,9 tỷ USD vào năm ngoái, theo số liệu của hải quan Việt Nam.
Chuyến đi Trung Quốc của ông Vương Đình Huệ diễn ra chưa đầy một tháng sau khi Việt Nam hôm 14/3 lên tiếng kêu gọi Trung Quốc tôn trọng luật biển sau khi Bắc Kinh công bố đường cơ sở Vịnh Bắc Bộ.
Trước đó, vào ngày 1/3, Trung Quốc công bố đường cơ sở mới ở Vịnh Bắc Bộ, tiếng Trung gọi là Vịnh Beibu, một động thái mà họ cho là phù hợp với luật pháp quốc tế. Trong tuyên bố, Trung Quốc đưa ra 7 “điểm cơ sở” khi nối với nhau tạo thành một đường cơ sở mới nhằm tuyên bố lãnh hải ở Vịnh Bắc Bộ. Các điểm cơ sở này không tồn tại trước đây.
Sự việc đã khiến “Việt Nam lên tiếng đề nghị Trung Quốc tôn trọng và tuân thủ Hiệp định về phân định lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa giữa hai nước trong Vịnh Bắc Bộ ký năm 2000 giữa Việt Nam và Trung Quốc”, theo lời người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Phạm Thu Hằng hôm 14/3.
Diễn đàn