Hơn 230 triệu phụ nữ và trẻ em gái đã bị cắt xén bộ phận sinh dục nữ, hầu hết sống ở châu Phi, theo một báo cáo do Quỹ Nhi đồng Liên Hiệp Quốc công bố hôm 8/3.
Theo ước tính của UNICEF trong báo cáo được công bố vào Ngày Quốc tế Phụ nữ, khoảng 30 triệu người đã trải qua phẫu thuật cắt bỏ một phần hoặc toàn bộ cơ quan sinh dục ngoài trong 8 năm qua.
UNICEF nói rằng tỷ lệ phụ nữ và trẻ em gái bị cắt xén bộ phận sinh dục nữ đang giảm đi, nhưng tổ chức này cảnh báo rằng những nỗ lực nhằm xóa bỏ tập tục này còn quá chậm so với tốc độ tăng nhanh của dân số.
“Việc cắt xén bộ phận sinh dục nữ đang giảm dần nhưng chưa đủ nhanh,” báo cáo nói.
Tập tục này, được cho là nhằm kiểm soát khả năng tình dục của phụ nữ, có thể gây chảy máu nghiêm trọng và thậm chí tử vong. Các cô gái phải tuân theo thủ tục này ở các độ tuổi khác nhau, từ khi sơ sinh cho đến lúc thanh niên. Về lâu dài, nó có thể dẫn đến nhiễm trùng đường tiết niệu, các vấn đề về kinh nguyệt, đau đớn, giảm thỏa mãn tình dục và các biến chứng khi sinh con, cũng như trầm cảm, thiếu tự tin và rối loạn căng thẳng hậu sang chấn.
“Chúng ta cũng đang chứng kiến một xu hướng đáng lo ngại là ngày càng có nhiều bé gái phải trải qua điều này ở độ tuổi trẻ hơn, nhiều em trước sinh nhật 5 tuổi. Điều đó càng làm giảm cơ hội được can thiệp”, Giám đốc điều hành UNICEF Catherine Russell nói.
Báo cáo cho biết, chỉ riêng châu Phi đã có khoảng 144 triệu phụ nữ và trẻ em gái đã bị cắt xén bộ phận sinh dục, tiếp theo là châu Á và Trung Đông với lần lượt là 80 triệu và 6 triệu. Somalia đứng đầu danh sách các quốc gia phổ biến tập tục này, với 99% dân số nữ trong độ tuổi từ 15 đến 49 đã bị cắt âm vật.
Burkina Faso đạt được tiến bộ đáng kể nhất, giảm tỷ lệ phụ nữ từ 15-49 tuổi bị cắt âm vật từ 80% xuống 30% trong ba thập kỷ.
Báo cáo cũng cho thấy cứ 10 người sống sót từ tập tục này thì có 4 người trong số đó là từ các quốc gia bị xung đột tàn phá với tốc độ tăng dân số cao. Vẫn theo báo cáo, sự bất ổn chính trị làm gián đoạn những nỗ lực ngăn chặn tình trạng này và việc hỗ trợ cho các nạn nhân.
“Ethiopia, Nigeria và Sudan chiếm số lượng lớn nhất các bé gái và phụ nữ bị cắt xén bộ phận sinh dục trong số các quốc gia bị ảnh hưởng bởi xung đột,” UNICEF nói trong báo cáo.
Mặc dù báo cáo ca ngợi những tiến bộ đạt được ở một số quốc gia, nhưng cơ quan của LHQ cũng cảnh báo rằng thế giới đang thiếu những điều kiện cần thiết để đáp ứng mục tiêu của Liên Hiệp Quốc là xóa bỏ tập tục này trên toàn cầu vào năm 2030.
“Ở một số quốc gia, tiến bộ cần phải nhanh gấp 10 lần so với tiến bộ nhanh nhất từng được ghi nhận trong lịch sử để đạt được mục tiêu vào năm 2030,” báo cáo viết.
Bà Nimco Ali, Giám đốc điều hành của Five Foundation, một tổ chức từ thiện chống lại nạn cắt âm vật có trụ sở tại Anh Quốc, nói những ước tính của UNICEF là “gây sốc” và “tàn khốc”, và cần phải có thêm nguồn tài trợ khẩn cấp để chấm dứt tình trạng này.
“Chúng ta phải sử dụng sáu năm cuối cùng của thập kỷ này để giải quyết vấn đề lạm dụng nhân quyền trẻ em gái một cách ghê tởm và giải cứu thế hệ tiếp theo khỏi nỗi kinh hoàng của việc cắt âm vật,” bà Ali, nhà hoạt động nữ gốc Somali đồng thời là một tác giả và là người sống sót sau khi bị cắt âm vật, nói trong một thông cáo báo chí.
Diễn đàn