Đường dẫn truy cập

EU thận trọng với ý tưởng sử dụng tài sản bị phong tỏa của Nga làm tài sản thế chấp


Mỹ và Bỉ đề xuất ý tưởng sử dụng số tài sản của Nga bị đóng băng để hỗ trợ cho Ukraine nhưng những ý tưởng này không nhận được nhiều sự ủng hộ của châu Âu.
Mỹ và Bỉ đề xuất ý tưởng sử dụng số tài sản của Nga bị đóng băng để hỗ trợ cho Ukraine nhưng những ý tưởng này không nhận được nhiều sự ủng hộ của châu Âu.

Bỉ vừa đề xuất với nhóm G7 về việc sử dụng tài sản bị phong toả của ngân hàng trung ương Nga làm tài sản thế chấp để vay nợ cho việc tái thiết Ukraine, nhưng ý tưởng này không nhận được nhiều sự ủng hộ của châu Âu, các quan chức châu Âu cho biết.

Bỉ không phải là thành viên của G7, vốn bao gồm Hoa Kỳ, Nhật Bản, Canada, Anh, Pháp, Đức và Ý, nhưng đã trở thành một phần trong cuộc thảo luận về việc phải làm gì với tài sản của Nga. Phương Tây đã đóng băng tài sản của Nga sau cuộc xâm lược Ukraine của Moscow và phần lớn số tiền này được giữ ở Bỉ.

Theo Ủy ban châu Âu, có hơn 269 tỷ euro (288,85 tỷ USD) tài sản của Nga bị phong toả ở các nước G7, EU và Australia, trong đó có 200 tỷ euro ở EU, chủ yếu là ở Bỉ.

Hoa Kỳ, quốc gia vẫn chưa thể đưa ra quyết định về viện trợ tài chính mới cho Ukraine vì đấu đá chính trị nội bộ, hồi tháng 12 đã đưa ra ý tưởng tịch thu số tiền của Nga và giao nó cho Kyiv.

Tuy nhiên, các quốc gia và tổ chức thuộc Liên minh châu Âu phản đối điều này, cho rằng không có cơ sở pháp lý cho việc tịch thu tài sản có chủ quyền của một quốc gia khác và làm như vậy có thể khiến các nhà đầu tư rút lui khỏi đồng euro.

Nga cũng cảnh báo rằng nếu phương Tây tịch thu tiền của họ, họ sẽ trả đũa bằng cách tịch thu tài sản của phương Tây vẫn còn ở Nga, trị giá ước tính khoảng 288 tỷ USD.

Các quan chức nói rằng điều này có thể gây ra sự sụp đổ của cơ quan thanh toán bù trừ Euroclear của Bỉ, nơi nắm giữ tiền của Nga.

Thủ tướng Bỉ Alexander de Croo nói với Reuters vào tháng 1 rằng một trong những lựa chọn thay thế có thể là sử dụng tài sản bị phong toả làm tài sản thế chấp cho trái phiếu mà qua đó phương Tây có thể huy động tiền cho Ukraine.

Nhưng trong lúc ý tưởng của Bỉ được các bộ tài chính G7 đưa ra như một trong những lựa chọn đang được thảo luận thì các nước châu Âu tỏ ra không mấy hào hứng với nó.

Một quan chức châu Âu am hiểu vấn đề này nói: “Điều chúng tôi biết là việc sử dụng tài sản làm tài sản thế chấp cũng gặp phải những lo ngại về pháp lý, kinh tế và tài chính giống như việc tịch thu và hầu hết các cơ quan pháp lý trong G7 đều xem xét điều đó”.

Một quan chức yêu cầu giấu tên nói: “Sử dụng một tài sản làm tài sản thế chấp có nghĩa là sở hữu tài sản đó, vì vậy, trong trường hợp này là tịch thu nó”.

Bốn quan chức châu Âu khác am hiểu vấn đề này cũng đồng tình với quan điểm trên.

Diễn đàn

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG