Dữ liệu của Hải quan Trung Quốc hôm thứ Bảy 20/1 cho thấy Nga đã vượt qua Ả rập Xê út để trở thành nước cung cấp dầu thô hàng đầu cho Trung Quốc vào năm 2023, vì nước nhập khẩu dầu thô lớn nhất thế giới này đã bất chấp các lệnh trừng phạt của phương Tây mua dầu được giảm giá với số lượng lớn về cho các nhà máy lọc dầu của mình.
Dữ liệu thể hiện rằng Nga giao số lượng kỷ lục là 107,02 triệu tấn dầu thô cho Trung Quốc vào năm ngoái, tương đương 2,14 triệu thùng/ngày, nhiều hơn hẳn so với các nước xuất khẩu dầu lớn khác như Ả rập Xê út và Iraq.
Lượng nhập khẩu từ Ả rập Xê út, trước đây là nhà cung cấp lớn nhất cho Trung Quốc, giảm 1,8% xuống 85,96 triệu tấn, vì người khổng lồ về dầu mỏ ở Trung Đông bị mất thị phần vào tay loại dầu thô rẻ hơn của Nga.
Bị nhiều khách hàng quốc tế xa lánh sau các lệnh trừng phạt của phương Tây liên quan đến cuộc xâm lược của Điện Kremlin vào Ukraine năm 2022, dầu thô của Nga phải giao dịch ở mức giá thấp hơn đáng kể so với các mức giá tiêu chuẩn quốc tế trong phần lớn thời gian của năm ngoái trong bối cảnh phương Tây áp đặt giới hạn về giá.
Mặc dù vậy, nhu cầu tăng nhanh của các nhà máy lọc dầu ở Trung Quốc và Ấn Độ đối với loại dầu được khuyến mại đã giúp tăng giá dầu thô ESPO của Nga trong suốt năm 2023, làm giá vượt qua cả mức trần là 60 đô la/thùng mà Nhóm G7 áp đặt vào tháng 12/2022, cùng lúc các bên mua bán tìm ra nhiều cách vận chuyển và bảo hiểm thay thế nhằm tránh các lệnh trừng phạt.
Theo các nguồn tin nắm các hoạt động giao dịch, các lô hàng dầu thô ESPO giao tháng 12/2023 được định giá thấp hơn khoảng 0,5 đô la đến 0,2 đô la/thùng so với giá chuẩn ICE Brent, trong khi các lô hàng giao tháng 10 có mức khuyến mại 1 đô la và các lô hàng giao trong tháng 3 có mức giảm giá là 8,5 đô la.
Cùng thời gian đó thời, Ả rập Xê út đã tăng giá của loại dầu Arab Light đặc trưng của họ từ tháng 7, thúc đẩy một số nhà máy lọc dầu tìm nguồn hàng rẻ hơn.
Để củng cố cho giá dầu, Ả rập Xê út và Nga, hai trong số ba nhà sản xuất dầu hàng đầu thế giới, đã tuyên bố cắt giảm sản lượng và xuất khẩu vào năm ngoái. Ả rập Xê út đang thực hiện cắt giảm sản lượng 1 triệu thùng/ngày trong quý này, trong khi Nga cho biết họ sẽ cắt giảm xuất khẩu sâu hơn trong năm nay, tới 500.000 thùng/ngày từ mức 300.000 thùng/ngày.
Các nhà máy lọc dầu Trung Quốc sử dụng các thương nhân trung gian để xử lý việc vận chuyển và bảo hiểm dầu thô của Nga nhằm tránh vi phạm lệnh trừng phạt của phương Tây.
Các bên mua cũng sử dụng vùng biển ngoài khơi Malaysia làm điểm trung chuyển cho các hàng hóa bị trừng phạt từ Iran và Venezuela. Các lô hàng nhập khẩu được gắn nhãn có nguồn gốc từ Malaysia đã tăng 53,7% trong năm ngoái.
Trung Quốc báo cáo không có lô hàng dầu thô chính thức nào của Venezuela trong tháng 12 mặc dù các lệnh trừng phạt của Mỹ đối với Caracas đã được nới lỏng vào tháng 10 sau khi có một thỏa thuận giữa chính quyền của Tổng thống Nicolas Maduro và phe đối lập chính trị của nước này.
Xuất khẩu từ Mỹ đến Trung Quốc đã tăng 81,1% trong năm ngoái bất chấp căng thẳng địa chính trị giữa Bắc Kinh và Washington khi sản lượng dầu thô của Mỹ tăng.
Tổng lượng dầu thô nhập khẩu của Trung Quốc trong năm 2023 đã tăng lên mức kỷ lục 563,99 triệu tấn, tương đương 11,28 triệu thùng/ngày.
Diễn đàn