Nghệ nhân Nguyễn Cao Sơn, người được chọn giới thiệu các loại trà trong tiệc trà mời Chủ tịch Tập Cận Bình, cho biết rằng ông “rất là tự hào” khi nhà lãnh đạo Trung Quốc “khen trà Việt Nam”.
Sau cuộc hội đàm hôm 12/12, dẫn đến tuyên bố chung về nhiều vấn đề, trong đó có việc “nhất trí xây dựng cộng đồng chia sẻ tương lai”, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã mời Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình dự tiệc trà tại Văn phòng Trung ương Đảng.
Nghệ nhân Nguyễn Cao Sơn cho VOA tiếng Việt biết rằng 3 loại trà được lựa chọn cho tiệc trà mời lãnh đạo Trung Quốc đã từng nhận được các “giải thưởng đặc biệt” tại các cuộc thi quốc tế.
Theo ông Sơn, ba loại trà này được lựa chọn từ các vùng núi của Việt Nam như Hà Giang và Sơn La, cho thấy “sự giao hòa giữa trời và đất”.
Ông cho biết thêm: “Cũng rất may mắn là Việt Nam và Trung Quốc là hai quốc gia ‘núi liền núi, sông liền sông’ và có chung rất nhiều gu về ẩm thực cũng như là có rất nhiều mối tương đồng về quan hệ mật thiết nên việc uống trà tại Việt Nam hay tại Trung Quốc chỉ là câu chuyện thay đổi địa điểm uống trà mà thôi. Quan trọng là uống với ai và chúng tôi đã làm được điều đó”.
Với thông điệp Việt Nam là “một quốc gia luôn luôn hòa nhập chứ không hòa tan, và luôn luôn xem trọng những người bạn”, ông Sơn nói tiếp rằng “trà chỉ là phương tiện” và uống với ai “mới là điều quan trọng”.
Ông cho biết, hai lãnh đạo cấp cao nhất của Việt Nam và Trung Quốc đã uống một tuần trà “rất là ý nghĩa” trong không gian “thắm tình hữu nghị”.
Nghệ nhân này nói với VOA tiếng Việt về phản hồi của ông Tập: “Chủ tịch Trung Quốc rất là khen trà Việt Nam có hương vị đặc sắc và rất riêng mà mỗi một quốc gia người ta đều có những đặc trưng như vậy”.
Theo báo chí trong nước, tại sự kiện này, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tặng tranh lưu niệm cho Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, với hình ảnh hai lãnh đạo thưởng trà tại Bắc Kinh hồi tháng 10/2022, khi ông Trọng thăm chính thức Trung Quốc.
Ông Tập hôm 13/12 đã rời Việt Nam, kết thúc chuyến thăm kéo dài hai ngày với các cuộc gặp gỡ bốn quan chức cấp cao nhất của Việt Nam, thường được gọi là “tứ trụ”.
Ngoài việc “nhất trí xây dựng cộng đồng chia sẻ tương lai Việt Nam - Trung Quốc có ý nghĩa chiến lược, nỗ lực vì hạnh phúc của nhân dân hai nước, vì sự nghiệp hòa bình và tiến bộ của nhân loại”, tuyên bố chung của hai nước trong chuyến đi của ông Tập lần này còn “nhấn mạnh cần kiểm soát tốt hơn và tích cực giải quyết bất đồng trên biển, duy trì hòa bình, ổn định ở Biển Đông và khu vực”.
“Hai bên nhất trí cho rằng, phát triển quan hệ giữa các nước cần tuân theo Hiến chương Liên Hợp Quốc, luật pháp quốc tế và chuẩn mực cơ bản của quan hệ quốc tế, kiên trì tôn trọng lẫn nhau, bình đẳng, cùng có lợi, hợp tác cùng thắng, tôn trọng chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của nhau, kiên trì giải quyết bất đồng thông qua biện pháp hòa bình”, tuyên bố chung có đoạn viết.
Diễn đàn