Đường dẫn truy cập

Mỹ siết việc nhập hàng điện tử Việt Nam, Malaysia vì dính đến lao động cưỡng bức ở TQ


Công nhân làm việc tại một nhà máy sản xuất cáp điện tử ở Hà Nội.
Công nhân làm việc tại một nhà máy sản xuất cáp điện tử ở Hà Nội.

Hãng thông tấn Reuters hôm 22/11 dẫn dữ liệu chính thức cho biết các thiết bị điện tử trị giá 74 triệu USD, như tấm pin mặt trời và vi mạch, hầu hết từ Việt Nam và Malaysia, đã bị từ chối nhập cảnh vào Hoa Kỳ vào tháng 9 hoặc bị kiểm tra các linh kiện xem liệu có được sản xuất bằng lao động bị cưỡng bức ở Trung Quốc hay không.

Kể từ tháng 6/2022, Mỹ bắt đầu áp dụng các quy định chặt chẽ hơn để trấn áp những vi phạm nhân quyền ở khu vực Tân Cương của Trung Quốc, nơi mà cư dân phần lớn là người Duy Ngô Nhĩ theo đạo Hồi. Các quy định này đã dẫn đến việc Mỹ kiểm soát hơn 6.000 chuyến hàng trị giá hơn 2 tỷ USD tính đến tháng 9, tháng gần đây nhất có dữ liệu được hải quan Hoa Kỳ công bố .

Theo dữ liệu được cập nhật trong thời gian trước đây của tháng 11, gần một nửa trong số các lô hàng đó đã bị từ chối hoặc vẫn đang chờ phê duyệt.

Chỉ riêng trong tháng 9, các lô hàng trị giá 82 triệu USD đã bị từ chối hoặc bị giữ lại để kiểm tra, 90% trong số này là hàng điện tử, một con số nhảy vọt so với mức dưới 20 triệu USD trong tháng 8.

Cơ quan hải quan Hoa Kỳ không đưa ra bình luận ngay lập tức với Reuters.

Hơn 2/3 số hàng hóa bị từ chối hoặc bị giữ lại là đến từ Việt Nam hoặc Malaysia, những nước xuất khẩu số lượng lớn các tấm pin mặt trời và hàng bán dẫn sang Hoa Kỳ.

Việt Nam cũng là nhà cung cấp hàng đầu về hàng dệt may, da giày và may mặc.

Khu vực Tân Cương là nơi sản xuất chính về bông và silicon đa tinh thể, là thành phần được sử dụng trong các tấm quang điện và hàng bán dẫn.

Việt Nam và Malaysia có các lô hàng trị giá khoảng 320 triệu USD mỗi nước đã bị từ chối hoặc bị giữ lại để kiểm tra kể từ khi quy định mới có hiệu lực, cao hơn gần ba lần so với Trung Quốc.

Mặc dù chỉ chiếm một phần rất nhỏ trong thương mại với Washington, nhưng hoạt động xuất khẩu hàng bán dẫn từ hai nước này cộng lại có trị giá hơn 730 triệu USD chỉ trong tháng 8.

Không rõ liệu các công ty tại Việt Nam và Malaysia có phải hoãn vận chuyển hàng hóa vì những vấn đề đau đầu liên quan đến việc tuân thủ trên hay không.

Bộ thương mại Malaysia và Bộ công nghiệp Việt Nam không trả lời cho đề nghị đưa ra bình luận của Reuters.

Các chuyên gia trong ngành và chính phủ ở cả hai nước nói họ không hay biết gì về vấn đề này hoặc chưa nghe có bất kỳ mối lo ngại nào.

Washington cáo buộc Trung Quốc diệt chủng người Duy Ngô Nhĩ, trong khi các nhóm nhân quyền lên án Bắc Kinh sử dụng các trại cải tạo và lao động cưỡng bức trong khu vực này. Trung Quốc phủ nhận mọi cáo buộc về các hành vi xâm hại.

Kể từ khi Đạo luật về Bảo vệ người Duy Ngô Nhĩ bị cưỡng bức lao động (UFLPA) được Hoa Kỳ ban hành, các nhà xuất khẩu phải chứng minh được sản phẩm của họ không bao gồm bất kỳ nguyên liệu thô hoặc thành phần nào đến từ Tân Cương.

Diễn đàn

VOA Express

XS
SM
MD
LG