Walmart, tập đoàn bán lẻ nổi tiếng của Mỹ, kỳ vọng sẽ biến Việt Nam thành trung tâm cung ứng hàng hóa của châu Á, giữa bối cảnh chuỗi cung ứng toàn cầu đang đối diện với nguy cơ bị đứt đoạn do căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc cũng như những tác động từ các cuộc xung đột trên toàn cầu.
Kế hoạch được bà Andrea Albright, Phó Chủ tịch điều hành phụ trách nguồn cung ứng của Walmart, nói với Bộ trưởng Công Thương Việt Nam Nguyễn Hồng Diên trong cuộc gặp ở San Francisco hôm 14/11, khi phái đoàn các quan chức và doanh nghiệp Việt Nam đến Mỹ tham dự hội nghị thượng đỉnh APEC, VnEconomy tường thuật.
Bà Albright cho biết Việt Nam là một trong 5 nước cung cấp hàng hóa lớn nhất cho chuỗi cung ứng toàn cầu của Walmart, không những ở Mỹ mà còn ở các thị trường khác như Trung Quốc, Canada, Mexico.
Bà cho biết Walmart mua hàng tỷ đô la hàng hóa từ Việt Nam mỗi năm, chủ yếu là hàng may mặc, giày dép, thực phẩm. Nhà bán lẻ của Mỹ dự tính sẽ mua thêm các mặt hàng khác từ Việt Nam trong thời gian tới, bao gồm đồ dùng gia đình, hàng điện tử, đồ chơi...
Đại diện của Walmart đề nghị Bộ Công Thương giúp tập đoàn bán lẻ mở rộng hoạt động và ổn định hơn chuỗi cung ứng tại Việt Nam, khi nguy cơ gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu ngày càng tăng.
Đáp lại, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên kêu gọi Walmart đẩy mạnh việc mua hàng tại Việt Nam, đồng thời phối hợp với phía nhà nước Việt Nam để nâng cao năng lực cho các doanh nghiệp địa phương và phổ biến thông tin thị trường để các doanh nghiệp địa phương dễ dàng đưa ra chiến lược sản xuất và xuất khẩu khi tham gia hệ thống phân phối và bán lẻ toàn cầu.
Ông Diên cũng mời Walmart tham dự Chuỗi sự kiện "Kết nối chuỗi cung ứng hàng hoá quốc tế - Viet Nam International Sourcing 2024" dự kiến tổ chức vào tháng 6/2024.
Việt Nam hiện được xem là một trong những điểm đến thay thế trong khu vực khi các tập đoàn toàn cầu đang tìm cách chuyển cơ sở sản xuất ra khỏi Trung Quốc giữa bối cảnh cuộc chiến thương mại và sự cạnh tranh về công nghệ và an ninh giữa Mỹ và Trung Quốc ngày càng gia tăng.
Tuy nhiên, nhiều tập đoàn vẫn tỏ ra e ngại với những rủi ro và không chắc chắn trong việc chuyển nguồn lực sang Việt Nam, nơi còn nhiều hạn chế về cơ sở hạ tầng, trình độ của lực lượng lao động và tình trạng quan liêu của hệ thống công quyền.
Ngoài ra, việc một số sản phẩm của Việt Nam bị Mỹ điều tra và đánh thuế vì là hàng Trung Quốc “đội lốt” cũng là một mối e ngại đối với doanh nghiệp quốc tế.
Tại cuộc họp với Walmart, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đưa ra đảm bảo về vấn đề linh kiện đầu vào và nỗ lực đảm bảo chuỗi cung ứng “sạch và ổn định”, tuân thủ tuyệt đối các cam kết phát triển bền vững mà Việt Nam đã cam kết trong các hiệp định thương mại tự do, trong đó có bảo vệ thiên nhiên, môi trường và chống lao động cưỡng bức.
Diễn đàn