Đường dẫn truy cập

Con đường khúc khuỷu của ‘đối tác CSP’ Việt – Mỹ


Việc Intel chọn Ba Lan để mở rộng đầu tư là một tin buồn cho Việt Nam.
Việc Intel chọn Ba Lan để mở rộng đầu tư là một tin buồn cho Việt Nam.

Đa dạng hóa các quan hệ đối tác, nhất là với hai nền kinh tế hàng đầu của thế giới là Hoa Kỳ và Trung Quốc vốn là xu hướng tất yếu. Trong kỷ nguyên công nghệ cao, đặc biệt là sau CSP với Mỹ, dân Việt Nam kỳ vọng vào bước chuyển mình của đất nước trong chuỗi cung ứng toàn cầu.

CSP không phải là “đũa thần”

Tin tức tuần qua cho thấy, “đối tác chiến lược Việt – Mỹ” quả không phải là chiếc đũa thần. Intel dường như đã hủy bỏ kế hoạch mở rộng hoạt động sản xuất chip tại Việt Nam. Hôm 8/11/2023, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng bày tỏ “tiếc nuối”, đồng thời cho hay, Intel đã viện dẫn lý do rút khỏi Việt Nam, vì bị thiếu điện và thủ tục hành chính rườm rà (1). Cùng lúc đó, Bộ Tài chính Mỹ cũng vừa tuyên bố đưa Việt Nam trở lại “danh sách giám sát” về hành vi thao túng tiền tệ. Trước hiện trạng ấy, chuyên gia Lê Đăng Doanh kêu gọi Hoa Kỳ nên chia sẻ những khó khăn kinh tế của Việt Nam, bao gồm việc phải nhập khẩu dầu thô, phân bón cũng như các nguyên liệu khác trong khi giá cả thế giới gia tăng (2).

Trong khi đó, một bí mật công khai lâu nay ở Việt Nam là, các thoả thuận ngầm đưa và nhận hối lộ được chấp nhận như một loại dầu nhờn “bôi trơn” cho các cấp chính quyền hoạt động suôn sẻ hơn, nhờ đó góp phần vào tăng trưởng. Giới doanh nhân còn lưu truyền nhau về mức độ tin cậy của việc thực thi các thoả thuận “dưới gầm bàn”, rằng quan chức miền Nam đã “nhận” là làm, trong khi quan chức miền Bắc “nhận phong bì xong” có khi mất hút. Các chuyên gia đã chỉ ra, mô hình chuyển đổi sang thị trường dưới thể chế toàn trị của ĐCS có đặc thù: tăng trưởng cao nhưng tham nhũng tràn lan. Tuy nhiên, cũng có ý kiến phản bác, cho rằng, chống tham nhũng “không đúng cách” mới là sự cản trở quá trình tăng trưởng (3).

Cũng theo hãng tin Reuters, tập đoàn chuyên về điện mặt trời của Trung Quốc là Trina Solar vừa có kế hoạch đầu tư thêm 420 triệu USD để mở rộng sản xuất tại Việt Nam, đưa tổng số vốn đầu tư của tập đoàn này tại Việt Nam lên gần 900 triệu USD. Vẫn từ nguồn tin trên, hai dự án khác của hãng này tại Thái Nguyên ở Khu công nghiệp Yên Bình có tổng vốn đăng ký đầu tư là 478 triệu USD, đang được phục hoạt. Tuy nhiên, vừa qua, Bộ Thương mại Mỹ lại đưa ra kết luận, Trina và bốn công ty sản xuất pin mặt trời khác của Trung Quốc sử dụng nhà máy ở Thái Lan và các nước khác ở Đông Nam Á để tránh thuế trừng phạt lên pin năng lượng mặt trời do Trung Quốc sản xuất mà Mỹ áp đặt (4).

Theo Bộ GTVT, một báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án đường sắt Lào Cai – Hà Nội – Hải Phòng dài hơn 388km, đi qua chín tỉnh, có tổng mức đầu tư khoảng 10, 11 tỷ USD để kết nối với Trung Quốc, đã được công bố. Trong đợt công tác tại Trung Quốc hồi tháng 9/2023, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã tiếp Chủ tịch Hội đồng Quản trị Tập đoàn Đường sắt Trần Vân và hai bên đã trao đổi về khả năng nghiên cứu các phương án xây dựng tuyến đường sắt Hà Nội – Lào Cai – Hải Phòng. Thủ tướng Chính đã nhấn mạnh tinh thần chủ công là, bảo đảm tiến độ và chất lượng, an toàn, vệ sinh môi trường, đã hứa là phải làm, đã cam kết phải thực hiện, có hiệu quả cụ thể, cân đong đo đếm được (5). Diễn ngôn của Thủ tướng khiến cả chủ lẫn khách không thể không nhớ đến các bài học nhãn tiền của tuyến đường sắt cao tốc Hà Nội – Cát Linh, một trong những biểu tượng tiêu cực điển hình của các đầu tư của Trung Quốc tại Việt Nam.

Intel không “thả lơ” và cảnh báo của Mỹ

Quyết định rút lui của Intel là đòn giáng mạnh vào kỳ vọng “hậu CSP” của Việt Nam trong việc đóng vai trò lớn hơn trong ngành bán dẫn toàn cầu. Hà Nội đã tổ chức các cuộc đàm phán với các nhà sản xuất chip, mong muốn thu hút các công ty đang tìm cách đa dạng hóa chuỗi cung ứng của mình. Kế hoạch đầu tư mới của Intel vào Việt Nam có thể trị giá khoảng 1 tỷ USD, nhằm mở rộng nhà máy hiện đang hoạt động trị giá 1,5 tỷ USD tại Việt Nam. Trong khi đó, “sự lên ngôi” của các tập đoàn Trung Quốc đối với các dự án khủng ở Việt Nam lại đang dấy lên quan ngại trong dư luận dân chúng. Việt Nam vay tiền Trung Quốc để xây dựng tuyến đường sắt chủ yếu chỉ phục vụ cho “Sáng kiến Vành đai Con đường” (BRI) để rồi rơi vào “bẫy nợ” thì thật là tai họa. Liệu trong tương lai, con cháu của Bộ Chính trị có lấy tiền tham nhũng để trả nợ cho Bắc Kinh, hay rồi lại nhượng dần các cảng biển và sân bay của xứ Đông Lào này cho Trung Quốc?

Tuy nhiên, thực tế sau đây phần nào cho thấy con đường khúc khuỷu của “đối tác CSP” Việt – Mỹ trong làm ăn kinh tế. Trong bối cảnh rủi ro địa-chính trị và thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc, tuy Việt Nam vẫn được xem là một sự lựa chọn an toàn hơn cho các doanh nghiệp Mỹ, nhưng do Việt Nam chưa sẵn sàng nên “giấc mơ chip” không hề đơn giản. Khi được hỏi về kế hoạch đầu tư, Intel từ chối bình luận về tin sẽ không mở rộng hoạt động sản xuất chip ở Việt Nam. Nhưng một đại diện (ẩn danh) lại khẳng định với Reuters: “Việt Nam sẽ tiếp tục là một phần quan trọng trong hoạt động sản xuất toàn cầu của chúng tôi khi nhu cầu về chất bán dẫn tăng lên” (6). Thực ra, Intel không “thả lơ” và Mỹ đã cảnh báo Việt Nam. Phát biểu tại “Hội nghị thượng đỉnh về chất bán dẫn Việt Nam” hôm 29/10, Robert Li – Phó Chủ tịch của US Synopsys, một công ty thiết kế chip hàng đầu hoạt động tại Việt Nam – cho biết, việc xây dựng một xưởng đúc chip có thể tiêu tốn tới 50 tỉ USD và sẽ kéo theo việc cạnh tranh với Trung Quốc; Mỹ, Hàn Quốc và EU, là những nước đã công bố kế hoạch chi tiêu cho chip của mình trị giá từ 50 đến 150 tỉ USD (7).

Mặt khác, sức ép của ĐCSTQ đối với Việt Nam không bao giờ gián đoạn, mặc dầu Việt Nam đang tìm nhiều cách chống đỡ. Dư luận dân chúng đa phần mong nhà nước hãy mạnh dạn “nói không” với các nhà đầu tư Trung Quốc về dự án đường sắt cao tốc Bắc – Nam. Trong dịp tiếp Bộ trưởng Bộ Tài chính Nhật Bản Suzuki Shunichi hồi đầu năm nay, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã đề nghị Bộ trưởng Suzuki Shunichi và thông qua Bộ trưởng, đề nghị Chính phủ Nhật Bản hỗ trợ Việt Nam nghiên cứu, xây dựng tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam (8). Sẽ rất sốc nếu như ai đó có dịp đem sân bóng đá Mỹ Đình (Hà Nội) do cai thầu Trung Quốc làm từ A đến Z so với công trình tương tự Trung Quốc xây cho Campuchia. Thật là một trời, một vực! Từ chối Trung Quốc cai thầu đối với đường sắt Bắc – Nam, không chịu để Trung Quốc “nhét” khái niệm “Cộng đồng chung vận mệnh” (CCD) vào các dự thảo Tuyên bố cấp cao. Tất cả… liệu có hứa hẹn một bản lĩnh mới của Việt Nam trong bối cảnh “hậu CSP” khi triển khai đa dạng hóa các quan hệ đối tác làm ăn với thế giới nói chung, cũng như với Hoa Kỳ và Trung Quốc nói riêng?

(1) https://laodong.vn/cong-nghe/bo-truong-khdt-tiec-nuoi-khi-intel-gac-ke-hoach-dau-tu-them-1-ti-usd-vao-viet-nam-1264864.ldo

(2) https://www.tinnhanhchungkhoan.vn/bo-tai-chinh-hoa-ky-tiep-tuc-xac-dinh-viet-nam-khong-thao-tung-tien-te-post333489.html

(3) https://www.rfa.org/vietnamese/news/comment/blog/anti-craft-hinder-economic-growth-11012023112036.html

(4) https://www.reuters.com/business/energy/chinas-trina-solar-plans-420-mln-expansion-vietnam-2023-11-06/

(5) https://vov.vn/chinh-tri/thu-tuong-pham-minh-chinh-tiep-cac-tap-doan-lon-cua-trung-quoc-post1046315.vov

(6) https://vnreport.vn/reuters-intel-huy-ke-hoach-mo-rong-hoat-dong-o-viet-nam/

(7) https://www.reuters.com/article/vietnam-usa-semiconductors-idCAKBN31V05Z

(8) https://baochinhphu.vn/de-nghi-nhat-ban-ho-tro-viet-nam-nghien-cuu-xay-dung-duong-sat-cao-toc-bac-nam-102230113202618936.htm

  • 16x9 Image

    Hoàng Trường

    Hoàng Trường là bút hiệu một nhà báo tại Hà Nội. Tác giả hiện đang công tác tại một tạp chí nghiên cứu tại Việt Nam. Các bài viết của Hoàng Trường là blog cá nhân và được đăng tải với sự đồng ý của đài VOA nhưng không phản ánh quan điểm chính thức của chính phủ Hoa Kỳ.

Diễn đàn

VOA Express

XS
SM
MD
LG