Sau vụ cháy chung cư kinh hoàng trên phố Khương Hạ, Hà Nội đang trong đợt tổng rà soát toàn bộ hệ thống hàng nghìn chung cư mini trên thành phố khiến nhiều chủ chung cư dù đã bán hết số căn hộ từ vài năm trước nhưng vẫn lo ‘như ngồi trên đống lửa’ bởi có thể bị sờ gáy bất cứ lúc nào.
Anh N.T.L, một chủ chung cư mini đang sinh sống tại quận Gia Lâm, cho VOA biết những tuần gần đây anh thấy thật sự bất an, thậm chí nhiều người bạn của anh đã phải ‘chuồn ra nước ngoài.’
“Có ông sợ quá còn chuồn ra nước ngoài vì, dù chưa xảy ra chuyện gì, nhưng cứ động vào là ông chết rồi. Mà nó xảy ra thật thì ông lại càng chết. Nhưng mà có phải ai cũng chuồn được đâu,” anh nói.
Theo anh, 100% các chung cư mini tại Hà Nội vi phạm các quy định về an toàn phòng cháy chữa cháy và việc khắc phục là hoàn toàn bất khả thi trong điều kiện đô thị hiện tại.
“Không có cách nào đảm bảo được theo nghị định 136 về phòng cháy chữa cháy. Ví dụ như Karaoke nhé, anh chỉ có ra giữa đồng anh xây thì mới đáp ứng được quy định. Quy định lối thoát hiểm phải là một cầu thang riêng; chiều ngang tối thiểu là 1,3m thì các công trình trong phố là ngọng hết. Tất cả các chung cư mini không thể bao giờ có thể đáp ứng được quy định về phòng cháy chữa cháy cả,” anh phân tích.
Anh L nói không phải những người mua hoặc thuê chung cư mini không biết mối nguy hiểm này nhưng hoàn cảnh thu nhập và giá nhà đất trên trời hiện tại bắt buộc người ta phải bất chấp nguy hiểm sống trong các chung cư này thôi.
“Thật ra là cũng khó đấy vì tầm 800 triệu lấy đâu mà mua được chung cư thương mại bình thường. Chỉ có thể mua chung cư mini thôi mà vẫn được 50 mét vuông, vợ chồng con cái sống được. Đây chính là phân khúc mà nhà nước không lo được cho người dân mà người dân phải tự lo đấy,” anh chia sẻ.
Anh N.V.H, một chủ chung cư mini tại quận Thanh Xuân, cho rằng đợt tổng kiểm tra rà soát sẽ không tạo ra thay đổi gì lớn và anh chỉ mong không có gì bất trắc xảy ra tại khu chung cư của mình.
“Bây giờ nó đang nóng lên sau vụ cháy thì người ta bắt buộc phải làm do áp lực dư luận và đẩy lên một tí. Chứ sau một thời gian dư luận lắng xuống thì đâu lại đóng đấy thôi. Chỉ có những cái nào mà dư luận soi kỹ quá, người ta vào quay phim chụp ảnh rồi thì mới bắt buộc phải làm. Chứ còn nếu mà xử lý hết thì có mà loạn hết cả xã hội. Hà Nội bây giờ nó thế, tình trạng này là khắp nơi chứ có phải một vài trường hợp cá biệt đâu,” anh H nói.
Theo một nhà báo kỳ cựu tại Hà Nội tên N.P.N, đợt tổng kiểm tra chỉ có hai mục đích là làm yên dư luận và tạo chứng cứ để có thể đùn đẩy trách nhiệm mà thôi.
“Người ta sẽ kiểm tra rồi đưa ra những văn bản cưỡng chế, yêu cầu khắc phục này nọ để trong trường hợp xảy ra việc thì người ta sẽ nói tôi đã kiểm tra rồi, tôi đã có những biện pháp cụ thể rồi, văn bản đây,” anh N cho biết.
Thừa nhận việc cưỡng chế, yêu cầu các chủ chung cư khắc phục theo đúng quy định về phòng cháy chữa cháy là bất khả thi, anh N.T.D, một cán bộ quản lý đô thị tại Hà Nội, nói với VOA rằng: “OK làm thì để đảm bảo an toàn phòng chống cháy nổ nhưng một vấn đề đặt ra là phải giải quyết chỗ ở cho những hộ dân như thế. Bây giờ rất nhiều người đang ở chung cư mini và nhiều chung cư cho sinh viên thuê nữa. Họ bây giờ không ở đấy thì họ ở đâu. Vấn đề này là phải xử lý những hộ kinh doanh nhưng cũng phải đáp ứng nhu cầu của người dân nữa cơ. Người dân người ta cũng đang rất cần những chung cư như thế.”
Người cán bộ quản lý đô thị này cho VOA biết phần lớn các chung cư mini hiện đã bán lại hoàn toàn cho các hộ gia đình sống trong đó. Nếu giờ cưỡng chế cắt bỏ những tầng đã xây sai phép và phá bỏ bớt một số căn hộ để xây cầu thang thoát hiểm là chuyện không tưởng vì sẽ ảnh hưởng tới cuộc sống của hàng chục nghìn cá nhân và hộ gia đình.
Theo anh, chỉ có một giải pháp nhưng sẽ mất thời gian và cần được thúc đẩy.
“Một bài toán khả thi hơn là di dời các trường đại học tại Hà Nội ra khỏi nội thành. Hiện nay, thành phố đã di dời được khoảng 6.000 sinh viên của Đại học Quốc gia ra Hòa Lạc nhưng so với con số sinh viên chỉ riêng tại Đại học quốc gia là 20.000 thì vẫn chưa nghĩa lý gì,” anh D phân tích.
Vị cán bộ này cho rằng khi các đại học di dời ra khỏi những quận nội thành thì nhu cầu đối với chung cư mini sẽ giảm hẳn bởi khách hàng chính của các chung cư mini hiện nay có thể nói chính là lực lượng sinh viên vốn muốn có một chỗ ở tiết kiệm mà lại gần nơi học tập. Khu vực ngoại thành đất đai còn rộng rãi, giá nhà đất và giá thuê cũng rẻ hơn, thì sinh viên và các gia đình ngoại tỉnh có con theo học đại học sẽ không dại gì đi thuê hay mua căn hộ trong những chung cư mini luôn tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ như hiện nay.
Diễn đàn