Việt Nam đang lên kế hoạch đấu giá khai thác mỏ đất hiếm lớn nhất trong nước nhằm tham gia vào chuỗi cung ứng đất hiếm, giữa bối cảnh các nước phương Tây, đứng đầu là Mỹ, đang nỗ lực giảm bớt sự thống trị của Trung Quốc trong lĩnh vực này.
“Ngay sau khi đấu giá thành công, chúng tôi sẽ sử dụng quặng từ mỏ này và các mỏ sẽ được cấp mới để sản xuất”, VnExpress hôm 4/10 dẫn lời ông Lưu Anh Tuấn, Giám đốc Công ty Cổ phần Đất hiếm Việt Nam (VTRE), cho biết doanh nghiệp này và đối tác Blackstone Minerals (đơn vị đàm phán đấu thầu các mỏ đất hiếm với Việt Nam) đang lên kế hoạch cho cuộc đấu giá khai thác mỏ Đông Pao, rộng rộng hơn 132 ha, ở tỉnh Lai Châu. Đây được xem là mỏ đất hiếm lớn nhất Việt Nam.
Đất hiếm là loại khoáng sản đặc biệt dành cho việc sản xuất các sản phẩm công nghệ kỹ thuật cao như: các chất xúc tác, nam châm, hợp kim, chất phát quang…, để chế tạo điện thoại di động, ổ đĩa cứng máy tính, thiết bị cho xe điện...
Hãng thông tấn Reuters hôm 24/9 dẫn lời một quan chức của công ty khai thác đất hiếm do nhà nước kiểm soát Lavreco, nói rằng việc khai thác hiệu quả mỏ Đông Pao sẽ đưa Việt Nam trở thành nhóm sản xuất đất hiếm hàng đầu.
Tuy nhiên, việc tinh chế đất hiếm rất phức tạp và Trung Quốc đang kiểm soát nhiều công nghệ chế biến loại khoảng sản này.
Phía Blackstone nói với Reuters rằng trữ lượng ước tính của mỏ Đông Pao cũng cần được đánh giá lại bằng các phương pháp hiện đại. Tuy nhiên, đất hiếm ở mỏ này tương đối dễ tiếp cận và chủ yếu tập trung ở quặng bastnaesit, theo Đại học Mỏ Địa chất Hà Nội.
Theo Cơ quan Khảo sát Địa chất Hoa Kỳ, Việt Nam có trữ lượng đất hiếm lớn thứ hai trên thế giới với 22 triệu tấn. Trung Quốc có trữ lượng đất hiếm lớn nhất với 44 triệu tấn, đứng thứ ba là Brazil với 21 triệu tấn.
Tuy nhiên, phần lớn đất hiếm ở Việt Nam vẫn chưa được khai thác, đầu tư không được khuyến khích vì giá thấp do Trung Quốc ấn định và do nước này gần như độc quyền trên thị trường toàn cầu.
Nói với VnExpress, ông Lưu Anh Tuấn cho biết về quy trình công việc đã và sắp được thực hiện, là thử nghiệm nguyên liệu đất hiếm trên dây chuyền quy mô nhỏ trong năm 2023; đưa ra quy trình, thiết kế nhà máy khai thác mỏ; thiết kế, đào tạo chuyên gia cho nhà máy phân tách quặng thành sản phẩm đất hiếm đạt độ tinh khiết từ 95% trở lên để đưa vào nhà máy phân ly trong năm 2024.
Mỏ Đông Pao đã được Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp phép cho Công ty Cổ phần Đất hiếm Lai Châu (Tập đoàn Than, Khoáng sản Việt Nam) cùng đối tác Nhật Bản khai thác vào tháng 12/2014, nhưng quá trình khai thác vẫn không thể diễn ra vì nhiều trở ngại về công nghệ và cơ chế.
Diễn đàn