Đường dẫn truy cập

World Bank: Ngân sách chính phủ Việt Nam ‘tiếp tục thâm hụt’


Công nhân dệt may Việt Nam.
Công nhân dệt may Việt Nam.

Ngân hàng Thế giới (World Bank) mới cho biết rằng thâm hụt ngân sách của Việt Nam “tính đến thời điểm hiện tại ước khoảng 2,3 tỷ USD”.

Công bố bản cập nhật về tình hình kinh tế Việt Nam hôm 18/9, tổ chức tài chính này nói rằng khi nền kinh tế chậm lại, số thu ngân sách giảm 23,2% trong tháng 8 năm 2023, sau khi giảm 17-36% so với cùng kỳ năm trước trong giai đoạn từ tháng 4 đến tháng 7 năm 2023.

Trong khi đó, theo World Bank, chi tiêu công “tiếp tục tăng nhanh”, tăng 22,1% trong tháng 8, tương đương với mức tăng trong các tháng 5, 6, 7 “do giải ngân đầu tư công tăng”.

Trong bản cập nhật, Ngân hàng Thế giới cũng cho biết rằng trong tháng 8, xuất khẩu và nhập khẩu hàng hóa “tiếp tục nằm trong vùng suy thoái”, giảm lần lượt là 7,3% và 8,1%.

Cơ quan tài chính này nói thêm rằng “sự suy giảm trong thương mại hàng hóa phản ánh nhu cầu tiếp tục yếu từ các thị trường xuất khẩu chính, bao gồm Mỹ và EU, khiến xuất khẩu giảm lần lượt 19,1% và 8,3% trong 8 tháng đầu năm 2023”.

World Bank cũng nhận định rằng “trong khi sự sụt giảm trong hoạt động xuất khẩu có thể đã chạm đáy và tiêu dùng trong nước vẫn ổn định, tăng trưởng tín dụng vẫn tiếp tục chậm, phản ánh đầu tư tư nhân trong nước và niềm tin của nhà đầu tư yếu”.

Như VOA tiếng Việt đã đưa tin, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ hôm 19/9 thừa nhận tăng trưởng kinh tế 6 tháng đầu năm 2023 chỉ đạt 3,72%, gần thấp nhất trong 12 năm trở lại đây, tạo áp lực rất lớn cho hai quý còn lại của năm trong việc đạt được mục tiêu tăng trưởng 6,5% đã đề ra cho năm nay.

Theo nhận định của Bloomberg, quốc gia Đông Nam Á vốn phụ thuộc vào xuất khẩu đã không thể lấy lại động lực kinh tế khi nhu cầu toàn cầu đối với các sản phẩm sản xuất tại Việt Nam bị suy yếu và các thị trường lớn như Trung Quốc, Mỹ, Hàn Quốc và Nhật Bản chống chọi với suy thoái.

Diễn đàn

VOA Express

XS
SM
MD
LG